QLVNCH
Thursday, June 23, 2011
Friday, May 7, 2010
Sự Thành Hình Của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Khái lược về lịch sử hình thành của Quân Lực VNCH
Hoàn cảnh chánh trị lúc Quân Ðội Quốc Gia VN ra đời
Lịch sử thành lập Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa là một tiến trình khá phức tạp trải dài trong nhiều năm, và gắn liền với những diễn biến của giòng lịch sử Việt Nam cận đại. Ðể độc giả có một ý niệm khái quát về sự hình thành đó, chúng tôi xin tóm lược hoàn cảnh chính trị của nước nhà vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam bắt đầu bùng nổ.
Sau khi Ðệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, quân đội viễn chinh Pháp trở sang Ðông Dương đem theo lực lượng hùng hậu chiếm đóng ba xứ Việt, Miên, Lào, với manh tâm đặt lại nền đô hộ trên các thuộc địa cũ theo chánh sách thực dân cố hữu của người Pháp. Tướng De Gaulle bổ nhiệm đô đốc Thierry d'Argenlieu làm cao ủy Ðông Dương và danh tướng Leclerc de Haute Cloque làm tư lệnh quân đội viễn chinh. Vào cuối tháng 9 năm 1945, quân đội Pháp đã núp bóng quân đội Anh do tướng Gracey chỉ huy để giải giới quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở xuống.
Cuộc xâm lăng mới của Pháp này đã gặp sức kháng cự mạnh mẽ của người Việt Nam, nhất là các đoàn thể võ trang như Việt Minh, Cao Ðài, Hòa Hảo, Bình Xuyên trong miền Nam, và các đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Ðại Việt ở miền Trung và Bắc. Mặc dù tinh thần kháng chiến chống thực dân của dân ta rất cao, nhưng vì vũ khí thô sơ và tổ chức còn rời rạc, nên các lực l ượng võ trang này bị quân Pháp đánh bại mau lẹ. Ða số phải rút về thôn quê hay vào bưng biền để tổ chức trường kỳ kháng chiến. Tuy một số dân chúng còn lại ở các thành phố và vùng bị chiếm đóng đã phải ngả theo Pháp vì lý do sinh kế hoặc muốn được yên thân, nhưng trong lòng đa số dân Việt lúc đó đều nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, mong sớm phục hồi được độc lập và thống nhất cho quốc gia.
Trong số những người phải ra cộng tác với Pháp, một số đã gia nhập quân đội viễn chinh và được gọi là Thân Binh Ðông Dương (Partisans Indochinois). Về sau, vì nhu cầu chiến tranh bành trướng mau lẹ, người Pháp đã tuyển mộ lính địa phương tại chỗ và lập thành các lực lượng phụ thuộc (forces suppletives) do sĩ quan Pháp chỉ huy. Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng: không phải ai hợp tác với người Pháp cũng đều là Việt Gian. Ngược lại, nhiều người là những phần tử Quốc Gia chân chính chỉ muốn nhờ cậy vào thế lực của Pháp để chống lại bọn Cộng Sản Việt Minh.
Sang năm 1948, giải pháp Bảo Ðại ra đời với chủ trương đoàn kết các lực lượng quốc gia để chống Việt Minh, vì lúc đó thành phần này đã ngả theo phe Cộng Sản quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Nga, Tàu để chống lại khối dân chủ tây phương.
Theo hiệp ước Élysée ký ngày 8 tháng 3 năm 1949 giữa quốc trưởng Việt Nam Bảo Ðại và tổng thống Pháp Vincent Auriol, nước Việt Nam được trao trả nền độc lập, có quân đội và chính sách ngoại giao riêng. Do đó, quân đội Việt Nam được chính thức thành lập và lấy tên là Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam.
Thời kỳ phôi thai (1946-1949)
Do nghị định quốc phòng ngày 13 tháng 4 năm 1949, quân độc Việt Nam được thành lập, lúc đầu lấy tên là Vệ Binh Quốc Gia (Garde Nationale). Quân Ðội Việt Nam lúc này có qui chế riêng và lương bổng được hưởng tương đối cao hơn phụ lực quân lúc trước. Ba đơn vị chiến đấu đầu tiên được thành lập ngày 1 tháng 10 năm 1949 là các tiểu đoàn bộ binh số 18, 2, và 3, gọi tắt là BVN (Batallion Vietnamien hay Bê Vê En). Lần lượt, các lực lượng quân sự phụ thuộc khác như Cộng Hòa Vệ Binh trong Nam, Bảo Vệ Quân ở miền Trung (sau đổi tên là Việt Binh Ðoàn) và Bảo Chính Ðoàn ở Bắc, v.v. được thuyên chuyển qua hoặc sát nhập vào Quân Ðội Quốc Gia. Còn các lực lượng võ trang của các giáo phái như Cao Ðài, Hòa Hảo, Bình Xuyên tại miền Nam Việt Nam hoặc trở về hợp tác với chánh phủ quốc gia, hoặc rút vào bưng, nhưng sau đó cũng bị tiêu diệt lần hồi. Quân số Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam vào cuối năm 1949 là 45,000 người, không kể các lực lượng còn trong hệ thống quân đội Pháp.
QLVNCH trong thập niên 1950
Thời kỳ thành lập (1950-1952)
Ngày 11 tháng 5 năm 1950, thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố thành lập Quân Ðội Quốc Gia với lập trường chống Cộng, gia tăng quân số lên 60,000 người, do ngân sách quốc gia đài thọ 40%, phần còn lại do Pháp gánh chịu. Viện trợ Mỹ cũng bắt đầu giao thẳng cho các đơn vị Việt Nam, chứ không qua trung gian quân đội Pháp theo chương trình Viện Trợ Hỗ Tương Quốc Phòng MDAP (Mutual Defense Assistance Program). Trưởng phái bộ viện trợ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam là đại tướng O'Daniel. Các quân trường lớn được bắt đầu thành lập trong thời kỳ này gồm có: Trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt, Trường Sĩ Quan Thủ Ðức và Nam Ðịnh. Trường Sĩ Quan Trừ Bị sau này được đổi tên là Trường Bộ Binh Thủ Ðức. Các trung tâm nhập ngũ dùng để huấn luyện binh sĩ quân dịch cũng được thành lập tại Quang Trung (Nam Việt), Phú Bài (Trung Việt) và Quảng Yên (Bắc Việt).
Ðến năm 1951, sau khi bị thất bại nặng tại vùng Cao-Bắc-Lạng, Pháp muốn tăng cường Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam để nhận lãnh trách nhiệm bình định và an ninh lãnh thổ. Do đó, tướng De Lattre de Tassigny đã đề nghị thành lập nhiều tiểu đoàn hoàn toàn Việt Nam do các sĩ quan người Việt chỉ huy.
Ngày 5 tháng 5 năm 1951, Bộ Quốc Phòng Việt Nam mới thật sự thành hình, với những cơ cấu tổ chức đầu não như Bộ Tổng Tham Mưu, Nha Quân Pháp, Nha Thanh Tra, Tổng Nha Hành Chánh & Quân Lương, Nha Quân Cụ, Nha Quân Y, v.v.
Lệnh tổng động viên được ban hành theo dụ số 26, ngày 15 tháng 7 năm 1951, gọi các sinh viên sĩ quan nhập ngũ khóa trừ bị đầu tiên và 60,000 thanh niên thi hành quân dịch. Cuối năm 1951, quân số dưới cờ lên tới 110,000 người. Các đơn vị nòng cốt được thành lập trong thời kỳ này là:
- Tiểu Ðoàn Nhẩy Dù
- Ðại Ðội 1 & 3 Truyền Tin
- Ðệ Nhất (I) Chi Ðoàn Thám Thính Xa
- Tiểu Ðoàn Pháo Binh
- Ðại Ðội 2 & 3 Công Binh
Qua năm 1952, để gia tăng nỗ lực chiến tranh, Bộ Tổng Tham Mưu được tách riêng khỏi trụ sở Bộ Quốc Phòng và đặt tổng hành dinh tại tòa nhà lầu góc đại lộ Trần Hưng Ðạo và Trần Bình Trọng (Chợ Quán). Vị tổng tham mưu trưởng đầu tiên là thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh, con trai của thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, nguyên là cựu trung tá Không Quân Pháp.
Vào tháng 7 năm 1952, Bộ Chỉ Huy các quân khu được thành lập như sau:
- Ðệ Nhất Quân Khu gồm Nam Việt
- Ðệ Nhị Quân Khu gồm Trung Việt
- Ðệ Tam Quân Khu gồm Bắc Việt
Cuối năm 1952, Quân Ðội Quốc Gia có 148,000 người, gồm 95,000 quân chánh qui và 53,000 bảo an địa phương. Các đơn vị gồm có:
- 59 tiểu đoàn bộ binh
- 2 tiểu đoàn nhẩy dù
- 2 tiểu đoàn ngự lâm quân
- 8 tiểu đoàn sơn cước
Về cơ giới có:
- 6 chi đoàn thám thính xa
- 1 tiểu đoàn pháo binh và 8 pháo đội biệt lập
- 6 đại đội vận tải
- 6 đại đội truyền tin
- 2 liên đoàn tuần giang
Cũng trong thời kỳ này, các quân chủng không quân và hải quân đã bắt đầu đặt nền móng tại Nha Trang, là nơi có thời tiết lý tưởng cho việc huấn luyện. Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân được thành lập vào tháng 4 năm 1952 (sẽ nói rõ hơn trong phần lược sử binh chủng Không Quân và Hải Quân).
Thời kỳ phát triển (1953-1954)
Theo đà phát triển, kể từ đầu năm 1953 cho tới khi ký kết hiệp định Geneve (ngày 20 tháng 7 năm 1954), có 4 sự kiện sau đây đáng được ghi nhận:
1. Phát triển các bộ tham mưu, các cơ sở chỉ huy từ trung ương đến các quân khu, tiểu khu theo một hệ thống của quân đội có qui uớc hẳn hoi.
2. Thành lập thêm Sư Ðoàn 7 Bộ Binh và 54 tiểu đoàn khinh quân để hành quân vùng đồng ruộng thay thế quân đội Pháp.
3. Thành lập 15 liên đoàn bộ binh và 1 liên đoàn nhẩy dù.
4. Tiến hành công việc Việt hóa bằng cách chuyển dần các lãnh thổ và công tác hành quân cho người Việt, khởi đầu là các tiểu khu Mỹ Tho (Nam Việt), Hưng Yên, và Bùi Chu (Bắc Việt).
Ngày 12 tháng 4 năm 1954, thủ tướng Bửu Lộc ban hành lệnh tổng động viên, ấn định rằng mọi thanh niên Việt Nam sanh từ ngày 1 tháng 1 năm 1929 đến ngày 31 tháng 12 năm 1933 đều phải nhập ngũ. Ngoài ra, mọi thanh niên tuổi từ 18 đến 45 cũng không được phép xuất ngoại trong thời kỳ chiến tranh. Tòa án quân sự được thành lập để xét xử các thanh phần bất phục tòng hay đào ngũ.
Thời kỳ độc lập (1954 trở về sau)
Sau cuộc ngưng bắn do hiệp ước Geneve ấn định, các đơn vị của Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam đồn trú tại phía bắc vĩ tuyến 17 được lần lượt di chuyển vào Nam kể từ tháng 8 năm 1954. Phần lớn các đơn vị đóng chung quanh Hà Nội và Hải Phòng được đưa vào vùng Ðà Nẵng, Nha Trang, và các tỉnh miền Trung. Các tiểu đoàn Nùng (sơn cước) được đưa vào Cam Ranh để sau này thành lập sư đoàn Nùng tại sông Mao do đại tá Wòng A Sáng chỉ huy. Bộ Tư Lệnh Ðệ Tam Quân Khu dời vào Nha Trang. Riêng các trung tâm huấn luyện Hà Nội và Quảng Yên được sát nhập vào Trung Tâm Quán Tre thuộc tỉnh Gia Ðịnh.
Cũng trong thời gian này, các lực lượng võ trang giáo phái như Cao Ðài, Hoà Hảo, được sát nhập vào Quân Ðội Quốc Gia để thành lập một quân lực có sự chỉ huy thống nhất trên toàn quốc. Riêng có một nhóm Hòa Hảo ly khai chừng vài ngàn người, dưới quyền chỉ huy của trung tướng Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt, rút vào Cao Miên để chống lại chính phủ.
Ngày 26 tháng 10 năm 1955, khi cử hành lễ đăng quan của tổng thống Ngô Ðình Diệm và cũng là ngày khai sinh nền Ðệ Nhất Cộng Hòa. Quân Ðội Quốc Gia được đổi tên là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Lúc đó, quân số hiện diện dưới cờ là 167,000 người.
Thời kỳ hiện đại hóa (1961-1975)
Kể từ lúc mang danh xưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), quân đội là lực lượng nồng cốt bảo vệ an ninh và bình định lãnh thỗ miền Nam từ vĩ tuyến 17 cho đến mũi Cà Mau. Trong thời kỳ này, quân lực Việt Nam chú trọng đến việc gia tăng khả năng tác chién, đặt vấn đề huấn luyện lên hàng đầu. Nhiều đợt sĩ quan Hải Lục Không quân được gởi đi tu nghiệp tại ngoại quốc, nhất là tại Hoa Kỳ để chuẩn bị cho việc hiện đại hóa quân đội.
Lúc này, người Mỹ cũng đã có mặt khá đông đảo tại miền Nam và viện trợ quân sự Mỹ có tầm quan trọng đặc biệt, nếu không muốn nói là quyết định trong vấn đề hiện đại hóa. Phái bộ cố vấn quân sự Hoa Kỳ (Military Assistance & Advisory Group, gọi tắt là MAAG) được đổi thành MAC-V và đặt dưới quyền điều khiển của tướng 4 sao William Wesmoreland.
Về bộ binh, bảng cấp số được tăng lên đến 11 sư đoàn bộ binh, một lực lượng tổng trừ bị gồm Sư Ðoàn Dù và Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC). Ngoài ra, còn có nhiều Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân (BÐQ) được đặt dưới quyền xử dụng của các quân khu.
Riêng các quân chủng Không Quân và Hải Quân cũng được bành trướng tối đa trong thời kỳ này. Ðây là giai đoạn chuyển mình của QLVNCH, biết đổi từ một lực lượng phụ thuộc vào lực lượng viễn chinh Pháp, để trở thành một quân đội hiện đại và được trang bị tối tân nhất vùng Ðông Nam Á.
Vì thời kỳ này là giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử hình thành QLVNCH, chúng tôi sẽ lược duyệt lý do và đi sâu vào chi tiết tiến trình hiện đại hóa của những quân binh chủng quan trọng nòng cốt trong quân lực.
Trong những năm từ 1961 đến 1975, Cộng Sản Bắc Việt đã công khai xua quân xâm chiếm miền Nam. Nấp dưới tấm bình phong giả tạo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN), hàng sư đoàn quân chính qui cộng sản dùng đường mòn Hồ Chí Minh vượt vĩ tuyến 17 vào Nam. Những sư đoàn này được trang bị bằng đủ loại vũ khí tối tân với chiến xa và đại pháo yểm trợ. Nhưng dù ở thế bị động, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã giáng cho bọn cộng sản xâm lược những đòn quyết liệt, điển hình là trận thảm bại trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân vào 1968.
Tuy nhiên sau khi đã dùng chính sách "ngoại giao bóng bàn" để bắt tay được với Trung Cộng, và cũng vì bị dân chúng phản đối dữ dội, chính phủ Nixon chuẩn bị kế hoạch rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Chương trình này được gọi là "Việt hóa cuộc chiến" (Vietnamization).
Nguồn gốc của danh từ "Việt hóa" chỉ là một sự ngẫu nhiên. Nguyên vào khoảng tháng 3 năm 1971, lúc tổng thống Nixon mới đắc cử, tướng Andrew Goodpaster lúc đó là phụ tá của tướng Abrams (tướng Abrams là tổng tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam) có tham dự một buổi thuyết trình của Hội Ðồng An Ninh Hoa Kỳ. Trong buổi thuyết trình, tướng Goodpaster loan báo rằng Quân Lực VNCH bây giờ đã đủ mạnh, đến độ Hoa Kỳ có thể "không cần Mỹ hóa" (de-Americanizing) cuộc chiến tại Việt Nam nữa. Lúc đó, tổng trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Melvin Laird, một nhà chính trị già đời, cho rằng nếu nói "không còn Mỹ hóa" tức là gián tiếp công nhận trước đây Hoa Kỳ đã biến chiến tranh Việt Nam thành chiến tranh xâm lược giữa đế quốc Mỹ và nhân dân Việt Nam. Như vậy sẽ rơi vào chiêu bài "chống Mỹ cứu nước" của Cộng Sản. Bộ trưởng Laird đề nghị chỉ nên dùng một danh từ nào đó gián tiếp có ý nghĩa là Hoa Kỳ sẽ rút chân khỏi Việt Nam, nhưng tránh không đả động gì tới vấn đề Mỹ hóa. Thí dụ như thay vì nói "de-Americanizing" chẳng hạn. Tổng thống Nixon, cùng là một con cáo già chính trị, lập tức đồng ý: "Bộ trưởng Laird nói có lý." Thế là danh từ "Việt hóa" (Vietnamization) được ra đời trong tự điển Hoa Kỳ.
Thực tế, quân đội Hoa Kỳ tuy đã muốn rút chân khỏi Việt Nam, tức là không còn tham chiến nữa, nhưng lại không muốn bị mất mặt vì đã bỏ rơi đồng minh và bị bọn cộng sản của một tiểu quốc đánh bại. Vì danh từ "de-Americanizing" bao hàm ý nghĩa Hoa Kỳ tháo chạy và bỏ rơi đồng minh, nên danh từ "Việt hóa" được xử dụng. Thật ra, Việt hóa tức là chuyển gánh nặng quân sự sang cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa, như vậy quân đội Hoa Kỳ sẽ không còn phải tham chiến nữa, tức là "không Mỹ hóa" vậy.
Chương trình "Việt hóa" hay hiện đại hóa QLVNCH được chia ra làm 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1: Huấn luyện và trang bị QLVNCH để chuyển giao dần trách nhiệm bộ chiến.
Giai đoạn 2: Phát triển khả năng yểm trợ của QLVNCH.
Giai đoạn 3: Các quân nhân Hoa Kỳ nếu còn lại ở Việt Nam, sẽ chỉ giữ vai trò cố vấn.
Tuy mãi đến khoảng đầu thập niên 1970 vấn đề Việt hóa, tức là giao trọng trách trên chiến trường cho QLVNCH, mới được đề cập tới, nhưng trên thực tế, trước khi có chương trình này, QLVNCH cũng đã đảm đương phần lớn gánh nặng của chiến cuộc. Tuy quân lực Hoa Kỳ có tham dự những trận đánh lớn với cộng quân, nhưng các lực lượng QLVNCH đã luôn luôn đụng độ với địch nhiều hơn, và thiệt hại bao giờ cũng cao hơn lực lượng đồng minh.
Mặc dù có nhiều ý kiến chống đối tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ, công cuộc "Việt hóa" được tiến triển rất nhanh qua kế hoạch "Hiện Ðại Hóa QLVNCH" (gọi tắt là CRIMP - Consolidated RVNAF Improvement and Modernization Program). Tính đến năm 1972, Hoa Kỳ đã chuyển giao cho QLVNCH:
- Trên 800,000 vũ khí cá nhân và cộng đồng.
- Khoảng 2,000 chiến xa và đại bác.
- Khoảng 44,000 máy truyền tin.
So với năm 1968, QLVNCH có khoảng 700,00, vào cuối năm 1971 tăng lên trên 1 triệu người. Như vậy, QLVNCH đã được canh tân và cải tiến trong đầu thập niên 1970 để có thể thay thế quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường miền Nam. Sau đây, chúng tôi sẽ đi sâu vào thời kỳ hiện đại hóa rất quan trọng của từng quân chủng: Lục Quân, Không Quân, và Hải Quân.
Ðể giúp quý độc giả, nhất là những bạn trẻ không có dịp chiến đấu trong QLVNCH, dễ dàng nắm vững được những phần nồng cốt trong bài biên khảo này, chúng tôi xin mạn phép được đề câp sơ qua về cơ cấu tổ chức của QLVNCH.
Tổng quát, Quân Lực VNCH được phân chia làm 3 quân chủng: Hải Quân, Không Quân, và Lục Quân, thường được gọi tắt là Hải, Lục, Không Quân. Cũng như đa số các quân đội trên thế giới, Lục Quân bao giờ cũng phải đảm đương phần lớn trách nhiệm trong các cuộc chiến, nên quân chủng này quan trọng nhất và có đông quân nhất.
Theo định nghĩa khái quát, Lục Quân gồm các quân nhân đánh giặc "trên mặt đất". Không Quân dùng phi cơ để bay trên trời, và Hải Quân xử dụng các chiến hạm chiến đĩnh trên sông ngòi hay biển cả. Có nhiều người thường xử dụng lẫn lộn danh từ "quân chủng" và "binh chủng", thí dụ như "binh chủng" Không Quân, "binh chủng" Hải Quân"... Ðiều này cũng không lấy gì làm lạ, vì "quân" hay "binh" cũng đều là lính cả! Tuy nhiên, nếu phân biệt rõ ràng, một binh chủng chỉ là thành phần của một quân chủng, cũng như tiểu đoàn là thành phần của một trung đoàn. Lục Quân là một quân chủng lớn với gần nửa triệu quân dưới cờ, nên được chia thành nhiều binh chủng như: Bộ Binh, Công Binh, Pháo Binh, Thiết Giáp Binh, v.v. Còn hai Quân Chủng Không Quân và Hải Quân không được chia thành những binh chủng riêng biệt. Nếu chỉ kể riêng về quân số, binh chủng Bộ Binh còn đông hơn cả quân chủng Không Quân và Hải Quân hợp lại.
Ðối với các binh chủng đặt biệt như Nhẩy Dù hay Thủy Quân Lục Chiến, tuy có dùng chiếm hạm của Hải Quân hay phi cơ của Không Quân khi đi hành quân, nhưng đều được kể là những binh chủng của Lục Quân.
Nhìn chung, Lục Quân được gia tăng lên đến 450,000 người, chia ra 13 sư đoàn, gồm 171 tiểu đoàn lưu động được phối trí như sau: Sư Ðoàn 1, 2, và 3 trấn đóng tại Vùng 1 Chiến Thuật. Sư Ðoàn 22 và 23 trấn đóng tại vùng 2 Chiến Thuật. Sư Ðoàn 5, 18, và 25 trấn đóng tại Vùng 3 Chiến Thuật. Sư Ðoàn 7, 9, và 21 trấn đóng tại Vùng 4 Chiến Thuật.
Ngoài ra, còn có hai sư đoàn tổng trừ bị là Sư Ðoàn Dù và Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến. Bốn mươi lăm (45) tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân được chia ra thành những liên đoàn đặt trực thuộc các Vùng Chiến Thuật. Năm mươi tám (58) tiểu đoàn Pháo Binh. Trong số những tiểu đoàn này, chỉ có mỗi một tiểu đoàn được trang bị đại bác 175 ly có tầm bắc xa tương đương với đại bác 130 ly của cộng quân. Các đại bác khác đều thuộc loại 105 ly hay 155 ly có tầm bắc ngắn hơn đại pháo của địch tới mươi cây số. Mười chính (19) thiết đoàn Kỵ Binh.
Lực lượng Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân tại các tiểu khu và chi khu cũng gia tăng đáng kể, lên đến 550,000 người vào năm 1972. Quan trọng hơn nữa, lực lượng này được trang bị vũ khí tối tân M-16 và M-60 để thay thế các vũ khí lỗi thời như M-1 và trung liên BAR. Lục Quân có Lục Quân Công Xưởng tại Gò Vấp để sửa chữa và bảo trì những chiến cụ nặng như chiến xa và đại bác, v.v.
Binh Chủng Thiết Giáp
Vào năm 1950, người Pháp thành lập một đơn vị Thám Thính Xa cho Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam. Ðến khi đất nước bị chia đôi vào năm 1954, binh chủng Thiết Giáp gồm Lữ Ðoàn 3 Thiết Giáp và 4 thiết đoàn biệt lập. Cho tới đầu năm 1955, Bổ Chỉ Huy Thiết Giáp Binh mới được chính thức thành lập cùng với nền đệ nhất Cộng Hòa.
Những chiến xa đầu tiên của binh chủng Thiết Giáp đều thuộc loại M-24 Chaffees nhẹ, thiết xa M8 loại nửa bánh nửa xích. Vào năm 1956, Thiết Giáp Binh được tổ chức theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, gồm những thiết đoàn kỵ binh, mỗi thiết đoàn gồm 2 chi đoàn trang bị chiến xa M-8, M-3, và M-24.
Trong thời gian từ 1957 đến 1962, Thiết Giáp Binh chỉ giữ một vai trò khiêm nhường trên chiến trường miền Nam vì các nhà quân sự cho rằng Việt Nam với nhiều rừng rú và sông rạch ruộng vườn lầy lội, không phải là chiến trường thích hợp cho chiến xa di chuyển. Tuy nhiên, cùng với sự sôi động của chiến trường, những thiết vận xa hay thiết quân vận M-113 được mang ra xử dụng thành công trong các cuộc hành quân tại Vùng 4. Sau đó, các thiết quân vận M-113 được trang bị hỏa lực mạnh hơn và lá chắn để trở thành một loại "chiến xa" đa dụng của Thiết Giáp Binh (xin phân biệt chiến xa hay xe tăng có nhiệm vụ chính là dùng hỏa lực tiêu diệt địch quân, còn thiết quân vận có mục đích nguyên thủy là dùng để chở quân đổ vào mục tiêu). Ðến năm 1964, các chiến xa Chaffees cũ kỹ được thay thế bằng loại M-41A3 "Walker Bulldog" tối tân hơn. Chiến xa M-41 chẳng bao lâu đã trở thành xương sống của Thiết Giáp Binh với 5 chi đoàn và rất được các chiến sĩ mũ đen ưa chuộng. Loại này tuy bị coi là nhỏ bé chật chội đối với người tây phương cồng kềnh, nhưng đối với người Việt Nam nhỏ tác thì lại rất vừa vặn và hữu hiệu.
Vào những năm cuối cùng của cuộc chiến, khi Cộng Sản Bắc Việt dùng các loại chiến xa T-54 và PT-76 để yểm trợ cho bộ binh xung trận, Thiết Giáp Binh QLVNCH lại được canh tân qua chương trình Việt Nam hóa với các chiến xa tối tân hơn như M-48 có máy nhắm bằng Xenon. Trong các cuộc hành quân lớn như vượt biên qua Cam Bốt năm 1970, Hạ Lào năm 1971, và trận chiến Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 1972, các chiến xa của ta đã tỏ ra trội vượt so với thiết giáp của đối phương và gây cho chúng những thiệt hại nặng nề. Riêng trong trận xa chiến đầu tiên với chiến xa cộng sản tại Hạ Lào vào năm 1971, các chiến xa M-41 của Lữ Ðoàn 1 Thiết Kỵ (do đại tá Nguyễn Trọng Luật chỉ huy) đã bắn hạ 6 chiến xa T-54 và 16 PT-76 của địch mà không bị một tổn thất nào.
Vị tư lệnh cuối cùng của binh chủng Thiết Giáp là chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp.
Binh Chủng Pháo Binh
Pháo binh Việt Nam xuất hiện trên chiến trường vào cuối năm 1951 với các đơn vị đầu tiên được gọi là Pháo Ðội Biệt Lập (Batterie de tir autonome). Sau đó, vào các năm 1952-1953, các pháo đội này được tập trung thành các tiểu đoàn pháo binh (Group d'artillerie). Các tiểu đoàn pháo binh Việt Nam, Pháo gọi là GAVN, gồm 3 pháo đội với 12 khẩu đại bác 105 ly. Sau đây là danh sách các tiểu đoàn pháo binh đầu tiên với ngày thành lập:
- Tiểu Ðoàn 3 Pháo Binh, thành lập ngày 1 tháng 11 năm 1952 tại Bắc Việt.
- Tiểu Ðoàn 2 Pháo Binh, thành lập ngày 1 tháng 3 năm 1953 tại Trung Việt.
- Tiểu Ðoàn 4 Pháo Binh, thành lập ngày 1 tháng 3 năm 1953 tại Cao Nguyên.
- Tiểu Ðoàn 1 Pháo Binh, thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1953 tại Nam Việt.
Tuy được thành lập đã lâu, nhưng mãi tới tháng 10 năm 1954, các sĩ quan pháo binh Việt Nam mới đảm nhiệm chức vụ tiểu đoàn trưởng. Và mãi đến tháng 3 năm 1955, binh chủng Pháo Binh mới có vị chỉ huy trưởng đầu tiên. Một trong những vị chỉ huy trưởng lúc ban đầu rất nổi tiếng của Pháo Binh là tướng Nguyễn Ðức Thắng.
Về sau, cùng với sự bành trướng của QLVNCH, binh chủng Pháo Binh cũng gia tăng nhanh chóng với các đơn vị pháo binh diện địa và di động đi theo các sư đoàn tổng trừ bị Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Vào năm 1972, khi chương trình hiện đại hoá QLVCH lên tới cao độ, có tới 58 tiểu đoàn Pháo Binh đồn trú khắp nơi trên các vùng Chiến Thuật.
Pháo Binh, cùng với Không Quân và Hải Quân, được coi như là những vị cứu tinh của các tiền đồn bị cô lập hay các đơn vị bộ binh đang chạm địch. Với những khẩu đội pháo bắn tập trung và tiêu diệt, lợi điểm của Pháo Binh là có thể tác xạ yểm trợ lâu dài và hữu hiệu dưới mọi thời tiết.
Nhưng rất tiếc khi chiến cuộc Việt Nam gần tàn vào những năm 1973-1974, khả năng hoạt động của Pháo Binh không còn được hữu hiệu như trước vì tình trạng đạn dược bị hạn chế. Hơn nữa, cả binh chủng Pháo Binh chỉ có một tiểu đoàn được trang bị đại pháo 175 ly có tầm bắn tương đương với trọng pháo 130 ly của địch quân lúc đó đang đầy rẫy khắp chiến trường. Ða số đại bác của ta là loại 105 ly và 155 ly với tầm bắn ngắn hơn trọng pháo của địch. Do đó, địch có thể pháo kích những căn cứ hỏa lực hay nơi đặt pháo mà ta không phản pháo được vì ngoài tầm tác xạ.
Ðoàn Nữ Quân Nhân
Thiết tưởng khi đề cập đến lịch sử của QLVNCH mà không nhắc đến Ðoàn Nữ Quân Nhân, có thể là một thiếu sót đáng trách. Những "đóa hoa nở trên đầu súng" này, tuy không trực tiếp xông pha nơi tuyến đầu, nhưng cũng đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đại gia đình quân đội.
Vào lúc cuộc chiến giữa hai phe Quốc Gia và Cộng Sản đang thời sôi động nhất, khi "lời sông núi giục vang bốn phương trời," đã có khá đông phụ nữa đi theo bước chân "Triệu Trưng xưa đẹp gương sáng muôn đời," gia nhập quân ngũ để đảm nhiệm những công tác xã hội.
Sở xã hội được thành lập vào tháng 7 năm 1952 với khóa huấn luyện Nữ Trợ Tá đầu tiên được tổ chức vào ngày 21 tháng 8 năm 1952 tại trường Hồng Thập Tự Pháp. Từ đó, bóng dáng người phụ nữ Việt Nam trong quân phục đã trở thành khá quen thuộc trong một tập thể trước đây được coi là độc quyền của nam giới. Ðoàn Nữ Quân Nhân được chia làm hai thành phần chính: Nữ Phụ Tá (Personnel Auxilliaire Feminin, gọi tắt là PAF) đảm nhiệm những công tác văn phòng để nam quân nhân có thể cầm súng ra trận. Nữ Trợ Tá Xã Hội (Assistance Sociale hay Auxiliaire Sociale) chuyên lo công tác xã hội như cứu trợ gia đình hay săn sóc thương bệnh binh.
Sở Xã Hội khi mới thành lập do phu nhân của thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh là một người Pháp điều khiển. Ðến tháng 4 năm 1954, Sở Xã Hội được mở rộng thành Nha Xã Hội và Văn Hóa. Về sau này, các Nữ Trợ Tá trở thành các Nữ Quân Nhân có mặt hầu hết trong các Quân Binh Chủng. Trong binh chủng Nhẩy Dù, thoạt đầu các Nữ Quân Nhân đảm trách việc xếp dù, sau đó họ học nhẩy dù và thành lập một toán Nữ Quân Nhân chuyên biểu diễn nhẩy dù rất thành thạo và ngoạn mục.
Ðoàn Nữ Quân Nhân QLVNCH có nhiều cấp chỉ huy rất nổi tiếng như bà trung tá Vẽ, bà trung tá Hương, bà thiếu tá Hằng. Trường Nữ Quân Nhân sau này được thiết lập tại Phú Thọ. Khi tham dự các cuộc diễn binh hay lễ lớn, đoàn Nữ Quân Nhân thường diễn hành rất hùng dũng và nhịp nhàng, luôn luôn được hoan hô và tán thưởng nhiều nhất.
.
Quân Chủng Không Quân
Quân chủng Không Quân Việt Nam (KQVN) được thành lập bởi Dụ Số 9 ngày 25 tháng 6 năm 1951, nhưng mãi tới tháng 6 năm 1952 mới bắt đầu chính thức hoạt động tại Nha Trang, nơi được xem như là cái nôi của Không Quân.
Thoạt tiên, KQVN được nảy sinh ra từ lực lượng Không Quân Viễn Ðông Pháp (Forces Aeriennes en Extreme Orient), bắt đầu từ một trung tâm huấn luyện đặt tại bờ biển Nha Trang để huấn luyện phi công và quan sát viên trên phi cơ Morane 500 (máy bay Bà Già!). Lúc đầu, hầu hết các hoa tiêu và cơ khí viên đều được gửi đi thụ huấn tại các trường Không Quân ở Pháp và Bắc Phi Châu như Salon, Fes, Marrakech, Rochefort. Quân số Không Quân lúc thành lập chỉ độ 3,000 người.
Bước sang năm 1961, vì nhu cầu chiến trường gia tăng để chống lại các cuộc tấn công của Cộng Sản, Không Quân Việt Nam được trang bị một cách tích cực bằng những loại phi cơ tối tân hơn và quân số đã gia tăng gấp 10 lần so với lúc thành lập. Nhiều phi trường cũng được cải tiến để tiếp nhận các oanh tạc cơ hạng nặng. Phi đạo tại các phi trường lớn như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Ðà Nẵng được nối dài thành 10,000 bộ để trở thành phi trường quốc tế hạng A.
Trong đợt đầu, vào năm 1962, KQVN đã có những phi đoàn sau đây: Phi Ðoàn Khu Trục trang bị phi cơ A-1H đồn trú tại Ðà Nẵng, Biên Hòa, và Bình Thủy. Ba (3) phi đoàn vận tải cơ C-47 cùng 2 phi đoàn C-119 và C-123 đồn trú tại Tân Sơn Nhất. Năm (5) phi đoàn Quan Sát. Ba (3) phi đoàn Trực Thăng. Và nhiều phi đoàn cho những phi vụ đặc biệt.
Sau này, các phi cơ cánh quạt được thay thế bằng phi cơ phản lực tối tân, cùng hàng trăm phi cơ trực thăng UH-1H và Chinook CH-47. Vào tháng 7 năm 1964, Phi Ðoàn Khu Trục 524 tại Nha Trang là phi đoàn đầu tiên tiếp nhận phi cơ A-37, là loại chiến đấu phản lực 2 động cơ, đánh dấu KQVN tiến thêm một bước nữa vào "thời đại phản lực." Trong những năm kế tiếp, căn cứ Không Quân Biên Hòa thành lập thêm 3 phi đoàn chiến đấu cơ siêu thanh (supersonic fighter) F-5, là một trong những loại hiện đại nhất vào thời điểm này. Về ngành vận tải, Sư Ðoàn 5 Không Quân tại Tân Sơn Nhất cũng được trang bị thêm 2 phi đoàn vận tải bán phản lực với loại phi cơ C-130 Hercules.
Ðể bảo trì và sửa chữa các loại phi cơ, một Không Quân Công Xưởng cũng được thiết lập tại Biên Hòa. Không Quân Công Xưởng này được trang bị rất tối tân với những chuyên viên bảo trì thuộc vào hàng giỏi nhất vùng Ðông Nam Á.
Vào lúc cao điểm của chiến tranh Việt Nam, Không Lực Việt Nam có quân số lên đến 60,000 người với khoảng 1,860 phi cơ kể cả trực thăng. Không Quân Việt Nam đã có lúc được coi là hùng hậu nhất Ðông Nam Á và đứng vào hàng thứ tư trên thế giới, được tổ chức thành 6 Sư Ðoàn Không Quân Chiến Thuật, phối trí như sau: Sư Ðoàn 1 Không Quân: Vùng 1 Chiến Thuật. Sư Ðoàn 2 và Sư Ðoàn 6 Không Quân: Vùng 2 Chiến Thuật. Sư Ðoàn 3 và Sư Ðoàn 5 Không Quân: Vùng 3 Chiến Thuật. Sư Ðoàn 4 Không Quân: Vùng 4 Chiến Thuật.
.
Quân Chủng Hải Quân
Vào khoảng đầu năm 1951, tuy Hải Quân Việt Nam chưa chính thức ra đời, nhưng đã có nhiều Liên Ðoàn Tuần Giang (tiếng Pháp gọi là Garde Auxiliaire Escadrille Fluviale, gọi tắt là GAEF) được thành lập để đáp ứng như cầu hành quân trên sông ngòi toàn lãnh thổ Việt Nam. Các Liên Ðoàn Tuần Giang (LÐTG) này được phân phối như sau:
LÐTG số 1, đồn trú tại Sài Gòn, gồm có 4 Ðoàn Tuần Giang (ÐTG):
ÐTG 1 đóng tại Cần Thơ.
ÐTG 2 đóng tại Mỹ Tho.
ÐTG 3 đóng tại Vĩng Long.
ÐTG 4 đóng tại Sài Gòn.
- LÐTG số 2, đồn rú tại Huế, chỉ có một ÐTG độc nhất cũng đóng tại Huế.
- LÐTG số 3, đồn trú tại Hà Nội, gồm có 3 ÐTG:
ÐTG 1 đóng tại Hà Nội.
ÐTG 2 đóng tại Hải Phòng.
ÐTG 3 đóng tại Nam Ðịnh.
Trên lý thuyết, mỗi Bộ Chỉ Huy LÐTG gồm 2 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan, 9 binh sĩ, và có một tàu chỉ huy. Mỗi ÐTG có 1 sĩ quan, 15 hạ sĩ quan, 76 binh sĩ, và 6 tầu Vedettes. Tuy nhiên, quân số và chiến đĩnh thuộc mỗi ÐTG được du di tùy theo nhu cầu chiến trường. Quân số tổng cộng của các LÐTG là 920 người. Vì lúc đó Hải Quân chưa được thành lập nên những LÐTG được đặt dưới quyền của Vệ Binh Quốc Gia (GA). Có thể nói những LÐTG là thủy tổ của Hải Quân Việt Nam lúc chưa thành hình.
Tưởng cũng nên nhắc lại vào thời gian đó cũng có những đại đội Commando chuyên đánh thủy như các đại đội Ouragan, Tempete, Jaubert, Montfort. Ta cũng có thể nói những đại đội "lính bộ đánh thủy" này là tiền thân của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến sau này.
Trước đó, vào năm 1950, đã có một số thanh niên Việt Nam được gửi sang Pháp thụ huấn các khóa ngắn hạn tại trường Hải Quân Brest. Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân (TTHLHQ) Nha Trang được khởi công xây cất vào tháng 11 năm 1951. Sau đây là những thơi điểm chính trong lịch sử hình thành Hải Quân Việt Nam (HQVN).
- Ngày 6 tháng 3 năm 1952: Hải Quân Việt Nam được chính thức thành lâp bởi Dụ Số 2.
- Ngày 20 tháng 5 năm 1952: Thành lập Bộ Tư Lệnh HQVN.
- Ngày 12 tháng 7 năm 1952: Khánh thành TTHLHQ. Ðô đốc Ortoli (Pháp) chủ tọa.
- Tháng 9 năm 1952: Khóa 1 SQHQ Nha Trang ra trường, gồm 9 sĩ quan.
- Tháng 10 năm 1952: sáu người được tuyển chọn đi học khóa SQHQ tại Brest (Pháp).
- Ðầu năm 1953: Hai đoàn tiểu đĩnh được biến cải thành hai Hải Ðoàn Xung Phong đầu tiên đóng tại Cần Thơ và Vĩnh Long. Hải Ðoàn Xung Phong Cần Thơ là đơn vị Hải Quân đầu tiên có chiến đĩnh mang quốc kỳ Việt Nam trên kỳ đài. Mãi đến đầu năm 1954, một Hải Ðoàn Xung Phong thứ ba mới được thành lập để tham chiến tại vùng trung châu Bắc Việt.
Tháng 4 năm 1953: Pháp chuyển giao cho HQVN một Giang Pháo Hạm (Landing Ship Infantry Large, gọi tắt là LSIL). Chiến hạm này vẫn mang cờ Pháp.
- Ðầu năm 1954: Quân số HQVN gồm có 22 sĩ quan và 984 hạ sĩ quan và đoàn viên.
- Ngày 30 tháng 6 năm 1955, thủ tướng Ngô Ðình Diệm chỉ định tướng Trần Văn Ðôn chỉ huy HQVN. Như vậy, tuy đã chuyển gia một số đơn vị cho HQVN, sĩ quan Pháp vẫn tiếp tục chỉ huy HQVN cho đến đầu năm 1955.
- Vào năm 1950 đã có 8 sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ trong phái bộ MAAG (Military Assistance Advisory Group) nhưng mãi đến năm 1954 mới có cố vấn Hoa Kỳ trong Hải Quân Việt Nam.
- Ngày 20 tháng 8 năm 1955: Quân đội Pháp chính thức chuyển giao quân chủng Hải Quân cho QLVNCH (cùng ngày với Không Quân). Hải Quân Thiếu Tá Lê Quang Mỹ được thủ tướng Ngô Ðình Diệm bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Hải Quân đầu tiên (kiêm tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến).
- Ngày 7 tháng 11 năm 1955: Pháp chuyển giao TTHL/HQ Nha Trang cho HQVN. Tính cho đến cuối năm 1955, Pháp đã chuyển giao cho HQVN những đơn vị sau đây:
-- 4 Hải Ðoàn Xung Phong: HDXP 21 đóng tại Mỹ Tho, 23 đóng tại Vĩnh Long, 24 đóng tại Sài Gòn, 25 đóng tại Cần Thơ.
-- 3 căn cứ Hải Quân: Sài Gòn, Cát Lái, và Ðà Nẵng.
-- 4 đồn Hải Quân tại Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long, và Long Xuyên.
-- Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang.
-- Hải Quân Công Xưởng Sài Gòn (Ba Son).
-- Kho đạn Thành Tuy Hạ.
Lúc đó, HDXP 22 đã được thành lập và di chuyển từ miền Bắc vào, nhưng giang đĩnh bị thiệt hại khá nặng nên phải giải tán và sát nhập vào HDXP 21.
- Tháng 7 năm 1955: Bảng cấp số lý thuyết của Hải Quân được chấp thuận, tăng quân số lên 4,250 người. Lúc đó, quân số Hải Quân đã có 3,858 người phân chia như sau:
-- Hải Quân chính thức: 2,567 người gồm 190 sĩ quan, 2,377 hạ sĩ quan và đoàn viên.
-- Thủy Quân Lục Chiến: 1,291 người, gồm 43 sĩ quan, 257 hạ sĩ quan và 991 binh sĩ.
Sau khi được chuyển giao, HQVN chia thành ba lực lượng chính sau đây:
1. Hải Trấn: Gồm 4 Duyên Khu (Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tầu, Ðà Nẵng). TTHL/HQ Nha Trang và ba Thủy Xưởng (miền đông: Sài Gòn, miền tây: Cần Thơ, miền trung: Ðà Nẵng).
2. Hải Lực: Gồm có các chiến hạm tuần tiễu hay yểm trợ ven biển:
- 5 tuần duyên hạm (PC - Patrol Craft): HQ 01 Chi Lăng, HQ 02 Vạn Kiếp, HQ 04 Tụy Ðộng, HQ 05 Tây Kết, HQ 06 Vân Ðồn.
- 3 trục lôi hạm (YMS - Yatch Mine Sweeper - tàu rà mìn): HQ 111 Hàm Tử, HQ 112 Chương Dương, HQ 113 Bạch Ðằng.
- 2 Trợ Chiến Hạm (LSSL - Landing Ship Support Large): HQ 225 Nỏ Thần, HQ 226 Linh Kiếm.
- 5 Giang Pháo Hạm (LSIL - Landing Ship Infantry Large): HQ 327 Long Ðao, HQ 328 Thần Tiễn, HQ 329 Thiên Kích, HQ 330 Lôi Công, HQ 331 Tầm Sét.
- 4 Hải Vận Hạm (LSM - Landing Ship Medium): HQ 400 Hát Giang, HQ 401 Hàn Giang, HQ 402 Lam Giang, HQ 403 Ninh Giang.
3. Giang Lực: gồm một số tầu trục vớt trong sông và quân vận đĩnh (LCU - Landing Craft Utility) và năm Hải Ðoàn Xung Phong được phân phối như sau:
- HDXP 21 đóng tại Mỹ Tho.
- HDXP 23 đóng tại Vĩnh Long.
- HDXP 24 đóng tại Sài Gòn.
- HDXP 25 đóng tại Cần Thơ.
- HDXP 26 đóng tại Long Xuyên.
(Lúc đó vì HDXP 22 bị thiệt hại nặng ngoài Bắc Việt, nên khi di chuyển vào Nam được sát nhập vào HDXP 21).
Tháng 5 năm 1957: Các sĩ quan HQ Pháp cuối cùng rời khỏi TTHL/HQ Nha Trang. SQHQ Việt Nam hoàn toàn đảm trách việc huấn luyện.
Năm 1958: Khóa 8 Ðệ Nhất Hổ Cáp là khóa SVSQ/HQ đầu tiên được chính SQ Hải Quân VN tuyển mộ và huấn luyện.
Trong khoảng 10 năm từ 1958 tới 1968, Hải Quân Việt Nam tiếp tục bành trướng mạnh mẽ, cả về quân số lẫn chiến hạm. Nhiều nhân viên được gửi đi thụ huấn tại ngoại quốc và Hoa Kỳ cũng chuyển giao nhiều chiến hạm. Vào tháng 11 năm 1969, trong khuôn khổ kế hoạch "Việt Hóa Cuộc Chiến" (Vietnamization) và "Chuyển Giao Cấp Tốc" (Accelerated Turn Over to the Vietnamese - ACTOV), chỉ trong một thời gian ngắn, HQVN nhận được trên 500 chiếnhạm và chiến đỉnh đủ loại. Cho tới tháng 4 năm 1975, quân số của Hải Quân lên đến gần 43,000 người với khoảng 1,600 chiến hạm và chiến đỉnh đủ loại.
Tưởng cũng nên nhắc nhở là Hải Quân Công Xưởng (còn được gọi là Sở Ba Son) là môt thủy xưởng được thiết lập ngay trên bờ sông Sài Gòn từ thế kỷ thứ 19, trên một khu đất rộng chừng 53 mẫu tây. Thủy xưởng này có nhiều ụ nổi đủ sức tân trang và đại kỳ những chiến hạm cỡ lớn.
Các đại đơn vị thuộc quân chủng Hải Quân được tổ chức như sau.
Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sông, gồm có:
1. Vùng III Sông Ngòi đóng tại Sài Gòn, chỉ huy các Giang Ðoàn Xung Phong.
2. Vùng IV Sông Ngòi đóng tại Cần Thơ, chỉ huy các Giang Ðoàn Xung Phong.
3. Lực Lượng Thủy Bộ (LL Ðặc Nhiệm 211) đóng tại Bình Thủy, chỉ huy các Giang Ðoàn Thủy Bộ.
4. Lực Lượng Tuần Thám (LL Ðặc Nhiệm 212) đóng tại Châu Ðốc, chỉ huy các Giang Ðoàn Tuần Thám.
5. Lực Lượng Trung Ương (LL Ðặc Nhiệm 214) đóng tại Ðồng Tâm, chỉ huy các Giang Ðoàn Ngăn Chận.
Bộ Tư Lệnh Hành Quân Biển, gồm có:
1. Hạm Ðội: Chia thành Hải Ðội I Tuần Duyên, Hải Ðội II Chuyển Vận, và Hải Ðội III Tuần Dương, gồm nhiều chiến hạm đủ loại, đủ cỡ hoạt động trong sông cũng như ngoài biển, từ vĩ tuyến 17 đến Vịnh Thái Lan.
2. Các vùng duyên hải: Chỉ huy các Duyên Ðoàn, Giang Ðoàn, Ðài Kiểm Báo, Hải Ðội Duyên Phòng, Tiền Doanh Yểm Trợ. Mỗi vùng duyên hải chịu trách nhiệm một vùng bờ biển.
- Vùng I Duyên Hải, đóng tại Ðà Nẵng, chịu trách nhiệm từ vĩ tuyến 17 đến Quảng Ngãi.
- Vùng II Duyên Hải, đóng tại Cam Ranh, chịu trách nhiệm từ Bình Ðịnh đến Phan Thiết.
- Vùng III Duyên Hải, đóng tại Vũng Tàu, chịu trách nhiệm từ Phước Tuy tới Kiến Hòa.
- Vùng IV Duyên Hải, đóng tại Phú Quốc, chịu trách nhiệm từ Mũi Cà Mau đến biên giới Miên-Việt trong vịnh Thái Lan.
- Vùng V Duyên Hải, đóng tại Năm Căn, chịu trách nhiệm vùng biển Ba Xuyên, An Xuyên, một phần tỉnh Kiên Giang và các hải đảo như Poulo Obi.
Kết luận
Khi đề cập đến chiến tranh là nói đến tàn phá và chết chóc (nhất tướng công thành vạn cốt khô!), nhưng ngoài việc hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc, QLVNCH cũng đã đóng góp đắc lực vào việc xây dựng đất nước. Các doanh trại hàng hàng lớp lớp, các hải cảng, giang cảng tối tân có thể đón nhận những thương thuyền cỡ lớn, những phi trường quốc tế hạng A, những cầu cống tối tân do Công Binh xây cất đã từng thay đổi hẳn bộ mặt quê hương Việt Nam, tự một thuộc địa nghèo nàn dưới sự cai trị của thực dân Pháp gần 100 năm, thành một quốc gia tiến bộ vào bậc nhất trong vùng Ðông Nam Á.
Riêng Quân Lực VNCH, thoát thai từ một đội quân phụ thuộc vào lực lượng viễn chinh Pháp, không có chính nghĩa quốc gia, nhưng sau này đã trở thành một quân lực hùng mạnh dưới thời đệ nhất Cộng Hòa vào năm 1955 cho tới khi tàn cuộc chiến. Biến cố đau thương vào tháng 4 năm 1975 đã bức tử quân đội miền Nam, nhưng dư âm và hình ảnh oai hùng của người lính chiến VNCH vì dân trừ bạo vẫn còn ghi sâu vào tâm khảm mọi người.
Cuộc đời như "như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao," như "bóng câu qua cửa sổ". Mười mấy tám năm trôi qua như gió thoảng ngoài hiên, nhưng đối với người lính chiến Việt Nam, dù lưu lạc nơi đâu vẫn tưởng như đêm nào còn ôm súng chờ giặc nơi tuyến đầu. Mỗi khi nhắc đến quá khứ, người ta cho đó chỉ là "vang bóng một thời." Nhưng đối với những chiến sĩ QLVNCH, những người trong cuộc, những người đã từng cầm súng đánh lại bọn Cộng Sản vong nô, những chứng nhân hào hùng và đau thương của cuộc chiến, sẽ không thể nào quên được một tập thể trong đó họ đã đóng góp biết bao xương máu và cả tuổi hoa niên. Mỗi khi nhắc đến lịch sử oai hùng của QLVNCH, những người lính chiến Việt Nam tưởng như nhắc lại chính cuộc đời mình và những trách nhiệm cũng như bổn phận đối với đất nước chưa làm tròn.
Vì vậy, dù không còn được cầm súng giết giặc ngoài sa trường, nhưng người lính QLVNCH vẫn bền gan đấu tranh trên các mặt trận chính trị, văn hóa, kinh tế, cho đến khi nào gót thù không còn giầy xéo trên quê hương và thanh bình thịnh vượng thật sự trở về với quốc gia dân tộc. Nếu vì hoàn cảnh bó buộc không thể trực diện đấu tranh với bọn Cộng Sản bạo tàn, ít ra chúng ta cũng không hèn nhát, không phản bội quê hương hay đâm sau lưng đồng đội bằng cách bắt tay với giặc thù dù dưới chiêu bài đẹp đẽ đến đâu đi nữa.
Mọi ý đồ, tham vọng đen tối, ngông cuồng và man rợ của bất cứ cá nhân, đoàn thể hay đảng phái nào đi ngược lại với quyền lợi tối thượng của dân tộc trước sau thế nào cũng bị thất bại. Những chiến sĩ QLVNCH chân chính và xứng đáng luôn luôn sáng suốt để phục vụ cho chính nghĩa quốc gia dân tộc.
Trần Hội &Trần Ðỗ Cẩm (camtran11@yahoo.com)
(Trích Nguyệt San Ðoàn Kết (Austin, TX) số 40, tháng 6 năm 1993)
Tuesday, August 4, 2009
Monday, July 27, 2009
Tình Khúc Thời Chinh Chiến
Ca Sĩ Lệ Hằng Thành Công: Tình Khúc Thời Chinh Chiến Việt Báo Thứ Ba, 7/28/2009, 12:00:00 AM
Ca Sĩ Lệ Hằng Thành Công: Tình Khúc Thời Chinh Chiến
Ca sĩ Lệ Hằng đã tổ chức thành công đêm nhạc Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến.
Westminster (VB) - Trong tinh thần ca tụng người Lính QLVNCH, ca sĩ Lệ Hằng đã tổ chức một buổi văn nghệ mang chủ đề Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến để Vinh Danh các anh chiến sĩ QLVNCH.
Ca sĩ Lệ Hằng người đã từng có 2 CD hát về Lính và đã tái bản nhiều lần, và vẫn thích hát để vinh danh các anh quân nhân QLVNCH.
Đặc biệt, chương trình văn nghệ mang nội dung Vinh Danh người Lính QLVNCH với đủ 3 quân chủng Hải, Lục và Không Quân cũng nhờ với sự dàn dựng và đạo diễn bởi phu quân của ca sĩ Lệ Hằng -- Anh cũng là một người lính trong binh chủng Biệt Động Quân và Thương Phế Binh sau trận đánh tại Sóc Con Trăng của Tiểu đoàn 52 BĐQ; tiểu đoàn được cộng quân đặt tên là Sấm Sét Miền Đông.
Bản hợp ca mở đầu chương trình với tất cả các nghệ sĩ và quân nhân mặc quân phục qua nhạc phẩm “Biệt Kinh Kỳ”: “Bạn ơi mai ngày ai hỏi đến tên tôi, bạn ơi hãy nói khoác chiến y rồi…” Bản nhạc mở đầu chương trình cũng là bước khởi đầu của người trai thời loạn trong đời quân ngũ. Sau đó “Chúng Mình 3 Đứa” với 3 bộ quân phục Hải Quân (Xuân Hương), Lục Quân (Lệ Hằng-BĐQ) và Không Quân (Mộng Thu) từ giã quân trường đi phục vụ tại các đơn vị Hải-Lục-Không quân. Kế tiếp nhạc phẩm “10 Năm Tái Ngộ” đã nói lên những sự thật đời lính, tình bạn vì bận rộn đời lính vất vả với quân hành sau ngày ra đơn vị, nhiều khi 10 năm chưa gặp hoặc đôi khi có lẽ không bao giờ có dịp gặp nhau, vì giã từ vũ khí đi về lòng đất mẹ trong giấc ngủ thiên thu. Chương trình liên tục với các nhạc phẩm hoàn toàn nói về lính liên tục gần một tiếng rưỡi như “Một Chuyến Bay Đêm”, “Vùng Biển Trời và Màu Áo Em”, “Anh Không Chết Đâu Em”, “Anh Về Với Em”, “Người Yêu Của Lính”, “Áo Cưới Màu Hoa Cà”, “Đêm Nguyện Cầu”, “Sao Rơi Trên Biển”, “Tạ Từ Trong Đêm”.
Chương trình được chấm dứt với một nhạc cảnh đầy cảm động qua tiếng hát của Lệ Hằng “Cho Người Vào Cuộc Chiến”, bản nhạc đề cao sự hi sinh và chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ QLVNCH, những người đã xả thân vì lý tưởng quốc gia, bảo vệ quê hương đất nước. Những người hi sinh đời sống gia đình, cá nhân để tương lai “dù anh trở về trên đôi nạng gỗ, dù anh trở về bằng chiếc xe lăn hay anh trở về bằng những chiến công đầy.” Như nhạc sĩ Phan Trần đã viết: Lôi hổ Phạm Hòa trong quân phục tác chiến với những huy chương trên ngực; mũ Nâu Nguyễn Phú Thuận cụt 2 chân và một tay ngồi trên chiếc xe lăn và mũ Nâu Nguyễn Phương Hùng cụt một chân. Ba biểu tượng cho hình ảnh của cuộc chiến theo lời nhạc là 3 hình ảnh một cuộc đời người lính chiến. Hình ảnh oai hùng lẫn bi thương, buồn vui trộn lẫn ghi lại những góc cạnh của cuộc chiến gói trọn trong sân khấu nhà hàng Paracel Seafood. Ba nữ khán giả trong bàn của luật sư Lâm Anh Tuấn đã lên choàng 3 vòng hoa cho 3 chiến sĩ biểu tượng cho hình ảnh người Lính VNCH. Riêng ca sĩ Lệ Hằng đã được chị Kim Thoa, một mạnh thường quân tặng một bó hoa hồng lớn, 24 bông hồng cho Lệ Hằng và ông bầu Phương Hùng.
Trong phần giới thiệu quan khách ông bầu Phương Hùng với tư cách là trưởng ban tổ chức đã đọc tâm thư cảm tạ của ca sĩ Lệ Hằng. Lời thư rất cảm động, nên Lệ Hằng không thể đọc vì không cầm được nước mắt xúc động. Dân biểu Trần Thái Văn vì bận họp chung quyết về ngân sách tài chánh của tiểu bang không kịp về tham dự, nhưng đã gửi đại diện. Các nghị viên Dina Nguyễn, Andy Quách, Tạ Đức Trí, Diệp Miên Trường và Andrew Nguyễn Ủy viên Giáo Dục Westminster đã đến chung vui. Một vị khách rất đặc biệt là ông Richard Botkin, tác giả cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam “Ride The Thunder”, tạm dịch “Vào Vùng Sấm Sét” cuốn sách dày hơn 600 trang viết về trận đánh cầu Đông Hà của khoảng 700 chiến sĩ Tiểu Đoàn 3 Sói Biển Thuỷ Quân Lục Chiến trực diện với 20 ngàn quân Bắc Việt với chiến xa và pháo binh tối tân yểm trợ. Ngoài ra còn có những quan khách đến từ Santa Barbara, San Fernando Valley và San Diego như hội Không Quân và Bạc Liêu San Diego. Tập Thể Chiến Sĩ VNCH và Liên Hội cựu Chiến Sĩ Nam California, hội Gia Đình Mũ Đỏ, Hải Quân, Pháo Binh, Quân Cảnh, Đồng Đế, cựu SVSQ Thủ Đức OC và Phụ Cận, Bạc Liêu, Long Xuyên, Hàng Hải Thương Thuyền, Nha Trang, nhóm thân hữu HQ Trần Đức Cử, nhóm thân hữu Vũ Hưng và một số cơ quan báo chí truyền thông. Nhóm thân hữu Nguyễn Hùng đơn vị 101 và Thủ Đức từ Denver về tham dự đã bị trễ máy bay.
Monday, July 13, 2009
Khe Sanh
Trận Chiến Khe Sanh
Linh Vũ , Jan 24, 2009
Trong một tuần qua trên các báo chí cũng như những diễn đàn đều có post bài dịễn văn nhậm chức của Tổng Thống Barack Hussein Obama thứ 44 của Hoa Kỳ trong đó ông đã nhắc đến điạ danh 'Khe Sanh' vùng cực Bắc Nam Việt. Địa danh Khe Sanh không chỉ có những người lính của hai miền Nam Bắc Việt Nam biết đến mà hầu như những cựu chiến binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến ở VN đều không thể quên được trong suốt hơn 42 năm qua. Trận chiến Khe Sanh một trong những trận chiến lớn nhất thế giới ngang tầm vóc với các trận như Concord , Gettyburg và Normandy . Một điạ danh nơi đèo heo hút gió đã viết đậm nét trong trang quân sử Hoa Kỳ và Quân Lực VNCH.
Khe Sanh như thế nào mà bài diễn văn nhậm chức của Tổng Thống Hoa kỳ phải nhắc đến và người Việt chúng ta khi nghe đến điạ danh đó đều bùi ngùi xúc động. Và trong những bài dịch, một số dịch gỉa không biết vô tình hay cố ý đã bỏ sót điạ danh ' Khe Sanh' đã làm cho nhiều người trong cộng đồng bất mãn. Sau đây tôi xin mượn bài viết của Phạm Cường Lễ ' Khe Sanh 77 ngày trong năm 1968' để chúng ta nhìn lại trang sử Việt và cho những ai chưa từng biết Khe Sanh là gì có cơ hội tìm hiểu Khe Sanh như thế nào?
1. Khe Sanh Bẩy Mươi Bẩy Ngày Trong Một Nghìn Chín Trăm Sáu Mươi Tám
KHE SANH... một địa danh đèo heo hút gió ở vùng cực bắc Nam Việt Nam cách vùng Phi Quân Sự 14 miles (23 km) về phía Nam, và 6 miles (10 km) về phía Đông của vương quốc Làọ Nếu không có chiến tranh, nét yên tĩnh và phong cảnh nơi đây có thể sẽ được kể là một trong những gì đẹp nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng kể từ tháng 5 năm 1959, nét an lành của thiên nhiên tại nơi này bắt đầu bị giao động. Năm đó, bộ đội Bắc Việt thiết lập hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh để khởi động công cuộc xâm lăng miền Nam . Lúc ấy, Khe Sanh chưa phải là căn cứ hay tiền đồn. Nhưng vì nằm gần biên giới và giáp ranh Đường Số 9 --trục lộ giao điểm của ba quốc gia Nam Việt, Bắc Việt, Lào-- nên Khe Sanh đã nghiễm nhiên trở thành một trong những cứ điểm quan trọng nhất trên bản đồ của cuộc chiến Việt Nam.
Đến 1967, các hoạt động của Cộng quân quanh vùng này bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Quân đội Hoa Kỳ tăng cường quân số ở vùng nàỵ Họ tu bổ để Khe Sanh để trở thành một tiền đồn kiên cố. Khe Sanh nằm sát biên giới Việt-Lào, cạnh bên Quốc Lộ 9, án ngữ cửa ngõ xâm nhập của Bắc Việt vào Nam Việt Nam ở tỉnh Quảng Trị. Khi Hoa Kỳ tăng cường lực lượng quân sự để giữ Khe Sanh, tướng Võ Nguyên Giáp của Bắc Việt đã có kế hoạch bao vây để biến nơi này thành Điện Biên Phủ của người Mỹ.
Năm 1968, Khe Sanh trở thành một địa danh nổi tiếng nhất nhì thế giớị Nhưng đó chẳng phải vì nổi tiếng qua phong cảnh đẹp nhất, khí hậu trong lành nhất, hoặc có du khách ngoại quốc đến thăm nhiều nhất. Khe Sanh thật sự đã nổi tiếng vì có nhiều trận đánh lớn xảy ra tại vùng này trong hai năm 1967 và 1968.
Một Nghìn Chín Trăm Sáu Mươi Tám là thời điểm mà Khe Sanh được nhắc nhở đến nhiều nhất. Đó là thời điểm của Trận Chiến Tết Mậu Thân khi Việt Cộng mở chiến dịch tổng tấn công trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòạ Trong chiến dịch này, 20,000 bộ đội Bắc Việt đã được huy động để bao vây 6,000 Thủy Quân Lục Chiến cùng khoảng 200 tay súng Biệt Đ���ng Quân miền Nam. Nhưng Khe Sanh đã chẳng thất thủ. Trận chiến trận kéo dài 77 ngày với Cộng quân hứng chịu hơn 10,000 tổn thất.
o O o
Nằm trên một vùng cao nguyên rộng lớn, bao quanh bởi núi đồi và cây rừng trùng điệp, Khe Sanh là một căn cứ quân sự vô cùng quan trọng ở tỉnh Quảng Trị. Năm 1962, căn cứ này được Lực Lượng Đặc Biệt Mũ Xanh (Green Berets) Hoa Kỳ xử dụng đầu tiên làm nơi xuất phát các phi vụ thám thính đi sâu vào vùng đất Làọ Vị trí chiến lược của Khe Sanh do đó đã gây nhiều trở ngại lớn lao cho công cuộc xâm lăng miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt.
Năm 1966, Bắc Việt phản ứng mạnh mẽ bằng cách dùng trọng pháo bắn vào Khe Sanh. Cũng trong năm này, Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ có mặt tại Khe Sanh để canh gác và ngăn chận các cu ộc xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) từ bên Làọ Giữa năm 1967, nhiều vụ chạm súng lẻ tẻ xảy ra quanh khu vực. Rồi sau đó là các trận chiến lớn dành giật những ngọn đồi được kéo dài đến gần cuối tháng 1 năm 1968 thì chiến trường bùng nổ dữ dộị Ba sư đoàn chính quy Bắc Việt bao vây, pháo kích, và dùng chiến thuật xa-luân-chiến đánh Khe Sanh trong 77 ngàỵ Như đã nhắc đến ở phần trên, quân Bắc Việt bị đại bại với từ 10,000 đến 13,000 cán binh tử thương (Tom Carhart: Batles And Campaigns In Vietnam, tr.130). Trong khi đó, lực lượng trú phòng Khe Sanh chỉ bị thiệt hại nhẹ. Hoa Kỳ có 199 binh sĩ Mỹ chết và 1,600 bị thương. Về phía Việt Nam Cộng Hòa, tổn thất gồm 34 quân nhân tử trận và 184 thương binh (Nguyễn Đức Phương: Những Trận Đánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-75, tr.175).
MẶT TRẬN VÙNG KHE SANH NĂM 1967
Vào tháng 3 năm 1967, căn cứ Khe Sanh được phòng thủ vỏn vẹn chỉ bởi một đại đội Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Lúc đầu, hỏa lực tại đây chỉ gồm một pháo đội 105 ly, 2 khẩu 155 ly, cùng 2 súng cối loại 4.2 inch. Lực lượng yểm trợ gồm một đại đội Địa Phương Quân (ĐPQ) và một toán TQLC Hoa Kỳ đóng ở làng Khe Sanh (ngôi làng này cũng tên là Khe Sanh) cách căn cứ chỉ hơn 2 miles (3.5 km). Và tất cả đều được yểm trợ bởi các khẩu pháo binh 155 ly và 175 ly ở hai căn cứ hỏa lực Carroll và Rock Pile gần đó.
Ngày 24 tháng 4 năm 1967, một toán Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ bất ngờ đụng độ với bộ đội Bắc Việt ở một địa điểm về phía Bắc của Đồi 861. Sau đó tinh tình báo cho biết quân chính quy Bắc Việt đã tập trung đông đảo quân số về vùng nàỵ Các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến lập tức được lệnh tăng cường cho Khe Sanh.
Ngày 25 tháng 4, Tiểu Đoàn 3/3 (đọc là "Tiểu Đoàn 3 thuộc Trung Đoàn 3") TQLC Hoa Kỳ đến Khe Sanh. Sang ngày hôm sau, Tiểu Đoàn 2/3 TQLC lập tức tăng cường. Sang đến ngày 27, Pháo Đội B thuộc Tiểu Đoàn 1/12 Pháo Binh có mặt tại căn cứ.
Ngày 28 tháng 4 năm 1967, sau khi được pháo binh yểm trợ, Tiểu Đoàn 2/3 TQLC Hoa Kỳ tiến chiếm Đồi 861. Cùng lúc đó, Tiểu Đoàn 3/3 cũng mở cuộc tấn công lên Đồi 881. Đây là những cụm đồi nằm gần Khe Sanh, và đã được quân đội Hoa Kỳ chọn làm những tiền đồn bảo vệ căn cứ. Trong những ngày tiếp đến, lực lượng Cọp Biển Hoa Kỳ lần lượt chiếm hết những cao điểm lân cận: đó là các ng���n đồi 861, 881-Bắc, và 881-Nam.
Ngày 13 tháng 5/1967, Đại Tá J.J. Padley nhậm chức chỉ huy trưởng căn cứ Khe Sanh, thay thế Đại Tá J.P. Lanigan. Lúc đó, lực lượng phòng thủ được tăng cường thêm 3 tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 26 TQLC để thay thế cho Trung Đoàn 3. Trong khi ấy, từ 24 tháng 4/1967 đến 12 tháng 5/1967, bộ đội Bắc Việt tiếp tục công kích với nhiều màn chạm súng lẻ tẻ. Các vụ đụng độ này đã gây tử thương cho 155 binh sĩ Hoa Kỳ, nhưng quân Bắc Việt bị thiệt hại nặng hơn với 940 cán binh bỏ mạng.
Mùa Hè 1967, sau khi bị thiệt hại nặng trong một thời gian ngắn (từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5), quân Cộng Sản phải tạm ngưng các hoạt động. Áp lực quân sự quanh vùng Khe Sanh giảm sút khá nhiềụ Ngày 12 tháng 8/1967, Đại Tá ẸẸ Lownds được chỉ định thay thế Đại Tá J.J. Padley trong chức vụ Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 26 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Khe Sanh. Vì tình hình lúc đó đang lắng diệu, hai trong ba tiểu đoàn TQLC của Trung Đoàn 26 Hoa Kỳ được phép rút khỏi căn cứ. Nhưng tháng 12, Tiểu Đoàn 3/26 nhận lệnh tăng cường cho Khe Sanh. Tinh tình báo cho biết hoạt động của các lực lượng Cộng Sản đã bắt đầu gia tăng quanh vùng nàỵ
TRẬN CHIẾN KHE SANH TRONG NĂM 1968
Đêm 2 tháng 1/1968, gần hàng rào phòng thủ phía Tây Khe Sanh, một toán Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã phục kích và bắn hạ 5 cán bộ Cộng Sản. Giấy tờ tịch thu cho biết họ là những sĩ quan cao cấp Bắc Việt, trong đó có cả một người giữ chức trung đoàn trưởng. Còn hai người kia là cán bộ cao cấp về ngành truyền tin và hành quân. Tình báo Hoa Kỳ lo ngại một lực lượng hùng hậu của Bắc Việt đã có mặt tại vùng nàỵ Khi ấy, Trung Đoàn 26 TQLC tại Khe Sanh lập tức được lệnh phải bổ sung quân số.
Đến ngày 20 tháng 1/1968, một trận đánh dữ dội đã xảy ra trên Đồi 881-Nam (Ghi Chú: Có hai ngọn đồi mang tên "881", một ngọn nằm về hướng Bắc của Khe Sanh, và ngọn kia nằm về hướng Nam. Xem bản đồ). Ngọn đồi này được phòng thủ bởi một cánh quân của Tiểu Đoàn 1/3 TQLC Hoa Kỳ, gồm Bộ Chỉ Huy của Đại Đội M, hai trung đội bảo vệ, và toàn thể lực lượng của Đại Đội K. Trong tài liệu Nam, Vietnam 1965-75, Đại Úy William H. Dabney (đại đội trưởng Đại Đội I) cho biết đại đội của ông chỉ huy có vài khẩu bích kích pháo 81 ly, 3 đại bác 105 ly, và hai súng không-giật 106 lỵ
Lúc trời vừa sáng còn dầy đặc sương mù, một toán quân của Đại Đội I lục soát vòng quanh khu vực. Mọi vật trong không gian và thời gian đang lắng đọng yên lành. Nhưng đến trưa khi sương mù tan biến. Nét lặn yên của buổi sáng bị giao động giữ dộị Hai trung đội đi đầu lọt vào ổ phục kích của địch quân. Một rừng đạn đủ loại từ súng cá nhân cho đến vũ khí cộng đồng bay veo véọ Trong vòng chưa đến một phút mà đã có 20 binh sĩ Hoa Kỳ ngã gục. Những người còn lại nằm rạp xuống tránh đạn. Họ vừa bắn trả, vừa gọi máy truyền tin xin hỏa lực pháo binh tiếp cứụ
Các căn cứ hỏa lực quanh vùng lập tức đáp lờị Những khẩu đại bác được quay nòng về hướng Đồi 881-Nam rồi ì ầm tác xạ. Một rừng đạn pháo bay đến cày nát chiến trường. Bom Napalm từ phi cơ không-yểm ném xuống cản được đợt xung phong của Cộng quân. Toán Cọp Biển bị thiệt hại nặng. Họ lui về vị trí cũ trên Đồi 881-Nam.
Trong khi ấy, hai trung đội Thủy Quân Lục Chiến của Đại Đội M/3/26 (đọc là "Đại Đội M thuộc Tiểu Đoàn 3 của Trung Đoàn 26") được trực thăng vận đến Đồi 881-Nam. Toán quân này chuẩn bị hợp sức với Đại Đội I/3/26 để ngày hôm sau mở cuộc lục soát về hướng Đồi 881-Bắc. Theo tài liệu của Khe Sanh Veterans Home Page, cuộc hành quân này đưa đến một vụ đụng độ ác liệt dưới chân Đồi 881-Bắc. Lúc ấy, nương vào hỏa lực phi pháo và không yểm, Đại Đội I/3/26 của Đại Úy Dabney đã đánh cho một tiểu đoàn Cộng quân tan tành manh giáp. Trong trận này, Hoa Kỳ mất 7 người, Bắc quân mất 103 (Khe Sanh Veterans Home Page, Time Line).
Ngày 20 tháng 1/1968, một biến chuyển quan trọng bất ngờ xảy rạ Lúc 2 giờ chiều, một viên trung úy Bắc Việt tên Lã Thanh Tòng thuộc Sư Đoàn 325C đột nhiên ra đầu thú. Trung Úy Tòng cho biết đêm nay Bắc quân sẽ mở cuộc tấn công lên các ngọn Đồi 861 và 881-Bắc. Ngoài ra, người tù binh cũng tiết lộ rằng hai sư đoàn 304 và 325C của Bắc Việt đã vạch sẵn kế hoạch đánh chiếm căn cứ Khe Sanh.
Đúng như lời khai của Trung Úy Tòng, lúc 12 giờ 30 rạng ngày 21 tháng 1/1968, Cộng quân dùng đại bác bắn vào Đồi 861. Trước hết, kho chứa đạn của Thủy Quân Lục Chiến ở trên đồi trúng đạn pháo kích rồi nổ tan. Kế đến, lực lượng Cộng Sản gớm 300 cán binh chuẩn bị xung phong lên đồị Nhưng Đại Đội K/3/26 biết trước. Họ gờm súng chờ đợị. Trận đánh kéo dài đến 5 giờ 30 sáng, Cộng quân rút lui để lại 47 xác. Phía bên Đại Đội K/3/26 có một binh sĩ tử trận.
Trong khi ấy ở căn cứ Khe Sanh, quân trú phòng luôn chú tâm theo dõi các diễn biến trên Đồi 861. Khi trận đánh kết thúc gần 6 giờ sáng, họ nghe nhiều tiếng "depart" từ xa vọng lạị Bầu trời đột nhiên đổ cơn mưạ Những hạt mưa to bằng sắt thép với đường kính từ 81 đến 130 lỵ
Khi quả đạnh đầu tiên lao vào căn cứ, những người lính tại Khe Sanh lập tức xuống hầm. Một số khác co lại trong giao thông hàọ Tay họ ôm nón sắt, và miệng đếm theo tiếng nổ của đạn pháo binh. Trong phút chốc, kho chứa đạn khổng lồ trong căn cứ với 1,500 tấn đã phát nổ tan tành. Phi đạo ở Khe Sanh với chiều dài 3,900 feet (1,188 m) bị cày xới lung tung, bị rút ngắn lại chỉ còn 2,000 feet (609 m). Thế mà ngày hôm đó một vài chiếc vận-tải cơ của Hoa Kỳ cũng xuống phi đạo để mang các kiện hàng cho binh sĩ ở Khe Sanh.
Ngày 22 tháng 1/1968, tình hình nguy ngập. Tiểu Đoàn 1 TQLC Hoa Kỳ đến tăng cường Khe Sanh. Đây là một đơn vị thuộc Trung Đoàn 9. Họ đã nổi danh trong trận đánh tại Côn Thiện (Cồn Tiên) gần vùng phi quân sự vào năm 1967 vừa quạ
Ngày 26, một lực lượng tăng viện khác được không vận vào Khe Sanh. Đó là Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân của Đại Úy Hoàng Phổ. Đây là một đơn vị bộ chiến già dặn, đầy gan lì và kinh nghiệm của Việt Nam Cộng Hòạ Trách nhiệm của họ là tạo vòng đ ai phòng thủ tại khu vực ở hướng Đông ở căn cứ Khe Sanh.
CÁC DIỄN BIẾN CHÁNH YẾU TRONG TRẬN CHIẾN TẠI KHE SANH
20 tháng 1 Đụng độ mạnh giữa Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và bộ đội Bắc Việt trên Đồi 881-Nam. Hai bên đều thiệt hại nặng. Trong ngày này, một Trung Úy Bắc Việt ra đầu thú và đã cho biết kế hoạch tấn công của Cộng quân vào căn cứ Khe Sanh.
21 tháng 1 Cộng quân pháo kích vào Khe Sanh. Kho đạn trong căn cứ nổ tung, phi đạo bị hư hạị Đồi 861 bị pháo kích, nhưng các binh sĩ Hoa Kỳ trên đồi đẩy lưi cuộc tấn công của bộ đội Bắc Việt.
22 tháng 1 Căn cứ Khe Sanh được tăng viện bởi Tiểu Đoàn 1/9 TQLC Hoa Kỳ.
26 tháng 1 Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân VNCH của Đại Úy Hoàng Phổ đến Khe Sanh. Đây là lực lượng tăng viện sau cùng trong khoảng thời gian căn cứ bị bao vâỵ
30 tháng 1 Cộng Sản mở chiến dịch "Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa" trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam. Nhiều thị xã bị tấn công, trong đó có Huế và Saigon là hai thành phố xảy ra những vụ đụng độ lớn nhất.
6 tháng 2 Đêm 6 tháng 1/1968, bộ đội và chiến xa Bắc Việt tấn công Trại Lực Lượng Đặc Biệt ở Làng Vei, cách Khe Sanh 6 miles (10 km) về hướng Tâỵ Ngày hôm sau, Làng Vei thất thủ.
9 tháng 2 Một trận kịch chiến xảy ra trên Đồi 64, quân Cộng Sản để lại 134 xác chết. Phía bên Hoa Kỳ có 26 binh sĩ TQLC tử thương.
11 tháng 2 Hai vận tải cơ C-130 đáp xuống Khe Sanh. Một chiếc nổ tung vì trúng đạn pháo kích. Chiếc còn lại gấp rút được sửa chữa rồi bay "khập khễnh" về phi trường Đ à Nẵng bình an.
21 tháng 2 Bắc Việt tấn công vào vòng đai phòng thủ tại khu vực hướng Đông ở Khe Sanh. Nhưng không chọc thủng được bức tường phòng thủ kiên cố của Biệt Động Quân VNCH.
Tháng 2-3 Từ tháng 2 đến cuối tháng 3, cường độ pháo kích của Cộng quân tại Khe Sanh quá ác liệt. Phương pháp tiếp tế duy nhất là móc các kiện hàng vào những cánh dù rồi thả xuống từ các vận tải cơ trên vòm trờị
23 tháng 2 Cộng quân bắn 1,300 quả đạn đại bác vào Khe Sanh. Trận địa pháo kéo dài 8 tiếng đồng hồ. Mười (10) quân nhân Hoa Kỳ bị thiệt mạng, 51 người khác bị thương.
29 tháng 2 Bộ đội Bắc Việt mở cuộc tấn công ác liệt vào vòng đai phòng thủ ở phía Đông căn cứ, nhưng gặp phải mức kháng cự mãnh liệt của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quâ n. Cả ba đợt xung phong của Cộng quân bị đẩy luị Họ để lại 70 xác chết trên trận địạ
1 đến 15 tháng 4 Ngày 1 tháng 4/1968, cuộc hành quân PEGASUS (của quân đội Mỹ) và LAM SƠN 207 (của quân đội VNCH) được tiến hành. Chiến dịch kết thúc vào ngày 15 tháng 4/1968. Căn cứ Khe Sanh hoàn toàn được giải tỏạ
.
Tổn Thất: Hoa Kỳ: 199 tử thương, 1,600 bị thương, Việt Nam Cộng Hòa: 34 tử thương, 184 bị thương, Cộng Sản Bắc Việt: 10,000 đến 13,000 tử thương.
Lúc ấy, ngoài 6,000 TQLC Hoa Kỳ và một tiểu đoàn thiện chiến Biệt Động Quân Việt Nam, Khe Sanh lại được phòng thủ bởi hỏa lực pháo binh riêng biệt gồm một pháo đội súng cối 106 ly, 3 pháo đội đại bác 105 ly, và một pháo đội đại bác 155 lỵ Về thiết giáp, Khe Sanh có 5 xe tăng loại M-48 và 2 chi đội chiến xa M-50 Ontos với 6 khẩu đại bác 106 ly trên mỗi chiếc. Về hỏa lực yểm trợ quanh vùng, Khe Sanh nằm trong tầm tác xạ của 4 pháo đội đại bác 175 ly từ căn cứ Rock Pile và 3 pháo đội 175 ly từ căn cứ Carroll.
Phía bên kia, lực lượng Cộng Sản cũng hùng hậu không kém. Tướng Võ Nguyên Giáp lúc ấy nắm trong tay ít nhất 3 sư đoàn. Ngoài ra, ông còn có thêm một số đơn vị biệt lập hỗ trợ khác. Các đơn vị Cộng Sản được ghi nhận như sau:
Sư Đoàn 325C CSBV đóng quân về phía Bắc của Đồi 881 Bắc
Sư Đoàn 304 CSBV (xuất phát từ bên Lào) đóng quân về phía Tây Nam của Khe Sanh
Một trung đoàn thuộc Sư Đoàn 324 CSBV đang có mặt ở gần vùng phi quân sự, cách Khe Sanh 15 miles (24 km) về hướng Tây Bắc
Sư Đoàn 320 CSBV giữ vị trí về phía Bắc của căn cứ hỏ a lực Rock Pile
Ngoài ra, Cộng Sản huy động thêm một đơn vị Thiết Giáp với chiến xa T-54 cùng hai trung đoàn 68 và 164 Pháo Binh
Ngày 30 tháng 1/1968, Cộng Sản phát động chiến dịch Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa (thường được gọi là cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân) trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Tại những thành phố lớn, các đơn vị Việt Cộng cố các trận đánh lớn để gây tiếng vang. Nhưng gần Khe Sanh, tình hình tương đối yên tĩnh. Nhưng sự yên tĩnh chỉ kéo dài được 6 ngàỵ
Hôm 5 tháng 2/1968, tiếng súng khởi sự nổ trên đồi 861Ạ Một tiểu đoàn Việt Cộng (thuộc Sư Đoàn 325) mở cuộc tấn công. Địch quân chiếm một phần tại vòng đai phía Bắc trong khu vực trách nhiệm của Đại Đội E/2/26. Nhưng sau đó, Bắc quân bị đánh bật trở ra trong một cuộ c phản công quyết liệt của các binh sĩ Cọp Biển. Tổng kết trận đánh có 7 quân nhân Mỹ tử trận, phía bên kia Cộng quân thiệt mất 109 cán binh (Khe Sanh Veterans Home Page: Time Line).
Ngày 6 tháng 2/1968, quân Cộng Sản đánh vào trại Lực Lượng Đặc Biệt ở Làng Vei, nằm gần Khe Sanh chừng 6 miles (10 km) về hướng Tâỵ Quân Bắc Việt có cả chiến xa PT-76. Và đó cũng là lần đầu tiên Thiết Giáp Bắc Việt trực tiếp lâm chiến tại miền Nam . Do Nga Sô chế tạo và cung cấp cho Cộng Sản miền Bắc, các xe PT-76 chạy trên xích sắt, được trang bị nòng súng 76 ly, và có khả năng lội nước. Tuy vỏ bọc bên ngoài tương đối mỏng, nhưng độ cứng của thép cũng đủ để ngăn chận các loại đạn trung liên từ 7.62 ly trở xuốn g.
Trong trận Làng Vei, 11 chiến xa PT-76 của Cộng quân dẫn đầu. Theo sau là một tiểu đoàn bộ đội yểm trợ. Đây là một đơn vị thuộc Trung Đoàn 66 dưới quyền điều động của Sư Đoàn 304. Trận đánh tại Làng Vei kéo dài chỉ một ngày. Chín (9) trong số 11 chiếc PT-76 bị tiêu diệt, nhưng quân trú phòng không ngăn nổi trận biển người của đối phương. Chết trong trận này gồm hơn 200 binh sĩ Dân Sự Chiến Đấu Việt Nam cùng 10 trong số 24 sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ.
Ngày 9 tháng 2/1968, một tiểu đoàn Bắc Việt tấn công (tiểu đoàn này thuộc Trung Đoàn 101D của Sư Đoàn 325) Đồi 64 do Đại Đội A/1/9 Cọp Biển trấn giữ. Các vị trí phòng thủ trên đồi bị Bắc quân tràn ngập. Trong tình huống nguy cập, các binh sĩ TQLC liên lạc xin phi pháo yểm trợ. Không chút chậm trễ, các khẩu đại bác quanh vùng đều nhắm hướng Đồi 64 và tác xạ. Khi ấy, một lực lượng TQLC khác được lệnh phải đến tiếp viện Đồi 64. Trong 3 tiếng đồng hồ máu lửa này, có 150 bộ đội Bắc Việt chết và 26 binh sĩ Hoa Kỳ tử thương.
Sau trận đánh ở Đồi 64, quân Bắc Việt tạm ngưng các hoạt động để bổ sung quân số. Chiến trường lắng dịu trong hai tuần. Đến 21 tháng 2/1968, căn cứ Khe Sanh lại bị tấn công. Lần này, một đại đội địch quân gây áp lực tại phòng tuyến của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân. Nhưng các binh sĩ Mũ Nâu VNCH đã vững vàng cố thủ. Trận này kết thúc mau lẹ. Đợt tấn công của đối phương đã bị Biệt Động Quân bẻ gảỵ
Hai ngày sau, 23 tháng 2/1968, Bắc quân tập trung pháo binh để phục hận. Một nghìn ba trăm (1,300) quả đạn đủ loại đã được bắn vào Khe Sanh (Tom Carhart: Battles And Campaigns In Vietnam, tr.129). Trận địa pháo 8 tiếng đồng hồ này đã làm nổ tung một kho tồn trữ đạn trong căn cứ, gây thiệt mạng cho 10 quân nhân Hoa Kỳ và 51 người khác bị thương.
Đêm 29 tháng 2, mặt trận vây-hãm Khe Sanh chợt bùng nổ với một trận bộ chiến sau cùng. Chín giờ 30 tối, một tiểu đoàn Cộng quân (thuộc Sư Đoàn 304 CSBV) đánh thẳng vào mặt Đông của Khe Sanh. Đây là khu vực trách nhiệm của các binh sĩ Biệt Động Quân VNCH.
Nhưng sau một màn pháo kích dọn đường, và sau ba lần trận biển-người xung phong, tiểu đoàn Bắc Việt cũng không phá được phòng tuyến thép của lính "rằn rị" Đêm hôm đó, các binh sĩ Biệt Động Quân bình tĩnh chiến đấụ Họ đợi đối phương xung phong đến thật gần rồi mới kha i hỏạ
Lúc đó trong giao thông hào khói lửa mịt mù. Nón sắt, áo giáp, cài kỹ lưỡng. Súng trường M-16 được gắn lưỡi lê (bayonet). Lựu đạn đeo ở bụng, trước ngực, hoặc choàng vaị Băng đạn sát bên người, ở hông và đầy trong túị Khi Bắc quân tấn công, tiểu đoàn Biệt Động Quân chống trã mãnh liệt. Kinh nghiệm chiến đấu và sự gan dạ của họ chính là một trong các yếu tố quan trọng giúp đẩy lui cả 3 lần xung phong của Bắc quân. Ngày hôm sau, một toán Biệt Động Quân vượt hàng rào kiểm điểm tình hình. Họ đếm được 70 xác chết địch quân trên trận địạ
Trong tác phẩm Battles And Campaigns In Vietnam, Tom Carhart có ghi lại một cách ngắn gọn về trận đánh của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân như sau: "Rạng sáng ngày 29 tháng 2/1968, mũi tấn công duy nhất được nhắm vào vòng đai trách nhiệm của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân. Khi Cộng quân xung phong đến gần hàng rào, họ bị lính Mũ Nâu chào đón họ bằng một rừng Claymore (mìn chống cá nhân), lựu đạn và súng cá nhân. Địch quân chẳng qua được hàng rào kẽm gai chằng chịt bên ngoàị Bảy mươi (70) xác chết của họ vì vậy đã được xem như như một công cuộc bại thảm nặng nề."
Trong các tài liệu Anh ngữ nói về trận chiến tại Khe Sanh, hầu như các tác giả và ký giả Hoa Kỳ chỉ ghi nhận mức chịu đựng bền bỉ của người lính Thủy Quân Lục Chiến. Nhưng ít ai biết đến hoặc nhắc nhở gì về sứ mạng phòng thủ của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân. May mắn thay, công trạng của họ đã được Trung Tướng Phillip Davison nhắc đến trong tài liệu Vietnam At War, The History 1946-75": ".. .[Tướng] Giáp tưởng tấn công vào tuyến phòng thủ của Biệt Động Quân VNCH sẽ dễ dàng hơn là đánh vào những nơi có Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trấn giữ, nhưng đây không thể gọi là dễ dàng được bởi vì đơn vị Biệt Động Quân VNCH này chính là một đơn vị thiện chiến rất giỏị"
Trận tấn công vào đêm 29 tháng 2 (cho đến rạng ngày 1 tháng 3) là trận tấn công cuối cùng của quân Bắc Việt vào căn cứ. Ngày 1 tháng 4/1968, chiến dịch giải tỏa Khe Sanh bắt đầụ Cuộc hành quân mệnh danh "PEGASUS" (của Mỹ) và Lam Sơn 207 (của Việt Nam Cộng Hòa) được khởi động với sự tham dự của nhiều đơn vị thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ và Nhảy Dù Nam Việt Nam . Trục tiến quân giải tỏa Khe Sanh được thiết lập dọc theo Quốc Lộ 9.
Vài ngày sau, 8 tháng 4, căn cứ Khe Sanh hoàn toàn được giải tỏạ Giấc mộng tạo dựng một Điện Biên Phủ thứ hai của Võ Nguyên Giáp kể như không thành. Các binh đoàn dưới quyền chỉ huy của ông bị mất từ 10 đến 13,000 bộ độị Nhiều đơn vị bị xóa tên dưới hỏa lực hùng hậu của pháo binh và không yểm.
Sau này, các sách vở về chiến tranh Việt Nam đều có nhiều nhận xét khác nhau về chiến thuật của đôi bên. Một lập luận cho rằng tướng Giáp muốn dụ Hoa Kỳ dồn quân vào Khe Sanh để quân Cộng Sản có thể rãnh tay tấn công các vùng khác. Một lập luận khác lại cho rằng ông Giáp bao vây Khe Sanh với lý do muốn tạo dựng một chiến thắng như Điện Biên để buộc Hoa K ỳ phải nhượng bộ rồi đầu hàng. Trong khi đó, một số tài liệu chiến sử Hoa Kỳ lại nghĩ rằng tướng Westmoreland đã "tương kế tựu kế." Ông mong Cộng quân sẽ tập trung nhiều binh đoàn gần Khe Sanh để ông có thể dùng hỏa lực pháo binh và phi cơ tiêu diệt.
Nhưng lịch sử đã không theo vết xe lăn của Điện Biên Phủ 14 năm về trước. Năm 1968, Hoa Kỳ có đầy đủ phương tiện để phòng thủ, yểm trợ, và tiếp tế Khe Sanh trong 77 ngày, hoặc lâu dài hơn nếu cần thiết. Phía bên kia, Cộng quân đã không chiếm nổi Khe Sanh, mà lại còn bị thiệt mất từ 10 đến 13,000 bộ độị Đó là chưa kể thiệt hại trên các phương diện khác như quân cụ, chiến thuật, cùng hàng ngàn thương binh.
Linh Vũ , Jan 24, 2009
Trong một tuần qua trên các báo chí cũng như những diễn đàn đều có post bài dịễn văn nhậm chức của Tổng Thống Barack Hussein Obama thứ 44 của Hoa Kỳ trong đó ông đã nhắc đến điạ danh 'Khe Sanh' vùng cực Bắc Nam Việt. Địa danh Khe Sanh không chỉ có những người lính của hai miền Nam Bắc Việt Nam biết đến mà hầu như những cựu chiến binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến ở VN đều không thể quên được trong suốt hơn 42 năm qua. Trận chiến Khe Sanh một trong những trận chiến lớn nhất thế giới ngang tầm vóc với các trận như Concord , Gettyburg và Normandy . Một điạ danh nơi đèo heo hút gió đã viết đậm nét trong trang quân sử Hoa Kỳ và Quân Lực VNCH.
Khe Sanh như thế nào mà bài diễn văn nhậm chức của Tổng Thống Hoa kỳ phải nhắc đến và người Việt chúng ta khi nghe đến điạ danh đó đều bùi ngùi xúc động. Và trong những bài dịch, một số dịch gỉa không biết vô tình hay cố ý đã bỏ sót điạ danh ' Khe Sanh' đã làm cho nhiều người trong cộng đồng bất mãn. Sau đây tôi xin mượn bài viết của Phạm Cường Lễ ' Khe Sanh 77 ngày trong năm 1968' để chúng ta nhìn lại trang sử Việt và cho những ai chưa từng biết Khe Sanh là gì có cơ hội tìm hiểu Khe Sanh như thế nào?
1. Khe Sanh Bẩy Mươi Bẩy Ngày Trong Một Nghìn Chín Trăm Sáu Mươi Tám
KHE SANH... một địa danh đèo heo hút gió ở vùng cực bắc Nam Việt Nam cách vùng Phi Quân Sự 14 miles (23 km) về phía Nam, và 6 miles (10 km) về phía Đông của vương quốc Làọ Nếu không có chiến tranh, nét yên tĩnh và phong cảnh nơi đây có thể sẽ được kể là một trong những gì đẹp nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng kể từ tháng 5 năm 1959, nét an lành của thiên nhiên tại nơi này bắt đầu bị giao động. Năm đó, bộ đội Bắc Việt thiết lập hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh để khởi động công cuộc xâm lăng miền Nam . Lúc ấy, Khe Sanh chưa phải là căn cứ hay tiền đồn. Nhưng vì nằm gần biên giới và giáp ranh Đường Số 9 --trục lộ giao điểm của ba quốc gia Nam Việt, Bắc Việt, Lào-- nên Khe Sanh đã nghiễm nhiên trở thành một trong những cứ điểm quan trọng nhất trên bản đồ của cuộc chiến Việt Nam.
Đến 1967, các hoạt động của Cộng quân quanh vùng này bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Quân đội Hoa Kỳ tăng cường quân số ở vùng nàỵ Họ tu bổ để Khe Sanh để trở thành một tiền đồn kiên cố. Khe Sanh nằm sát biên giới Việt-Lào, cạnh bên Quốc Lộ 9, án ngữ cửa ngõ xâm nhập của Bắc Việt vào Nam Việt Nam ở tỉnh Quảng Trị. Khi Hoa Kỳ tăng cường lực lượng quân sự để giữ Khe Sanh, tướng Võ Nguyên Giáp của Bắc Việt đã có kế hoạch bao vây để biến nơi này thành Điện Biên Phủ của người Mỹ.
Năm 1968, Khe Sanh trở thành một địa danh nổi tiếng nhất nhì thế giớị Nhưng đó chẳng phải vì nổi tiếng qua phong cảnh đẹp nhất, khí hậu trong lành nhất, hoặc có du khách ngoại quốc đến thăm nhiều nhất. Khe Sanh thật sự đã nổi tiếng vì có nhiều trận đánh lớn xảy ra tại vùng này trong hai năm 1967 và 1968.
Một Nghìn Chín Trăm Sáu Mươi Tám là thời điểm mà Khe Sanh được nhắc nhở đến nhiều nhất. Đó là thời điểm của Trận Chiến Tết Mậu Thân khi Việt Cộng mở chiến dịch tổng tấn công trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòạ Trong chiến dịch này, 20,000 bộ đội Bắc Việt đã được huy động để bao vây 6,000 Thủy Quân Lục Chiến cùng khoảng 200 tay súng Biệt Đ���ng Quân miền Nam. Nhưng Khe Sanh đã chẳng thất thủ. Trận chiến trận kéo dài 77 ngày với Cộng quân hứng chịu hơn 10,000 tổn thất.
o O o
Nằm trên một vùng cao nguyên rộng lớn, bao quanh bởi núi đồi và cây rừng trùng điệp, Khe Sanh là một căn cứ quân sự vô cùng quan trọng ở tỉnh Quảng Trị. Năm 1962, căn cứ này được Lực Lượng Đặc Biệt Mũ Xanh (Green Berets) Hoa Kỳ xử dụng đầu tiên làm nơi xuất phát các phi vụ thám thính đi sâu vào vùng đất Làọ Vị trí chiến lược của Khe Sanh do đó đã gây nhiều trở ngại lớn lao cho công cuộc xâm lăng miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt.
Năm 1966, Bắc Việt phản ứng mạnh mẽ bằng cách dùng trọng pháo bắn vào Khe Sanh. Cũng trong năm này, Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ có mặt tại Khe Sanh để canh gác và ngăn chận các cu ộc xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) từ bên Làọ Giữa năm 1967, nhiều vụ chạm súng lẻ tẻ xảy ra quanh khu vực. Rồi sau đó là các trận chiến lớn dành giật những ngọn đồi được kéo dài đến gần cuối tháng 1 năm 1968 thì chiến trường bùng nổ dữ dộị Ba sư đoàn chính quy Bắc Việt bao vây, pháo kích, và dùng chiến thuật xa-luân-chiến đánh Khe Sanh trong 77 ngàỵ Như đã nhắc đến ở phần trên, quân Bắc Việt bị đại bại với từ 10,000 đến 13,000 cán binh tử thương (Tom Carhart: Batles And Campaigns In Vietnam, tr.130). Trong khi đó, lực lượng trú phòng Khe Sanh chỉ bị thiệt hại nhẹ. Hoa Kỳ có 199 binh sĩ Mỹ chết và 1,600 bị thương. Về phía Việt Nam Cộng Hòa, tổn thất gồm 34 quân nhân tử trận và 184 thương binh (Nguyễn Đức Phương: Những Trận Đánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-75, tr.175).
MẶT TRẬN VÙNG KHE SANH NĂM 1967
Vào tháng 3 năm 1967, căn cứ Khe Sanh được phòng thủ vỏn vẹn chỉ bởi một đại đội Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Lúc đầu, hỏa lực tại đây chỉ gồm một pháo đội 105 ly, 2 khẩu 155 ly, cùng 2 súng cối loại 4.2 inch. Lực lượng yểm trợ gồm một đại đội Địa Phương Quân (ĐPQ) và một toán TQLC Hoa Kỳ đóng ở làng Khe Sanh (ngôi làng này cũng tên là Khe Sanh) cách căn cứ chỉ hơn 2 miles (3.5 km). Và tất cả đều được yểm trợ bởi các khẩu pháo binh 155 ly và 175 ly ở hai căn cứ hỏa lực Carroll và Rock Pile gần đó.
Ngày 24 tháng 4 năm 1967, một toán Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ bất ngờ đụng độ với bộ đội Bắc Việt ở một địa điểm về phía Bắc của Đồi 861. Sau đó tinh tình báo cho biết quân chính quy Bắc Việt đã tập trung đông đảo quân số về vùng nàỵ Các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến lập tức được lệnh tăng cường cho Khe Sanh.
Ngày 25 tháng 4, Tiểu Đoàn 3/3 (đọc là "Tiểu Đoàn 3 thuộc Trung Đoàn 3") TQLC Hoa Kỳ đến Khe Sanh. Sang ngày hôm sau, Tiểu Đoàn 2/3 TQLC lập tức tăng cường. Sang đến ngày 27, Pháo Đội B thuộc Tiểu Đoàn 1/12 Pháo Binh có mặt tại căn cứ.
Ngày 28 tháng 4 năm 1967, sau khi được pháo binh yểm trợ, Tiểu Đoàn 2/3 TQLC Hoa Kỳ tiến chiếm Đồi 861. Cùng lúc đó, Tiểu Đoàn 3/3 cũng mở cuộc tấn công lên Đồi 881. Đây là những cụm đồi nằm gần Khe Sanh, và đã được quân đội Hoa Kỳ chọn làm những tiền đồn bảo vệ căn cứ. Trong những ngày tiếp đến, lực lượng Cọp Biển Hoa Kỳ lần lượt chiếm hết những cao điểm lân cận: đó là các ng���n đồi 861, 881-Bắc, và 881-Nam.
Ngày 13 tháng 5/1967, Đại Tá J.J. Padley nhậm chức chỉ huy trưởng căn cứ Khe Sanh, thay thế Đại Tá J.P. Lanigan. Lúc đó, lực lượng phòng thủ được tăng cường thêm 3 tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 26 TQLC để thay thế cho Trung Đoàn 3. Trong khi ấy, từ 24 tháng 4/1967 đến 12 tháng 5/1967, bộ đội Bắc Việt tiếp tục công kích với nhiều màn chạm súng lẻ tẻ. Các vụ đụng độ này đã gây tử thương cho 155 binh sĩ Hoa Kỳ, nhưng quân Bắc Việt bị thiệt hại nặng hơn với 940 cán binh bỏ mạng.
Mùa Hè 1967, sau khi bị thiệt hại nặng trong một thời gian ngắn (từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5), quân Cộng Sản phải tạm ngưng các hoạt động. Áp lực quân sự quanh vùng Khe Sanh giảm sút khá nhiềụ Ngày 12 tháng 8/1967, Đại Tá ẸẸ Lownds được chỉ định thay thế Đại Tá J.J. Padley trong chức vụ Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 26 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Khe Sanh. Vì tình hình lúc đó đang lắng diệu, hai trong ba tiểu đoàn TQLC của Trung Đoàn 26 Hoa Kỳ được phép rút khỏi căn cứ. Nhưng tháng 12, Tiểu Đoàn 3/26 nhận lệnh tăng cường cho Khe Sanh. Tinh tình báo cho biết hoạt động của các lực lượng Cộng Sản đã bắt đầu gia tăng quanh vùng nàỵ
TRẬN CHIẾN KHE SANH TRONG NĂM 1968
Đêm 2 tháng 1/1968, gần hàng rào phòng thủ phía Tây Khe Sanh, một toán Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã phục kích và bắn hạ 5 cán bộ Cộng Sản. Giấy tờ tịch thu cho biết họ là những sĩ quan cao cấp Bắc Việt, trong đó có cả một người giữ chức trung đoàn trưởng. Còn hai người kia là cán bộ cao cấp về ngành truyền tin và hành quân. Tình báo Hoa Kỳ lo ngại một lực lượng hùng hậu của Bắc Việt đã có mặt tại vùng nàỵ Khi ấy, Trung Đoàn 26 TQLC tại Khe Sanh lập tức được lệnh phải bổ sung quân số.
Đến ngày 20 tháng 1/1968, một trận đánh dữ dội đã xảy ra trên Đồi 881-Nam (Ghi Chú: Có hai ngọn đồi mang tên "881", một ngọn nằm về hướng Bắc của Khe Sanh, và ngọn kia nằm về hướng Nam. Xem bản đồ). Ngọn đồi này được phòng thủ bởi một cánh quân của Tiểu Đoàn 1/3 TQLC Hoa Kỳ, gồm Bộ Chỉ Huy của Đại Đội M, hai trung đội bảo vệ, và toàn thể lực lượng của Đại Đội K. Trong tài liệu Nam, Vietnam 1965-75, Đại Úy William H. Dabney (đại đội trưởng Đại Đội I) cho biết đại đội của ông chỉ huy có vài khẩu bích kích pháo 81 ly, 3 đại bác 105 ly, và hai súng không-giật 106 lỵ
Lúc trời vừa sáng còn dầy đặc sương mù, một toán quân của Đại Đội I lục soát vòng quanh khu vực. Mọi vật trong không gian và thời gian đang lắng đọng yên lành. Nhưng đến trưa khi sương mù tan biến. Nét lặn yên của buổi sáng bị giao động giữ dộị Hai trung đội đi đầu lọt vào ổ phục kích của địch quân. Một rừng đạn đủ loại từ súng cá nhân cho đến vũ khí cộng đồng bay veo véọ Trong vòng chưa đến một phút mà đã có 20 binh sĩ Hoa Kỳ ngã gục. Những người còn lại nằm rạp xuống tránh đạn. Họ vừa bắn trả, vừa gọi máy truyền tin xin hỏa lực pháo binh tiếp cứụ
Các căn cứ hỏa lực quanh vùng lập tức đáp lờị Những khẩu đại bác được quay nòng về hướng Đồi 881-Nam rồi ì ầm tác xạ. Một rừng đạn pháo bay đến cày nát chiến trường. Bom Napalm từ phi cơ không-yểm ném xuống cản được đợt xung phong của Cộng quân. Toán Cọp Biển bị thiệt hại nặng. Họ lui về vị trí cũ trên Đồi 881-Nam.
Trong khi ấy, hai trung đội Thủy Quân Lục Chiến của Đại Đội M/3/26 (đọc là "Đại Đội M thuộc Tiểu Đoàn 3 của Trung Đoàn 26") được trực thăng vận đến Đồi 881-Nam. Toán quân này chuẩn bị hợp sức với Đại Đội I/3/26 để ngày hôm sau mở cuộc lục soát về hướng Đồi 881-Bắc. Theo tài liệu của Khe Sanh Veterans Home Page, cuộc hành quân này đưa đến một vụ đụng độ ác liệt dưới chân Đồi 881-Bắc. Lúc ấy, nương vào hỏa lực phi pháo và không yểm, Đại Đội I/3/26 của Đại Úy Dabney đã đánh cho một tiểu đoàn Cộng quân tan tành manh giáp. Trong trận này, Hoa Kỳ mất 7 người, Bắc quân mất 103 (Khe Sanh Veterans Home Page, Time Line).
Ngày 20 tháng 1/1968, một biến chuyển quan trọng bất ngờ xảy rạ Lúc 2 giờ chiều, một viên trung úy Bắc Việt tên Lã Thanh Tòng thuộc Sư Đoàn 325C đột nhiên ra đầu thú. Trung Úy Tòng cho biết đêm nay Bắc quân sẽ mở cuộc tấn công lên các ngọn Đồi 861 và 881-Bắc. Ngoài ra, người tù binh cũng tiết lộ rằng hai sư đoàn 304 và 325C của Bắc Việt đã vạch sẵn kế hoạch đánh chiếm căn cứ Khe Sanh.
Đúng như lời khai của Trung Úy Tòng, lúc 12 giờ 30 rạng ngày 21 tháng 1/1968, Cộng quân dùng đại bác bắn vào Đồi 861. Trước hết, kho chứa đạn của Thủy Quân Lục Chiến ở trên đồi trúng đạn pháo kích rồi nổ tan. Kế đến, lực lượng Cộng Sản gớm 300 cán binh chuẩn bị xung phong lên đồị Nhưng Đại Đội K/3/26 biết trước. Họ gờm súng chờ đợị. Trận đánh kéo dài đến 5 giờ 30 sáng, Cộng quân rút lui để lại 47 xác. Phía bên Đại Đội K/3/26 có một binh sĩ tử trận.
Trong khi ấy ở căn cứ Khe Sanh, quân trú phòng luôn chú tâm theo dõi các diễn biến trên Đồi 861. Khi trận đánh kết thúc gần 6 giờ sáng, họ nghe nhiều tiếng "depart" từ xa vọng lạị Bầu trời đột nhiên đổ cơn mưạ Những hạt mưa to bằng sắt thép với đường kính từ 81 đến 130 lỵ
Khi quả đạnh đầu tiên lao vào căn cứ, những người lính tại Khe Sanh lập tức xuống hầm. Một số khác co lại trong giao thông hàọ Tay họ ôm nón sắt, và miệng đếm theo tiếng nổ của đạn pháo binh. Trong phút chốc, kho chứa đạn khổng lồ trong căn cứ với 1,500 tấn đã phát nổ tan tành. Phi đạo ở Khe Sanh với chiều dài 3,900 feet (1,188 m) bị cày xới lung tung, bị rút ngắn lại chỉ còn 2,000 feet (609 m). Thế mà ngày hôm đó một vài chiếc vận-tải cơ của Hoa Kỳ cũng xuống phi đạo để mang các kiện hàng cho binh sĩ ở Khe Sanh.
Ngày 22 tháng 1/1968, tình hình nguy ngập. Tiểu Đoàn 1 TQLC Hoa Kỳ đến tăng cường Khe Sanh. Đây là một đơn vị thuộc Trung Đoàn 9. Họ đã nổi danh trong trận đánh tại Côn Thiện (Cồn Tiên) gần vùng phi quân sự vào năm 1967 vừa quạ
Ngày 26, một lực lượng tăng viện khác được không vận vào Khe Sanh. Đó là Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân của Đại Úy Hoàng Phổ. Đây là một đơn vị bộ chiến già dặn, đầy gan lì và kinh nghiệm của Việt Nam Cộng Hòạ Trách nhiệm của họ là tạo vòng đ ai phòng thủ tại khu vực ở hướng Đông ở căn cứ Khe Sanh.
CÁC DIỄN BIẾN CHÁNH YẾU TRONG TRẬN CHIẾN TẠI KHE SANH
20 tháng 1 Đụng độ mạnh giữa Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và bộ đội Bắc Việt trên Đồi 881-Nam. Hai bên đều thiệt hại nặng. Trong ngày này, một Trung Úy Bắc Việt ra đầu thú và đã cho biết kế hoạch tấn công của Cộng quân vào căn cứ Khe Sanh.
21 tháng 1 Cộng quân pháo kích vào Khe Sanh. Kho đạn trong căn cứ nổ tung, phi đạo bị hư hạị Đồi 861 bị pháo kích, nhưng các binh sĩ Hoa Kỳ trên đồi đẩy lưi cuộc tấn công của bộ đội Bắc Việt.
22 tháng 1 Căn cứ Khe Sanh được tăng viện bởi Tiểu Đoàn 1/9 TQLC Hoa Kỳ.
26 tháng 1 Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân VNCH của Đại Úy Hoàng Phổ đến Khe Sanh. Đây là lực lượng tăng viện sau cùng trong khoảng thời gian căn cứ bị bao vâỵ
30 tháng 1 Cộng Sản mở chiến dịch "Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa" trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam. Nhiều thị xã bị tấn công, trong đó có Huế và Saigon là hai thành phố xảy ra những vụ đụng độ lớn nhất.
6 tháng 2 Đêm 6 tháng 1/1968, bộ đội và chiến xa Bắc Việt tấn công Trại Lực Lượng Đặc Biệt ở Làng Vei, cách Khe Sanh 6 miles (10 km) về hướng Tâỵ Ngày hôm sau, Làng Vei thất thủ.
9 tháng 2 Một trận kịch chiến xảy ra trên Đồi 64, quân Cộng Sản để lại 134 xác chết. Phía bên Hoa Kỳ có 26 binh sĩ TQLC tử thương.
11 tháng 2 Hai vận tải cơ C-130 đáp xuống Khe Sanh. Một chiếc nổ tung vì trúng đạn pháo kích. Chiếc còn lại gấp rút được sửa chữa rồi bay "khập khễnh" về phi trường Đ à Nẵng bình an.
21 tháng 2 Bắc Việt tấn công vào vòng đai phòng thủ tại khu vực hướng Đông ở Khe Sanh. Nhưng không chọc thủng được bức tường phòng thủ kiên cố của Biệt Động Quân VNCH.
Tháng 2-3 Từ tháng 2 đến cuối tháng 3, cường độ pháo kích của Cộng quân tại Khe Sanh quá ác liệt. Phương pháp tiếp tế duy nhất là móc các kiện hàng vào những cánh dù rồi thả xuống từ các vận tải cơ trên vòm trờị
23 tháng 2 Cộng quân bắn 1,300 quả đạn đại bác vào Khe Sanh. Trận địa pháo kéo dài 8 tiếng đồng hồ. Mười (10) quân nhân Hoa Kỳ bị thiệt mạng, 51 người khác bị thương.
29 tháng 2 Bộ đội Bắc Việt mở cuộc tấn công ác liệt vào vòng đai phòng thủ ở phía Đông căn cứ, nhưng gặp phải mức kháng cự mãnh liệt của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quâ n. Cả ba đợt xung phong của Cộng quân bị đẩy luị Họ để lại 70 xác chết trên trận địạ
1 đến 15 tháng 4 Ngày 1 tháng 4/1968, cuộc hành quân PEGASUS (của quân đội Mỹ) và LAM SƠN 207 (của quân đội VNCH) được tiến hành. Chiến dịch kết thúc vào ngày 15 tháng 4/1968. Căn cứ Khe Sanh hoàn toàn được giải tỏạ
.
Tổn Thất: Hoa Kỳ: 199 tử thương, 1,600 bị thương, Việt Nam Cộng Hòa: 34 tử thương, 184 bị thương, Cộng Sản Bắc Việt: 10,000 đến 13,000 tử thương.
Lúc ấy, ngoài 6,000 TQLC Hoa Kỳ và một tiểu đoàn thiện chiến Biệt Động Quân Việt Nam, Khe Sanh lại được phòng thủ bởi hỏa lực pháo binh riêng biệt gồm một pháo đội súng cối 106 ly, 3 pháo đội đại bác 105 ly, và một pháo đội đại bác 155 lỵ Về thiết giáp, Khe Sanh có 5 xe tăng loại M-48 và 2 chi đội chiến xa M-50 Ontos với 6 khẩu đại bác 106 ly trên mỗi chiếc. Về hỏa lực yểm trợ quanh vùng, Khe Sanh nằm trong tầm tác xạ của 4 pháo đội đại bác 175 ly từ căn cứ Rock Pile và 3 pháo đội 175 ly từ căn cứ Carroll.
Phía bên kia, lực lượng Cộng Sản cũng hùng hậu không kém. Tướng Võ Nguyên Giáp lúc ấy nắm trong tay ít nhất 3 sư đoàn. Ngoài ra, ông còn có thêm một số đơn vị biệt lập hỗ trợ khác. Các đơn vị Cộng Sản được ghi nhận như sau:
Sư Đoàn 325C CSBV đóng quân về phía Bắc của Đồi 881 Bắc
Sư Đoàn 304 CSBV (xuất phát từ bên Lào) đóng quân về phía Tây Nam của Khe Sanh
Một trung đoàn thuộc Sư Đoàn 324 CSBV đang có mặt ở gần vùng phi quân sự, cách Khe Sanh 15 miles (24 km) về hướng Tây Bắc
Sư Đoàn 320 CSBV giữ vị trí về phía Bắc của căn cứ hỏ a lực Rock Pile
Ngoài ra, Cộng Sản huy động thêm một đơn vị Thiết Giáp với chiến xa T-54 cùng hai trung đoàn 68 và 164 Pháo Binh
Ngày 30 tháng 1/1968, Cộng Sản phát động chiến dịch Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa (thường được gọi là cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân) trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Tại những thành phố lớn, các đơn vị Việt Cộng cố các trận đánh lớn để gây tiếng vang. Nhưng gần Khe Sanh, tình hình tương đối yên tĩnh. Nhưng sự yên tĩnh chỉ kéo dài được 6 ngàỵ
Hôm 5 tháng 2/1968, tiếng súng khởi sự nổ trên đồi 861Ạ Một tiểu đoàn Việt Cộng (thuộc Sư Đoàn 325) mở cuộc tấn công. Địch quân chiếm một phần tại vòng đai phía Bắc trong khu vực trách nhiệm của Đại Đội E/2/26. Nhưng sau đó, Bắc quân bị đánh bật trở ra trong một cuộ c phản công quyết liệt của các binh sĩ Cọp Biển. Tổng kết trận đánh có 7 quân nhân Mỹ tử trận, phía bên kia Cộng quân thiệt mất 109 cán binh (Khe Sanh Veterans Home Page: Time Line).
Ngày 6 tháng 2/1968, quân Cộng Sản đánh vào trại Lực Lượng Đặc Biệt ở Làng Vei, nằm gần Khe Sanh chừng 6 miles (10 km) về hướng Tâỵ Quân Bắc Việt có cả chiến xa PT-76. Và đó cũng là lần đầu tiên Thiết Giáp Bắc Việt trực tiếp lâm chiến tại miền Nam . Do Nga Sô chế tạo và cung cấp cho Cộng Sản miền Bắc, các xe PT-76 chạy trên xích sắt, được trang bị nòng súng 76 ly, và có khả năng lội nước. Tuy vỏ bọc bên ngoài tương đối mỏng, nhưng độ cứng của thép cũng đủ để ngăn chận các loại đạn trung liên từ 7.62 ly trở xuốn g.
Trong trận Làng Vei, 11 chiến xa PT-76 của Cộng quân dẫn đầu. Theo sau là một tiểu đoàn bộ đội yểm trợ. Đây là một đơn vị thuộc Trung Đoàn 66 dưới quyền điều động của Sư Đoàn 304. Trận đánh tại Làng Vei kéo dài chỉ một ngày. Chín (9) trong số 11 chiếc PT-76 bị tiêu diệt, nhưng quân trú phòng không ngăn nổi trận biển người của đối phương. Chết trong trận này gồm hơn 200 binh sĩ Dân Sự Chiến Đấu Việt Nam cùng 10 trong số 24 sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ.
Ngày 9 tháng 2/1968, một tiểu đoàn Bắc Việt tấn công (tiểu đoàn này thuộc Trung Đoàn 101D của Sư Đoàn 325) Đồi 64 do Đại Đội A/1/9 Cọp Biển trấn giữ. Các vị trí phòng thủ trên đồi bị Bắc quân tràn ngập. Trong tình huống nguy cập, các binh sĩ TQLC liên lạc xin phi pháo yểm trợ. Không chút chậm trễ, các khẩu đại bác quanh vùng đều nhắm hướng Đồi 64 và tác xạ. Khi ấy, một lực lượng TQLC khác được lệnh phải đến tiếp viện Đồi 64. Trong 3 tiếng đồng hồ máu lửa này, có 150 bộ đội Bắc Việt chết và 26 binh sĩ Hoa Kỳ tử thương.
Sau trận đánh ở Đồi 64, quân Bắc Việt tạm ngưng các hoạt động để bổ sung quân số. Chiến trường lắng dịu trong hai tuần. Đến 21 tháng 2/1968, căn cứ Khe Sanh lại bị tấn công. Lần này, một đại đội địch quân gây áp lực tại phòng tuyến của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân. Nhưng các binh sĩ Mũ Nâu VNCH đã vững vàng cố thủ. Trận này kết thúc mau lẹ. Đợt tấn công của đối phương đã bị Biệt Động Quân bẻ gảỵ
Hai ngày sau, 23 tháng 2/1968, Bắc quân tập trung pháo binh để phục hận. Một nghìn ba trăm (1,300) quả đạn đủ loại đã được bắn vào Khe Sanh (Tom Carhart: Battles And Campaigns In Vietnam, tr.129). Trận địa pháo 8 tiếng đồng hồ này đã làm nổ tung một kho tồn trữ đạn trong căn cứ, gây thiệt mạng cho 10 quân nhân Hoa Kỳ và 51 người khác bị thương.
Đêm 29 tháng 2, mặt trận vây-hãm Khe Sanh chợt bùng nổ với một trận bộ chiến sau cùng. Chín giờ 30 tối, một tiểu đoàn Cộng quân (thuộc Sư Đoàn 304 CSBV) đánh thẳng vào mặt Đông của Khe Sanh. Đây là khu vực trách nhiệm của các binh sĩ Biệt Động Quân VNCH.
Nhưng sau một màn pháo kích dọn đường, và sau ba lần trận biển-người xung phong, tiểu đoàn Bắc Việt cũng không phá được phòng tuyến thép của lính "rằn rị" Đêm hôm đó, các binh sĩ Biệt Động Quân bình tĩnh chiến đấụ Họ đợi đối phương xung phong đến thật gần rồi mới kha i hỏạ
Lúc đó trong giao thông hào khói lửa mịt mù. Nón sắt, áo giáp, cài kỹ lưỡng. Súng trường M-16 được gắn lưỡi lê (bayonet). Lựu đạn đeo ở bụng, trước ngực, hoặc choàng vaị Băng đạn sát bên người, ở hông và đầy trong túị Khi Bắc quân tấn công, tiểu đoàn Biệt Động Quân chống trã mãnh liệt. Kinh nghiệm chiến đấu và sự gan dạ của họ chính là một trong các yếu tố quan trọng giúp đẩy lui cả 3 lần xung phong của Bắc quân. Ngày hôm sau, một toán Biệt Động Quân vượt hàng rào kiểm điểm tình hình. Họ đếm được 70 xác chết địch quân trên trận địạ
Trong tác phẩm Battles And Campaigns In Vietnam, Tom Carhart có ghi lại một cách ngắn gọn về trận đánh của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân như sau: "Rạng sáng ngày 29 tháng 2/1968, mũi tấn công duy nhất được nhắm vào vòng đai trách nhiệm của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân. Khi Cộng quân xung phong đến gần hàng rào, họ bị lính Mũ Nâu chào đón họ bằng một rừng Claymore (mìn chống cá nhân), lựu đạn và súng cá nhân. Địch quân chẳng qua được hàng rào kẽm gai chằng chịt bên ngoàị Bảy mươi (70) xác chết của họ vì vậy đã được xem như như một công cuộc bại thảm nặng nề."
Trong các tài liệu Anh ngữ nói về trận chiến tại Khe Sanh, hầu như các tác giả và ký giả Hoa Kỳ chỉ ghi nhận mức chịu đựng bền bỉ của người lính Thủy Quân Lục Chiến. Nhưng ít ai biết đến hoặc nhắc nhở gì về sứ mạng phòng thủ của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân. May mắn thay, công trạng của họ đã được Trung Tướng Phillip Davison nhắc đến trong tài liệu Vietnam At War, The History 1946-75": ".. .[Tướng] Giáp tưởng tấn công vào tuyến phòng thủ của Biệt Động Quân VNCH sẽ dễ dàng hơn là đánh vào những nơi có Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trấn giữ, nhưng đây không thể gọi là dễ dàng được bởi vì đơn vị Biệt Động Quân VNCH này chính là một đơn vị thiện chiến rất giỏị"
Trận tấn công vào đêm 29 tháng 2 (cho đến rạng ngày 1 tháng 3) là trận tấn công cuối cùng của quân Bắc Việt vào căn cứ. Ngày 1 tháng 4/1968, chiến dịch giải tỏa Khe Sanh bắt đầụ Cuộc hành quân mệnh danh "PEGASUS" (của Mỹ) và Lam Sơn 207 (của Việt Nam Cộng Hòa) được khởi động với sự tham dự của nhiều đơn vị thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ và Nhảy Dù Nam Việt Nam . Trục tiến quân giải tỏa Khe Sanh được thiết lập dọc theo Quốc Lộ 9.
Vài ngày sau, 8 tháng 4, căn cứ Khe Sanh hoàn toàn được giải tỏạ Giấc mộng tạo dựng một Điện Biên Phủ thứ hai của Võ Nguyên Giáp kể như không thành. Các binh đoàn dưới quyền chỉ huy của ông bị mất từ 10 đến 13,000 bộ độị Nhiều đơn vị bị xóa tên dưới hỏa lực hùng hậu của pháo binh và không yểm.
Sau này, các sách vở về chiến tranh Việt Nam đều có nhiều nhận xét khác nhau về chiến thuật của đôi bên. Một lập luận cho rằng tướng Giáp muốn dụ Hoa Kỳ dồn quân vào Khe Sanh để quân Cộng Sản có thể rãnh tay tấn công các vùng khác. Một lập luận khác lại cho rằng ông Giáp bao vây Khe Sanh với lý do muốn tạo dựng một chiến thắng như Điện Biên để buộc Hoa K ỳ phải nhượng bộ rồi đầu hàng. Trong khi đó, một số tài liệu chiến sử Hoa Kỳ lại nghĩ rằng tướng Westmoreland đã "tương kế tựu kế." Ông mong Cộng quân sẽ tập trung nhiều binh đoàn gần Khe Sanh để ông có thể dùng hỏa lực pháo binh và phi cơ tiêu diệt.
Nhưng lịch sử đã không theo vết xe lăn của Điện Biên Phủ 14 năm về trước. Năm 1968, Hoa Kỳ có đầy đủ phương tiện để phòng thủ, yểm trợ, và tiếp tế Khe Sanh trong 77 ngày, hoặc lâu dài hơn nếu cần thiết. Phía bên kia, Cộng quân đã không chiếm nổi Khe Sanh, mà lại còn bị thiệt mất từ 10 đến 13,000 bộ độị Đó là chưa kể thiệt hại trên các phương diện khác như quân cụ, chiến thuật, cùng hàng ngàn thương binh.
Sunday, June 28, 2009
Hòa Bình Vang Tiếng Súng
I. MẶT TRẬN BẮC HẢI VÂN
Về mặt quân sự, lãnh thỗ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) được chia thành bốn vùng chiến thuật mang số từ 1 đến 4, đến năm 1971 thì được đổi tên lại là quân khu. Quân Khu 1 là khu vực cực Bắc của VNCH, tiếp giáp với Bắc Việt nên là khu vực thường xuyên bị áp lực nặng nề nhất dù là khu vực nhỏ nhất trong 4 quân khu về mặt lãnh thổ. lãnh thổ của Quân Khu 1 bao gồm 5 tỉnh:Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngải chạy dài từ Bắc xuống Nam với hai thành phố quan trọng là Huế và Đà Nẵng. Đà Nẵng trong tỉnh Quảng Nam là thành phố lớn thứ nhì của VNCH, sau thủ đô Saigon và là một trung tâm chính trị, kinh tế quan trọng nhất ở phía Bắc Saigon.
Được thiên nhiên ưu đải với một hải cảng tốt và bờ biển dài và đẹp, Đà Nẵng được chọn là nơi những người lính bộ chiến đầu tiên của Quân Đội Mỹ đặt chân lên đất Việt Nam vào năm 1965. Mỹ đã xây dựng Đà Nẵng thành một căn cứ quân sự lớn gồm có phi trường/căn cứ không quân, hải cảng/căn cứ hải quân và các trung tâm tiếp vận/yểm trợ lớn và hiện đại. Phía Việt Nam Cộng Hòa cũng có các căn cứ không/hải quân lớn ở đây cùng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1, chỉ huy toàn bộ các đơn vị cơ hữu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trên lãnh thổ Quân Khu 1. Huế trong tỉnh Thừa Thiên là cố đô của nước Việt Nam dưới triều đại phong kiến sau cùng của nhà Nguyễn với những di tích lịch sử và văn hóa quan trọng như các cung điện trong Hoàng Thành/Thành Nội và các ngôi chùa nổi tiếng trong thành phố và các lăng tẩm vua ở khu vực ngoại ô thành phố. Không có giá trị quan trọng về quân sự và kinh tế như Đà Nẵng, Huế lại có một giá trị vô cùng quan trọng về mặt chính trị, lịch sử và tâm lý cho chính phủ VNCH. Do đó Huế được coi trọng và phải bảo vệ đến cùng.
Hình chụp sau cuộc chiến trên một khúc đường đèo Hải Vân
(HÌNH ẢNH: Multipurpose).
Về phía Cộng Sản Bắc Việt (CSBV), hai tỉnh địa-đầu Quảng Trị và Thừa Thiên trực thuộc Quân Khu Trị Thiên, bí danh "B-4," và đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của Quân Ủy Trung Ương cùng Bộ Tổng Tư Lệnh ở Hà Nội. Hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam được ngăn cách bởi rặng núi Hải Vân đâm thẳng ra biển Nam Hải tại đèo Hải Vân đẹp nổi tiếng nhưng cũng đầy nguy hiểm. Sự phân chia về địa lý và thời tiết này đã tạo ra hai khu vực/mặt trận quân sự cách biệt ở Quân Khu 1 là Bắc Hải Vân --gồm hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-- và Nam Hải Vân (Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngải). Bài viết sẽ tập trung vào những hoạt động quân sự quan trọng trong khu vực Bắc Hải Vân từ đầu năm 1971 khi Quân Lực VNCH mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 sang Hạ Lào để tiêu diệt hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh cho đến khi thành phố Huế và hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên mất vào tay Cộng Sản trong cuộc tổng tấn công kết thúc cuộc chiến vào mùa xuân năm 1975. Phần đầu tiên sẽ nói về năm 1973, năm đầu tiên sau hiệp định Paris về ngưng bắn và tái lập hòa bình ở Miền Nam Việt Nam, cho đến khi chiến tranh kết thúc vào tháng 4 năm 1975.
TÌNH HÌNH QUÂN SỰ CUỐI NĂM 1972-TRƯỚC NGÀY NGỪNG BẮN
Vào tháng 12 năm 1972 những đàm phán giửa Hoa Kỳ và Bắc Việt tại hội nghị Paris về một giải pháp ngừng bắn và tái lập hòa bình ở Miền Nam Việt Nam đang bước vào giai đoạn căng thẳng quyết định thì trên chiến trường Miền Nam Việt Nam những nổ lực tổng tấn công xâm-lăng của Bắc Việt đã thất bại nặng nề, nhưng phía Quân Lực VNCH cũng thiệt hại không nhỏ. Mực độ chiến trận đã giảm nhiều nhưng vẫn còn những cuộc hành quân lấn chiếm đất đai và dân cư trước khi có cuộc ngưng bắn. Quân đội Bắc Việt mở màn cuộc tổng tấn công Xuân-Hè 1972 trong chiến dịch Nguyễn Huệ ở Quảng Trị thuộc lãnh thổ Quân Khu 1 với 3 sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn bộ đội độc lập, thiết giáp, pháo binh, phòng không và đặc công Việt Cộng tấn công vào thị xã Quảng Trị và thành phố Huế. Đến giai đoạn cuối của chiến dịch này, vào tháng 12 năm 1972, trên lãnh thổ Quân Khu 1, quân đội Bắc Việt có 8 sư đoàn cùng với 5 trung đoàn bộ binh độc lập, 3 trung đoàn thiết giáp, 6 hay 7 trung đoàn pháo binh, ít nhất 4 trung đoàn đặc công của quân chủ lực, yểm trợ bởi 33 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh, phòng không, trinh sát, đặc công thuộc quân địa phương.
Đối phó với một lực lượng hùng hậu dù đã bị tổn thất hết sức nặng nề của Bắc Quân, Quân Lực VNCH có 5 sư đoàn (ba sư đoàn bộ binh cơ hữu của Quân Đoàn 1, tăng cường với 2 sư đoàn tổng trừ bị cơ động chiến lược của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH) cùng với 1 liên đoàn Biệt Ðộng Quân (BĐQ) trừ bị chiến thuật cho quân đoàn và các tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân Biên Phòng và lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân. Theo tổ chức của quân đội Bắc Việt, các hoạt động quân sự phía Bắc đèo Hải Vân do Quân Khu Trị Thiên (Mặt Trận B-4) trông coi từ đèo Hải Vân đến khu vực thị xã Quảng Trị. Phía Bắc thị xã Quảng Trị ra đến vùng Phi Quân Sự và chạy dọc theo Quốc Lộ 9 đến biên giới Lào thuộc mặt trận B-5 trực thuộc Quân Khu 4 của Cộng Sản ở phía Bắc vùng Phi Quân Sự.
BẮC HẢI VÂN, XUÂN 1973
Từ tháng 11 năm 1972, quân đội Việt Nam Cộng Hòa dùng 2 lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) đánh vào khu vực tỉnh lộ 560 chạy song song bờ biển Nam Hải lên đến Cửa Việt nhưng gặp sự kháng cự mạnh mẽ của Bắc quân và mùa mưa khởi đầu vào tháng 12 nên không chiếm được mục tiêu quan trọng là Cửa Việt. Trải dài từ bờ biển Nam Hải dọc theo sông Thạch Hãn vào tận trong khu vực rừng núi phía Tây của Quốc Lộ 1 là các đơn vị của 4 sư đoàn Bắc Việt (304, 312, 320B, 325) cùng 2 trung đoàn độc lập của mặt trận B-5. Sư Đoàn 308 Bắc Việt sau tổn thất nặng nề đã trở về Miền Bắc để phục hồi và trở về vị trí tổng trừ bị chiến lược. Bắc Quân bố trí hai trung đoàn ở khu vực dọc theo bờ biển Nam Hải (Trung Đoàn 101 của Sư Ðoàn 325 và Trung Đoàn 48B của Sư Ðoàn 320B).
Giữa khu vực này và thị xã Quảng Trị là ba trung đoàn khác (Trung Đoàn 27 và 31 độc lập của B-5 và Trung Đoàn 18 của Sư Ðoàn 325). Và lực lượng này được yểm trợ bởi Trung Đoàn 164 Pháo Binh. Thị xã Quảng Trị được quân đội Việt Nam Cộng Hòa chiếm lại ngày 16 tháng 09/1972 sau một chiến dịch hành quân ác liệt. Sau đó thị xã này được trấn giữ bởi một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Ở hướng Tây và Tây-Nam thị xã Quảng Trị, về hướng tỉnh lộ 556 do sư đoàn Nhảy Dù VNCH đảm trách. Lực lượng Nhảy Dù đã lấy lại các căn cứ Anne và Barbara vào tháng 12 năm 1972. Đối diện với Nhảy Dù là các đơn vị Bắc Việt sau đây:
Trung Đoàn 95 của Sư Ðoàn 325, Trung Đoàn 165 và 209 của Sư Ðoàn 312 và Trung Đoàn 66 của Sư Ðoàn 304. Bảo vệ cố đô Huế và Quốc Lộ 1 ở phía Tây, Sư Đoàn 1 Bộ Binh (BB) dàn quân từ sông Bồ kéo dài qua khu vực Phú Bài, Phú Lộc xuống đến Lăng Cô và chân đèo Hải Vân. Trung Đoàn 3 đóng ở căn cứ T-Bone, bảo vệ tuyến sông Bồ.
Trung Đoàn 1 đóng ở các căn cứ Veghel và Bastogne, bảo vệ Huế ở hướng tỉnh lộ 547 phía Tây.
Trung Đoàn 51 đóng ở Phú Bài, bảo vệ an ninh cho Quốc Lộ cho đến chân đèo Hải Vân.
Trung Đoàn 54 đóng quân trên các ngọn đồi phía Tây và Tây-Nam khu vực Phú Bài-Phú Lộc. Đối diện với Sư Ðoàn 1 Bộ Binh của Việt Nam Cộng Hòa là Sư Ðoàn 324B CSBV với 3 trung đoàn (29, 803, và 812) cùng 2 trung đoàn độc lập (5 và 6) của Mặt Trận B-4. Để tiện việc chỉ huy các lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở khu vực Bắc Hải Vân, Trung Tướng Ngô Quan Trưởng cho thành lập bộ chỉ huy tiền phương Quân Đoàn 1 ở Huế, do Trung Tướng Lâm Quang Thi, tư Lệnh phó Quân Ðoàn 1 chỉ huy.
Phi Trường Phú Bài (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm)
Về phía Bắc Việt, trước ngày ký kết hiệp định được ít ngày cũng có những thay đổi quan trọng ở cấp chỉ huy. Thiếu Tướng Cộng Sản Lê Trọng Tấn làm tư lệnh Quân Khu Trị Thiên thay Trần Quí Hai, Trung Tướng Song Hào làm chính ủy. Các Đại Tá Cao Văn Khánh, Doãn Tuế và Hoàng Văn Thái vẩn giữ chức phó tư lệnh trong khi các Đại Tá Lê Tự Đồng và Hoàng Minh Thi là phó chính ủy. Các đơn vị Bắc Việt đều bị thiệt hại nặng, chỉ còn 20 đến 30 phần trăm quân số, chưa kịp bổ sung. Khi hiệp định ngừng bắn có hiệu lực thì Bắc Quân có Sư Đoàn 312 ở hướng Tây đang giằng co với Sư Đoàn Nhảy Dù ở khu vực Ðộng Ông Do Ở cánh Đông ra hướng biển Nam Hải, Bắc Việt bố trí các sư đoàn 304, 320B, 325 và Trung Đoàn 27 độc lập của Mặt Trận B-4.
TÌNH HÌNH SÁU THÁNG ÐẦU NĂM 1973 Ở QUÂN KHU 1
Khi hiệp định ngừng bắn và tái lập hòa bình ở Miền Nam Việt Nam được ký kết tại Paris vào cuối tháng Giêng năm 1973 thì trên phần đất Trị-Thiên, bộ đội Bắc Việt đã chiếm được khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị kéo dài từ vùng Phi Quân Sự xuống đến sông Thạch Hãn cũng như khu vực rừng núi phía Tây từ dãy núi Trường Sơn vào tận biên giới Việt-Lào. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát hoàn toàn khu vực đồng bằng nhỏ hẹp nhưng trù phú, đông dân chạy dài từ sông Thạch Hãn đến Lăng Cô ở chân đèo Hải Vân. Khu vực này bao gồm 13 quận (3 thuộc tỉnh Quảng Trị và 10 thuộc tỉnh Thừa Thiên) với 960 ngàn dân (trong đó 202 ngàn dân ở tỉnh Quảng Trị).
Bắc Việt đã chuẩn bị cho Sư Đoàn 320B tấn công vào khu vực Chợ Sãi để mở rộng vùng kiểm soát. Tuy nhiên khi nhận được tin tình báo cho biết quân đội Việt Nam Cộng Hòa sắp mở một cuộc hành quân tái chiếm khu vực Cửa Việt thì Mặt Trận B-4 liền hủy bỏ cuộc hành quân vào Chợ Sãi để chuẩn bị đối phó. TRẬN ÐÁNH CỬA VIỆT Sau khi tái chiếm lại thị xã Quảng Trị và Cổ Thành, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến lần lượt sử dụng Tiểu Đoàn 8, 9 và 4 TQLC đánh vào khu vực tỉnh lộ 560 chạy song song bờ biển Nam Hải lên đến Cửa Việt nhưng gặp sự kháng cự mạnh mẽ của Bắc quân dưới sự yểm trợ dữ dội của các giàn pháo binh 130 ly và mùa mưa khởi đầu vào tháng 12 nên không chiếm được mục tiêu quan trọng là Cửa Việt.
Trong một nỗ lực cuối cùng để chiếm mục tiêu chiến lược quan trọng là Cửa Việt, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến thành lập một lực lượng đặc nhiệm mang tên Tango. Lực lượng này do Đại Tá Nguyễn Thành Trí, tư lệnh phó sư đoàn, trực tiếp chỉ huy gồm có Tiểu Đoàn 2 và 4 TQLC, tăng cường một đại đội của Tiểu Đoàn 5 TQLC và 3 đại đội của Tiểu Đoàn 9 TQLC, Thiết Đoàn 20 Chiến Xa, Thiết Đoàn 17 và 18 Kỵ Binh và được ba tiểu đoàn pháo binh TQLC cùng pháo hạm của Hạm Đội 7 Mỹ yểm trợ đã đánh vào khu vực Long Quang, Bồ Xuyên và tiến dọc theo bờ biển về hướng Thanh Hội, Gia Đẳng, Cửa Việt. Mục tiêu chính của Việt Nam Cộng Hòa là tái chiếm lại căn cứ Hải Quân ở cửa sông Miếu Giang đổ ra biển Nam Hải, cách tuyến đầu của Thủy Quân Lục Chiến khoảng 12 km và cắm cờ VNCH ngay trước giờ ngưng bắn. Khác với chiến dịch tái chiếm tỉnh Quảng Trị và đặc biệt là Thành Cổ Quảng Trị đẫm máu và lâu dài, cuộc hành quân này được thiết kế áp dụng lối đánh thần tốc để chiếm mục tiêu trong vòng 25 giờ đồng hồ.
Khi ấy lực lượng Cộng Sản Bắc Việt ở cánh Đông gồm có Trung Đoàn 48 và 64 của Sư Đoàn 320B ở khu vực Long Quang, An Lộng, Bồ Liên,Văn Hoa, Trung Đoàn 101 của Sư Đoàn 325 ở khu vực Gia Đẳng. Lực lượng trừ bị ở phía sau gồm Trung Đoàn 88 và 102 của Sư Đoàn 308 và Trung Đoàn 52 của Sư Đoàn 320B. Bộ chỉ huy Mặt Trận B-4 cho tăng cường một đại đội chiến xa T-54, một tiểu đoàn pháo binh 85 ly chống chiến xa và một tiểu đoàn hỏa tiển chống chiến xa AT-3 Sagger. Khoảng 7 giờ sáng ngày 27 tháng 1, lúc thủy triều xuống, gió bấc mưa phùn và ồn ào sóng biển, cùng với sự yểm trợ hữu hiệu của pháo binh gồm 10 ngàn quả đạn, thêm 9 phi vụ B-52 và 5 ngàn đạn hải pháo của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ từ ngoài khơi bắn vào, quân đội Việt Nam Cộng Hòa tiến quân dọc theo bờ biển về hướng Cửa Việt.
Các chốt phòng thủ của Bắc Việt lần lượt bị nhổ, nhưng sức kháng cự của họ cũng còn mạnh. Đến khoảng 8 giờ tối ngày này thì quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã tiến được nửa đường, và một số đơn vị đã bị tổn thất khá nặng, khoảng trên dưới 20 chiến xa và thiết vận xa của bị hư hại. Đại Tá Trí cho hai lực lượng Cọp Biển và Thiết Giáp liên kết đánh nhanh theo hướng sát biển mà không cần yểm trợ bảo vệ ở cánh trái từ hướng đất liền. Do tập trung vào tuyến phòng thủ chánh phía trong đất liền, Bắc quân bị bất ngờ, vì đúng 7 giờ 58 phút sáng ngày 28 tháng 1, hai phút trước khi hiệp định ngừng bắn có hiệu lực thì mũi nhọn đột kích với khoảng 300 lính Cọp Biển được 3 chiến xa M-48 yểm trợ do Thiếu Tá Phạm Văn Tiền, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 4 TQLC, chỉ huy đã chọc thủng tuyến phòng ngự phía Đông và cắm cờ ngay cảng Cửa Việt, bắt loa kêu gọi ngừng bắn.
Các cấp chỉ huy Bắc Việt ở mặt trận (thuộc Sư Đoàn 320B CSBV) đã tỏ ra lúng túng, đánh thì sợ vi phạm hiệp định, không đánh thì bị mất đất, nên phải điện lên cấp trên xin chỉ thị giải quyết . Do vị trí quan trọng chiến lược trong việc chi viện cho chiến trường Trị Thiên của cảng Cửa Việt và Đông Hà, đã xảy ra những ngày căng thẳng ở bộ chỉ huy tối cao Cộng Sản ở Hà Nội khiến các cấp lãnh đạo không "yên tâm ăn Tết." Quân Ủy Trung Ương sau cùng phải cử Thiếu Tướng Lê Trọng Tấn, tổng tham mưu phó vào tận Quảng Trị ra lệnh cho Đại Tá Cao Văn Khánh, phó tư lệnh Mặt Trận Quảng Trị, xuống tận Cửa Việt với chỉ thị phải tấn công để lấy lại ngay. Đêm 28 tháng 1 các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến tập trung ở ba cứ điểm phòng thủ về phía Nam cảng Cửa Việt, Đông Bắc của Thanh Hội và Nam của Long Quảng. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa được lệnh chuẩn bị nhận tiếp tế, tải thương và canh phòng cẩn mật để chờ cho Ủy Ban Kiểm Soát Ngưng Bắn đến ghi nhận. Suốt ba đêm từ 28 đến 30 tháng 1, bộ chỉ huy quân Bắc Việt do Cao Văn Khánh chỉ huy điều động lực lượng và hoàn chỉnh đội hình để tấn công cảng Cửa Việt. Sáng ngày 31 tháng 1 Bắc quân dùng Trung Đoàn 48 của Sư Đoàn 320B và Trung Đoàn 101 của Sư Đoàn 325, tăng cường thêm Trung Đoàn 24 của Sư Đoàn 304 được chiến xa và pháo binh yểm trợ tấn công chiếm lại Cửa Việt. Cao Văn Khánh tổ chức ba hướng tấn công:
1. Hướng chận đầu do Trung Đoàn 48 của Sư Đoàn 320B và một bộ phận Hải Quân CSBV đang tiếp thu Cửa Việt bảo vệ không cho các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến VNCH mở rộng khu vực chiếm đóng.
2. Hướng khóa đuôi do Trung Đoàn 64 của Sư Đoàn 320B tăng cường 2 tiểu đoàn (một từ Trung Đoàn 24 và một từ Trung Đoàn 101) bố trí ở Vĩnh Hòa, vừa đánh các đơn vị Cọp Biển-Thiết Kỵ từ Thanh Hội lên tăng cường, vứa chận các đơn vị Cọp Biển-Thiết Kỵ từ Cửa Việt rút về.
3. Hướng tấn công do Trung Đoàn 101 của Sư Đoàn 325, Trung Đoàn 24 (thiếu 1 tiểu đoàn) của Sư Đoàn 304, tăng cường hai tiểu đoàn của mặt trận B-5 tấn công vào các cụm phòng thủ của liên quân Thủy Quân Lục Chiến-Thiết Giáp ở khu vực Cửa Việt.
Sau 30 phút bắn pháo mở màn từ 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng, Bắc quân ào ạt tấn công và đến trưa ngày này đã khôi phục lại vị trí phòng ngự khu vực Cửa Việt. Bị bao vây cả ba mặt trừ phía sau lưng trông ra biển, thiếu nước uống, đạn dược cũng như cần tải thương, không dám sử dụng hỏa lực yểm trợ của phi pháo do sợ vi phạm hiệp định, các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Giáp phải mở đường máu rút trở về vị trí xuất phát với đơn vị Thiết Giáp bị thiệt hại trên 2/3 số chiến xa tham chiến. Thường Vụ Quân Ủy Trung Ương thở phào nhẹ nhõm và gởi thơ khen ngợi việc chiếm lại cảng Cửa Việt, chấm dứt chiến dịch tấn công chiến lược 1972 ở hướng Quảng Trị. Phía Việt Nam Cộng Hòa, dù Lực Lượng Đặc Nhiệm Tango đã linh động khôn ngoan trong việc đột kích theo hướng sát bờ biển để cắm cờ trên căn cứ hải quân tại cửa biển chiến lược Cửa Việt ngay trước giờ ngưng bắn khiến Sư Đoàn 320B không kịp phản công, do sự thiếu sót trong công tác yểm trợ cũng như phán đoán sai lầm về thời gian có mặt lập tức của Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ngưng Bắn khiến Bắc quân có nhiều thời gian chuẩn bị phản công.
# Tuy nhiên phía Việt Nam Cộng Hòa sau đó đã có cơ hội phục hận ở Sa Huỳnh. Với thành tích trong trận đánh Cửa Việt, các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa tham chiến sau đây đã được tuyên dương công trạng với U.S. Valorous Unit Award của Hoa Kỳ: Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến
# Lực Lượng Đặc Nhiệm Tango (Sư Đoàn TQLC và Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh)
# Tiểu Đoàn 2,4 và 9 Thủy Quân Lục Chiến
# Bộ chỉ huy Thiết Đoàn 20 Chiến Xa, Chi Đoàn 1/20 và 3/20 Chiến Xa
# Chi Đoàn 1/17 và 2/17 Kỵ Binh
# Chi Đoàn 2/18 Kỵ Binh
Sau khi hiệp định ngừng bắn có hiệu lực được ít ngày, Bắc Việt cho sát nhập hai chiến trường B-4 và B-5 lại thành một, gọi là Quân Khu Trị-Thiên, bí danh B-4. Thiếu Tướng Cộng Sản Cao Văn Khánh trở thành tư lệnh Mặt Trận B-4, Đại Tá Lê Tự Đồng là chính ủy trong khi Đại Tá Hoàng Văn Thái là tư Lệnh phó và Đại Tá Nguyễn Hữu An là tư Lệnh phó kiêm tham mưu trưởng. Lực lượng chủ lực của Bắc Quân gồm Sư Đoàn 304, 324B và 325 bố trí ở khu vực Bắc Quảng Trị cùng với các trung đoàn độc lập 4, 5, 6, và 271 của Quân Khu Trị-Thiên bố trí ở phía Tây Huế ở hướng Đường 12 và các lực lượng yểm trợ như Lữ Đoàn 164 Pháo Binh, Lữ Đoàn 219 Công Binh, Lữ Đoàn 203 Thiết Giáp.
Các sư đoàn tổng trừ bị 308, 312, và 320B được đưa vào từ Lào và Miền Bắc để tham gia cuộc tổng tấn công đã được rút về Miền Bắc để dưỡng quân và hồi phục sau những tổn thất nặng nề. Phía quân đội Việt Nam Cộng Hòa có Sư Đoàn 1 BB và hai sư đoàn tổng trừ bị cơ động chiến lược Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến tăng viện từ Bộ Tổng Tham Mưu /Quân Lực VNCH cùng các đơn vị cơ hữu của Quân Ðoàn 1 như Biệt Động Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh, Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân, v.v. Phía Bắc Việt, chủ yếu là hoạt động cũng cố và bảo vệ các vùng đất đã chiếm được trong chiến dịch Nguyễn Huệ vào mùa hè 1972, đặc biệt là thị trấn Đông Hà trở thành một trung tâm tiếp vận lớn cùng với cảng Cửa Việt.
Bắc Việt cũng bắt đầu xây dựng con đường chiến lược mới Đông Trường Sơn chạy dài từ khu vực Khe Sanh xuống khu vực Tân Cảnh-Dakto nối vào Quốc Lộ 14 xuống tận Lộc Ninh cũng như những nhánh đường mòn tiếp-vận chạy dài từ khu vực rừng núi phía Tây các tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam ra hướng đồng bằng duyên hải để cắt đứt Quốc Lộ 1 và cô lập Huế và Đà Nẵng trong nổ lực tổng tấn công sắp đến. Phía quân đội Việt Nam Cộng Hòa chủ yếu là bảo vệ các vị trí quân sự quan trọng, khu vực đồng bằng duyên hải và các trung tâm đô thị, các khu vực tái định cư cho đồng bào Quảng Trị chạy nạn chiến tranh, và duy trì lưu thông liên lạc trên Quốc Lộ 1 huyết mạch chạy xuyên qua Quân Khu 1 dọc theo Biển Nam Hải.
NHẬN ÐỊNH TÌNH HÌNH SÁU THÁNG CUỐI NĂM 1973 Ở QUÂN KHU 1
Trong sáu tháng cuối năm 1973, Bắc Việt tập trung nổ lực tái xây dựng lực lượng chiến đấu và mở rộng đường vận chuyển cùng các kho tiếp vận. Mức độ chiến trận thấp do các đường vận chuyển và kho tiếp vận của Bắc Quân ở phía Tây không bị quân đội Việt Nam Cộng Hòa quấy rối. Quân Cộng Sản tiếp tục xây dựng các công cuộc tiếp-vận để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công mới mà không cần che đậy và tăng cường lực lượng phòng không để ngăn chận nổ lực trinh sát trên không trung của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân Ðoàn 1, cũng thay đổi kế hoạch phòng thủ với Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến bảo vệ hướng Bắc tiếp giáp với Miền Bắc ở tỉnh Quảng Trị. Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến được tăng cường Trung Đoàn 51 của Sư Đoàn 1 BB bảo vệ phía Tây Quốc Lộ 1 thay thế Sư Đoàn Nhảy Dù. Sư Đoàn Nhảy Dù bảo vệ khu vực trọng yếu Cổ Bi-cầu An Lỗ. Sư Đoàn 1 BB đảm nhiệm khu vực phía Tây và Nam Huế chạy dài đến đèo Hải Vân. Sư Đoàn 3 Bộ Binh bảo vệ tỉnh Quảng Nam bao gồm thành phố Đà Nẵng và phía Bắc tỉnh Quảng Tín tại khu vực thung lũng Quế Sơn trong khi Sư Đoàn 2 Bộ Binh trách nhiệm từ phía Nam thung lũng Quế Sơn đến biên giới tỉnh Bình Định thuộc Quân Khu 2.
Hình chụp từ trực thăng UH-1 nhìn xuống căn cứ Cửa Việt. Ngày 28 tháng 1 năm 1973, lúc 7 giờ 58 phút sáng một lực lượng gồm 300 lính Cọp Biển VNCH đã chọc thủng phòng tuyến đối phương và sau đó cắm cờ ngay cảng Cửa Việt. Nhưng sau đó, ngày 31 tháng 1, hai trung đoàn Bắc Việt có chiến xa và pháo binh yểm trợ đã mở cuộc tấn công và dành lại căn cứ này. (HÌNH ẢNH: Herman W. Hughes)
Khu vực trách nhiệm của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, nơi diễn ra trận đánh đẩm máu nhất trong chiến cuộc Việt Nam trong năm 1972, là khu vực yên tỉnh và ổn định nhất ở Quân Khu 1, nếu không nói là trên cả nước Việt Nam Cộng Hòa. Tiếng súng đã yên tỉnh từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1973 và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ngoài Trung Đoàn 51 của Sư Đoàn 1 BB còn kiểm soát 6 tiểu đoàn Địa Phương Quân và 12 đại đội Nghĩa Quân của tỉnh Quảng Trị, cùng Thiết Đoàn 18 Kỵ Binh và một chi đoàn chiến xa M-48.
ChuẩnTướng Bùi Thế Lân, tư lệnh Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến , cho đóng xen kẻ các đơn vị TQLC với các đơn vị Ðịa Phương Quân Quảng Trị trong các vị trí phòng thủ. Cuối năm 1973, Tướng Lân nhận Liên Đoàn 15 BĐQ ra thay cho Trung Đoàn 51 Bộ Binh trở về lại Sư Đoàn 1. Tình hình yên tĩnh trong khu vực trách nhiệm cho phép Tướng Lân giữ một lữ đoàn làm trừ bị sư đoàn và các tiểu đoàn thay phiên về khu vực hậu cứ ở Thủ Đức nghĩ hai tuần dưỡng quân và thăm viếng gia đình. Mặc dầu phải trú quân và liên tục đối diện với kẻ thù Cộng Sản ở Quảng Trị từ đầu năm 1971, tinh thần chiến đấu của Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến được Phòng Tùy Viên Quân Sự Mỹ ở Việt Nam (Defense Attache’s Office-DAO) đánh giá là cao nhất trong toàn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Khu vực trọng yếu nhất bảo vệ Huế là cầu An Lỗ bắc ngang qua sông Bồ, cách Huế 15 km về phía Bắc bởì nếu khu vực này bị Bắc quân chiếm, Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến sẽ bị cắt đứt ở Quảng Trị với lãnh thổ còn lại của miền Nam Việt Nam. Do đó sư đoàn Nhảy Dù được giao trách nhiệm phòng thủ khu vực này, tăng cường hai tiểu đoàn Địa Phương Quân, một chi đoàn chiến xa M-48 và một chi đoàn thiết vận xa M-113.
Từ tháng 5 năm 1972 khi toàn bộ Sư Đoàn Nhảy Dù được điều ra Quảng Trị để chuẩn bị phản công cho đến tháng Giêng năm 1974, sư đoàn đã bị thiệt hại 2 ngàn 900 chết, 12 ngàn bị thương và 300 mất tích. Với quân số khả dụng chỉ có 13 ngàn 500, có thể nói hầu hết các cấp chỉ huy tài ba cũng như những chiến binh dày dạn kinh nghiệm chiến trường đều đã chết hay bị thương. Các đơn vị Nhảy Dù vì vậy có nhiều tân binh hay sĩ quan chưa dầy dạn kinh nghiệm chiến trường. Đến cuối năm 1973, tinh thần chiến đấu cao cũng như truyền thống anh dũng của binh chủng này bị phần nào giảm bớt khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Miền Nam Việt Nam làm đời sống người lính và gia đình, vốn đã khốn khổ, càng thêm bi đát. Phẩm chất của lính và sĩ quan mới ngày càng suy giảm cũng như số lượng bổ sung không đủ trám vào những tổn thất chiến trận.
Tuy có khó khăn, Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, vẫn duy trì hai tiểu đoàn làm trừ bị sư đoàn. Khu vực trách nhiệm của Sư Đoàn 1 BB bị áp lực nặng và Trung Đoàn 3 phải rút bỏ hai cứ điểm vào cuối tháng 7 và bốn vị trí dọc sông Bồ vào cuối tháng 8. Một loạt các cứ điểm dọc theo Ngoc Ke Trai lọt vào tay quân Bắc Việt trong tháng 11 đã làm mệt mỏi tinh thần chiến đấu của lính cũng như yếu kém trong vấn đề chỉ huy ở Sư Đoàn 1 BB. Sư đoàn này rất lừng danh và đã từng được nhiều niềm ngưỡng mộ. Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, tư lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, phải cho tăng cường một tiểu đoàn củaTrung Đoàn 1 và một tiểu đoàn của Trung Đoàn 51 vào khu vực trách nhiệm của Trung Đoàn 3 ở tuyến sông Bồ.
Chỉ đến sau khi Trung Tướng Ngô Quang Trưởng thay Tướng Thân bằng Đại tá Nguyễn Văn Điềm vào ngày 31 tháng 10/1973 thì phòng tuyến mới ổn định. Tuy nhiên Đại tá Điềm cũng không cải thiện được nhiều về sự suy giảm về tinh thần của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, do vượt ngoài khả năng của ông mặc dầu ông đã phục vụ lâu dài ở đơn vị này. Sư Đoàn 1 BB phải bảo vệ một khu vực trải dài theo Quốc Lộ 1 luôn luôn bị áp lực nặng của Bắc quân cũng như thời tiết khắc nghiệt và ảnh hưởng của những cơn mưa bảo triền miên. Sự thiếu hụt về tiếp tế cho các vị trí tiền đồn trên miền rừng núi cộng với điều kiện sinh sống ngày càng khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế làm quyết tâm chiến đấu của người lính bị hao mòn dần.
Trung Đoàn 54 giữ khu vực núi Mõ Tàu và các vị trí quan trọng ở sông Tả Trạch, qua quận Phú Lộc đến tận chân đèo Hải Vân. Núi Bạch Mã với độ cao 1,448 mét ở Phú Lộc là một vị trí lý tưởng để khống chế Quốc Lộ 1 và cắt đứt hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên với lãnh thổ còn lại của miền Nam Việt Nam. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa duy trì một cứ điểm ở đỉnh núi do hai đại đội Địa Phương Quân trú đóng, tiếp tế bằng trực thăng nhưng khi bị sương mù hay mưa lớn thì phải tiếp tế khổ cực bằng chân. Tháng 9 năm 1973 Bắc Quân tấn công và chiếm cao điểm này.
-------
II. MẶT TRẬN NAM HẢI VÂN
Khu vực Nam Hải Vân ở Quân Khu 1 của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bao gồm ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng, nơi đặt bộ tư lệnh Quân Đoàn 1/Quân Khu 1 do Trung Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy từ mùa hè 1972. Đà Nẵng cũng có một căn cứ không quân, hải quân và tiếp vận/yểm trợ to lớn do Quân Đội Hoa Kỳ xây dựng và để lại cùng với bộ tư lệnh của Sư Đoàn 3 Bộ Binh (BB), Sư Đoàn 1 Không Quân (KQ) và Hải Quân (HQ) Vùng 1 Duyên Hải. Với dân số 600,000 người, Đà Nẵng là thành phố lớn thứ nhì của Việt Nam Cộng Hòa với tầm quan trọng chỉ kém thủ đô Sàigòn. Ngoài Đà Nẵng, Quân Đội Mỹ cũng xây dựng mới một căn cứ quân sự lớn nằm sát biển Nam Hải trong tỉnh Quảng Tín ở giữa Tam Kỳ và ranh giới với Quảng Ngãi đặt tên là Chu Lai.
Trước năm 1972, lực lượng đồng minh trấn đóng trong khu vực này gồm có Sư Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ, Sư Đoàn 23 BB Mỹ (Americal) và Lữ Đoàn 2 TQLC Đại Hàn (Thanh Long) trong khi Quân Lực VNCH có Trung Đoàn 51 biệt lập chịu trách nhiệm Biệt Khu Quảng Đà và Sư Đoàn 2 BB chịu trách nhiệm toàn bộ khu vực còn lạI với bộ chỉ huy sư đoàn ở căn cứ Chu Lai cùng vớI Thiết Đoàn 4 Kỵ Binh, Trung Đoàn 5 hoạt động gần HộI An (Quảng Nam), Trung Đoàn 6 tạI căn cứ Artillery Hill (Quảng Tín) và Trung Đoàn 4 tạI căn cứ Bronco (Quảng Ngãi). Do vùng trách nhiệm rộng lớn, Sư Đoàn 2 BB cũng được trợ lực bởi 6 tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân (BĐQ) Biên Phòng. Sau khi lực lượng đồng minh triệt thoái và Trung Đoàn 51 biệt lập tăng cường cho Sư Đoàn 1 BB bảo vệ phía tây Huế, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa ở phía nam đèo Hải Vân bị yếu đi, không kể Sư Đoàn 2 BB là một trong các sư đoàn chủ lực yếu kém của VNCH. Tuy nhiên quân đội vẫn duy trì một mức độ kiểm soát an ninh vừa phải, được yểm trợ bởi một số phi vụ oanh kích chiến lược B-52 liên tục đánh xuống một vài mục tiêu chọn lọc.
Đèo Hải Vân, tháng 10 năm 2005, với bảng giao thông trên đường (HÌNH ẢNH: Christina Kelsey).
Sau khi Sư Đoàn 3 BB tân lập bị tan hàng ở Quảng Trị trong mùa hè 1972, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 cho tái xây dựng lại ở Trung Tâm Huấn Luyện (TTHL) Hòa Cầm và giao cho trách nhiệm phòng giữ tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, dưới sự chỉ huy của vị tư lệnh mới là Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh, nguyên là tư lệnh Biệt Khu Quảng Đà và Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 1. Về phía Bắc Việt, khu vực Nam Hải Vân cùng với khu vực duyên hải Trung Phần của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn và Khánh Hòa thuộc quyền chỉ huy của Quân Khu 5 (bí danh B-1) với bộ chỉ huy thường nằm ở khu vực Hiệp Đức ở tận cùng của thung lũng Quế Sơn phân chia hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín.
Thiếu Tướng Chu Huy Mân là tư lệnh (Mân sau lên đại tướng và nắm chức Chính Ủy Toàn Quân), Võ Chí Công là chính ủy (Công sau làm chủ tịch nước Việt Nam Cộng Sản) và Đại Tá Đoàn Khuê là phó chính ủy (Khuê sau lên tướng giữ chức Tư Lệnh Quân Khu 5 rồi leo lên đến chức đại tướng và giữ chức Bộ Trưởng Quốc Phòng). Quân Khu 5 Cộng Sản có hai đại đơn vị chủ lực là Sư Đoàn 2 và 3 Bắc Việt. Sư Đoàn 2 hoạt động trong khu vực rừng núi phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, và Quảng Ngãi từ hậu cứ trong khu vực Hiệp Đức trong khi Sư Đoàn 3 (còn được gọi là sư đoàn "Sao Vàng") hoạt động ở phía nam Quảng Ngãi và Bình Định từ hậu cứ ở mật khu An Lão. Cuối năm 1971, để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Xuân-Hè 1972 (chiến dịch Nguyễn Huệ của Cộng Sản Bắc Việt), Quân Khu 5 Cộng sản cho thành lập Sư Đoàn 711 với 3 trung đoàn bộ binh gồm 31, 38 và 270 cùng Trung Đoàn 572 Pháo Binh-Thiết Giáp yểm trợ.
Trong cuộc tổng tấn công này, Sư Đoàn 2 Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) di chuyển vào khu vực Tam Biên (biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Cam Bốt) để hỗ trợ cho Mặt Trận Tây Nguyên (bí danh B-3) trong trận đánh Kontum. Bị thiệt hại nặng nề, đơn vị này rút về hậu cứ ở khu vực Hiệp Đức để dưỡng quân và tái xây dựng. Để trả công cho mặt trận B-1, mặt trận B-3 cũng gởi theo Trung Đoàn 52 của Sư Đoàn 320 về hoạt động trong tỉnh Quảng Ngãi. Sư Đoàn 3 CSBV, nổi tiếng với biệt danh Sao Vàng và hoạt động từ hậu cứ trong mật khu An Lão, tấn công và chiếm đóng ba quận Hoài Ân, Hoài Nhơn và Tam Quan ở phía bắc tỉnh Bình Định.
Sau khi tan hàng ở Tân Cảnh, Sư Đoàn 22 BB được tái xây dựng lại và sau đó đã cùng Biệt Ðộng Quân tái chiếm lại ba quận trên, gây thiệt hại nặng cho Sư Đoàn 3 Sao Vàng. Mặt Trận B-1 cũng cho Sư Đoàn 711 được Trung Đoàn 572 Pháo Binh-Thiết Giáp yểm trợ tiến chiếm các quận lỵ Quế Sơn, Tiên Phước và Ba Tơ và gây áp lực nặng lên khu vực Mộ Đức và Đức Phổ trong tỉnh Quảng Ngãi. Đơn vị này sau đó đã bị thiệt hại nặng khi Quân Đoàn 1 dùng Sư Đoàn 2 và 3 BB cùng Biệt Ðộng Quân tái chiếm lại các vùng đất bị mất ở khu vực Nam Hải Vân.
TÌNH HÌNH QUÂN SỰ CUỐI NĂM 1972
Phối hợp với các mặt trận khác trong cuộc tổng tấn công Xuân-Hè 1972, và để giảm bớt áp lực của Quân Lực VNCH trong nổ lực tái chiếm lại thị xã Quảng Trị trong khu vực Bắc Hải Vân, Quân Khu 5 Cộng Sản cho Sư Đoàn 711 với Trung Đoàn 572 Pháo Binh-Thiết Giáp yểm trợ mở nhiều cuộc tấn công mạnh mẽ vào thung lũng Quế Sơn, tiến chiếm các quận lỵ Hiệp Đức, Quế Sơn và Tiên Phước. Bị mất ba quận lỵ trong khu vực trách nhiệm của mình, Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp xin từ chức dù Sư Đoàn 2 BB sau đó đã tái chiếm lại quận lỵ Quế Sơn và “người hùng An Lộc” Đại Tá Trần Văn Nhựt ra nắm chức tư lệnh Sư Đoàn 2 BB vào ngày 28 tháng 8/1972 khiến khả năng chiến đấu của đơn vị này cải thiện nhiều so với lúc trước.
Khi này Trung Đoàn 5 và 6 của Sư Đoàn 2 BB bị thiệt hại nặng trong các trận đánh với Sư Đoàn 711 Bắc Việt (sau khi chiếm Quế Sơn đang lấn ra quận Duy Xuyên để uy hiếp Đà Nẵng), đang được bổ sung quân số bằng cách đôn quân từ lực lượng Ðịa Phương Quân/Nghĩa Quân trong hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi. Trung Đoàn 4 tăng cường cho Sư Đoàn Nhảy Dù ở mặt trận Quảng Trị vừa trở về. Đổi lại Sư Đoàn 2 BB được tăng cường với Trung Đoàn 2 của Sư Đoàn 3 BB để đảm nhiệm phần lãnh thổ trách nhiệm chạy dài 150 km theo Quốc Lộ 1 đến biên giới tỉnh Bình Định của Quân Khu 2.
Cuối tháng Chín, Trung Đoàn 5 vào tăng cường cho Tiểu Đoàn 77 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng nhưng vẫn không giữ được Tiên Phước. Đại Tá Nhựt cho mở các cuộc hành quân để lấy lại thế chủ động và giải tỏa áp lực địch trong khu vực trách nhiệm, tập trung vào tỉnh Quảng Ngãi nơi Sư Đoàn 2 CSBV và Trung Đoàn 52 của Sư Đoàn 320 vừa chuyển về từ mặt trận Kontum. Đầu tiên là hành quân tái chiếm Tiên Phước với Trung Đoàn 6 tăng cường Trung Đoàn 2 từ Sư Đoàn 3 BB. Sau đó Sư Đoàn 2 BB cho Trung Đoàn 4 và 5 BB tăng cường Liên Đoàn 2 BĐQ và Tiểu Đoàn 78 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng, được Thiết Đoàn 4 Kỵ Binh yểm trợ mở cuộc hành quân giải tỏa Mộ Đức và Đức Phổ đang bị áp lực của Trung Đoàn 52 và Sư Đoàn 3 Sao Vàng.
Sau thắng lợi Tiên Phước, Trung Đoàn 6 và Liên Đoàn 1 BĐQ mở cuộc hành quân giải tỏa khu vực bán đảo Ba Làng An với ngôi làng Mỹ Lai nổi tiếng. Trung Đoàn 5 cố gắng trái chiếm lại Ba Tơ do Trung Đoàn 52 CSBV giữ nhưng không thành công. Sau khi Sư Đoàn 3 BB tân lập bị tan hàng ở Quảng Trị trong mùa hè 1972, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 cho tái xây dựng lại ở Trung Tâm Huấn Luyện Hòa Cầm và giao cho trách nhiệm phòng giữ tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là ở hướng tây nam qua ngã thung lũng Quế Sơn và quận Đức Dục nơi mà Sư Đoàn 711 Bắc Việt đã cố chiếm được các mục tiêu quan trọng đặt phi trường và thành phố Đà Nẵng trong tầm pháo.
Sư Đoàn 3 BB dùng Trung Đoàn 2 tăng cường Trung Đoàn 6 của Sư Đoàn 2 BB sau đó đã tái chiếm lại Tiên Phước, lấy lại tinh thần và niềm tin sau cuộc triệt thoái cay đắng khỏi Quảng Trị. Sư Đoàn 3 BB cũng tiến dần vào khu vực Hiệp Đức với căn cứ Ross là vị trí tiền đồn sâu nhất trong thung lũng Quế Sơn. Do thành quả này, Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh là tư lệnh sư đoàn duy nhất của Quân Lực VNCH được thăng cấp Thiếu Tướng trong năm 1973 và Sư Đoàn 3 BB được Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH đánh giá là một trong những sư đoàn khá nhất của quân đội..
Từ hậu cứ ở Hiệp Đức, Sư Đoàn 711 Bắc Việt dàn quân trên các sườn núi hai bên thung lũng để chờ cơ hội tiến ra khu vực đồng bằng duyên hải. Cuối năm 1972 Sư Đoàn 3 BB mở cuộc hành quân tấn công vào khu vực căn cứ địa của Quân Khu 5 Cộng Sản ở Hiệp Đức và tiến khá sâu nên Trung Tướng Ngô Quang Trưởng khai thác thuận lợi này, cho tăng cường Trung Đoàn 51 từ Sư Đoàn 1 BB vào ngày 03 tháng 1/1973. Chuẩn Tướng Hinh dùng Trung Đoàn 51 để tấn công vào khu vực căn cứ West ở đồi 1460 bảo vệ Hiệp Đức từ phía đông trong khi Trung Đoàn 2 kiểm soát tỉnh lộ 534 dẫn vào Hiệp Đức.
Tuy nhiên đến cuối tháng Giêng năm 1973, Sư Đoàn 3 BB phải hủy bỏ cuộc hành quân này để rút về yểm trợ cho các đơn vị Ðịa Phương Quân/Nghĩa Quân giải tỏa các cuộc hành quân “dành dân lấn đất” trước ngày ngưng bắn trong các khu vực phía tây và tây nam Đà Nẵng trong các quận Hiếu Đức, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đức Dục và Quế Sơn. Mặc dầu chỉ có hai sư đoàn bộ binh tương đối yếu cùng các đơn vị BĐQ Biên Phòng và Ðịa Phương Quân/Nghĩa Quân, Quân Lực VNCH vẫn có thể bảo vệ các trung tâm dân cư chính cũng như Quốc Lộ 1 huyết mạch chạy dọc theo bờ biển Nam Hải do các đơn vị Bắc quân không hùng hậu như ở phía bắc đèo Hải Vân và cả hai đơn vị chủ lực chính, Sư Đoàn 2 và 711, đều bị thiệt hại nặng nề.
TÌNH HÌNH QUÂN SỰ SAU NGÀY NGƯNG BẮN
Trong chiến dịch “dành dân, lấn đất,” quân Bắc Việt cho các đơn vị địa phương tấn công vào các quận lỵ, thôn xóm cũng như cắt đứt các trục giao thông liên lạc trên khắp khu vực Nam Hải Vân và pháo kích hỏa tiển vào Đà Nẵng. Tuy nhiên Quân Lực VNCH sau đó đã kịp thời mở các cuộc hành quân giải tỏa lấy lại được hầu hết các khu vực bị tạm chiếm cũng như gây thiệt hại nặng cho các đơn vị Bắc quân. Lúc ấy, ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra một trận đánh quan trọng trong giai đoạn ngừng bắn.
TRẬN ĐÁNH SA HUỲNH
Sa Huỳnh là một làng chài lưới và làm muối biển với 3,000 cư dân nằm ở phía nam quận Đức Phổ trên Quốc Lộ 1 tiếp giáp với tỉnh Bình Định thuộc lãnh thổ Quân Khu 2 do một tiểu đoàn Ðịa Phương Quân của tỉnh Quảng Ngãi bảo vệ. Do đây là một cửa khẩu quan trọng trên Quốc Lộ 1 huyết mạch nối liền hai quân khu cực bắc của Việt Nam Cộng Hòa nên Quân Khu 5 Cộng Sản đã chuẩn bị đánh chiếm để gây bất lợi về cả quân sự lẩn chính trị cho chính phủ VNCH. Mặt Trận B-1 sử dụng Trung Đoàn 141 tăng cường một tiểu đoàn của Trung Đoàn 1 từ Sư Đoàn 2 CSBV tấn công Sa Huỳnh từ hướng bắc trong khi hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 12 từ Sư Đoàn 3 Sao Vàng trong tỉnh Bình Định tấn công từ phía nam vào ngày 27 tháng 1/1973.
Bị sáu tiểu đoàn Bắc quân tràn ngập, đơn vị Ðịa Phương Quân rút về cố thủ trong một cứ điểm cuối cùng trước khi thất thủ vào ngày hôm sau. Quốc Lộ 1 bị cắt đứt từ phía nam quận Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi trong lãnh thổ Quân Khu 1 đến phía bắc quận Tam Quan của tỉnh Bình Định trong lãnh thổ Quân Khu 2. Do vị trí chiến lược quan trọng của Sa Huỳnh và để trả đủa hành vi xâm phạm hiệp định ngưng bắn ở Cửa Việt ở khu vực Bắc Hải Vân, Sư Đoàn 2 BB cho mở cuộc hành quân tái chiếm lại Sa Huỳnh.
Một ngôi làng gần cửa biển Sa Huỳnh (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm).
Trung Đoàn 5 BB từ Quảng Tín vào đánh giải tỏa nhưng không thành công. Quân Khu 5 Cộng Sản cho tăng cường một tiểu đoàn phòng không và một đại đội hỏa tiển AT-3 (hỏa tiển chống chiến xa) yểm trợ cho sáu tiểu đoàn Bắc quân “đóng chốt” trên sườn núi và giữa Quốc Lộ 1 và bờ biển. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng phải cho tăng cường Liên Đoàn 1 BĐQ từ mặt trận Quảng Trị di chuyển vào Mộ Đức rồi tiến về Sa Huỳnh theo Quốc Lộ 1, thanh toán các mục tiêu dọc theo bờ biển trong khi Trung Đoàn 5 tiến chiếm các mục tiêu trên sườn núi. Quân Lực VNCH tiến rất chậm do địa thế hiểm trở trong khi Bắc quân “đóng chốt” trong các công sự phòng thủ kiên cố. Các đơn vị VNCH phải áp dụng chiến thuật đánh chốt ban đêm cũng như chặn đường liên lạc, tiếp tế và tải thương của Bắc quân ở phía sau.
Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt cũng cho thi hành các hoạt động nghi binh như cho Trung Đoàn 4 BB ra vẻ chuẩn bị tái chiếm Ba Tơ để cầm chân Trung Đoàn 52 CSBV, không cho tăng viện cho Sa Huỳnh đồng thời cho quân vận hạm của Hải Quân VNCH chở binh sĩ với thiết vận xa M-113 chạy sát bờ biển và cho bắn phá vào khu vực này như sắp mở cuộc hành quân đổ bộ để thu hút Bắc quân ra hướng bờ biển. Tướng Nhựt cũng gởi các toán viễn thám vào sâu phía sau để báo cáo các hoạt động tăng viện cho Sa Huỳnh từ hướng mật khu An Lão trong tỉnh Bình Định của Sư Đoàn 3 Sao Vàng để cho quân đội VNCH dùng hỏa lực phi pháo tiêu diệt. Ngày 16 tháng 2 tướng Nhựt cho Trung Đoàn 4 BB được Thiết Đoàn 4 Kỵ Binh yểm trợ đánh thẳng vào dứt điểm Sa Huỳnh. Bắc quân cố chống trả nhưng cuối cùng phải rút bỏ để lại trên 600 xác.
TÌNH HÌNH MẶT TRẬN NAM HẢI VÂN SAU NGÀY NGỪNG BẮN
Khi hiệp định ngừng bắn Paris có hiệu lực thì tương tự như khu vực Bắc Hải Vân, phía CSBV kiểm soát được khu vực rừng núi thưa dân ở phía tây bao gồm quận lỵ Ba Tơ trong tỉnh Quảng Ngãi trong khi phía Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát khu vực đồng bằng duyên hải nhỏ hẹp đông dân chạy dài từ đèo Hải Vân đến biên giới tỉnh Bình Định thuộc Quân Khu 2 bao gồm khu vực đồng bằng lớn nhất Miền Trung xung quanh thành phố Đà Nẵng. Quân Lực VNCH cũng duy trì các tiền đồn nằm sâu trong các khu vực rừng núi ở phía tây do Bắc quân kiểm soát như Thượng Đức, Đức Dục (Quảng Nam), Tiên Phước, Hậu Đức (Quảng Tín), Gia Vực, Minh Long (Quảng Ngãi). Sau trận đánh Sa Huỳnh, tình hình quân sự tương đối yên tỉnh so với ba quân khu khác và an ninh ở miền quê ổn định đến mức dân cư chạy nạn chiến tranh trong mùa hè 1972 đã trở về xây dựng lại cuộc sống mớI dưới sự bảo vệ của Quân Lực VNCH.
Giữa năm 1973 do bị thiệt hại nặng nề, Quân Khu 5 Cộng Sản cho giải tán Sư Đoàn 711 và Trung Đoàn 270 của sư đoàn này. Trung Đoàn 31 và 38 sát nhập qua Sư Đoàn 2 CSBV trong khi các đơn vị còn lại được sát nhập vào Trung Đoàn 52 để hình thành Lữ Đoàn 52, hoạt động trong khu vực Quảng Ngãi. Được bổ sung chiến xa, đại pháo và súng phòng không từ Miền Bắc trong nổ lực tái xây dựng lực lượng chiến đấu trong Miền Nam bị thiệt hại nặng nề sau cuộc tổng tấn công Xuân-Hè 1972 và vi phạm trắng trợn hiệp định ngừng bắn, Quân Khu 5 cho thành lập Trung Đoàn 571 Thiết Giáp, Trung Đoàn 572 Pháo Binh và Trung Đoàn 573 Phòng Không là lực lượng yểm trợ chiến đấu chính của quân khu từ Trung Đoàn 572 Thiết Giáp-Phòng Không cũ.
Hình chụp vào mùa hè năm 1973 tại một ngôi làng nằm gần và về hướng tây Saigon. Vài người lính VNCH cùng một ông lão trong làng đang xem bản tin trên nhật báo nói về Hiệp Ðịnh Paris, một hiệp định đình chiến được ký kết giữa ba quốc gia để mang "hòa bình" đến trên toàn lãnh thổ Việt Nam. (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm).
Sư Đoàn 3 BB do Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh chỉ huy chịu trách nhiệm tỉnh Quảng Nam bao gồm thành phố Đà Nẵng cho đến thung lũng Quế Sơn ngay ranh giới Quảng Tín. Tình hình ổn định cho phép tướng Hinh giữ toàn bộ Trung Đoàn 2 làm trừ bị sư đoàn trong khi Trung Đoàn 56 đóng ở phía nam quận Đại Lộc và phía bắc quận Đức Dục và Trung Đoàn 57đóng ở thung lũng Quế Sơn, mỗi trung đoàn giữ một tiểu đoàn là trừ bị trung đoàn. Tướng Hinh, một trong các tư lệnh sư đoàn hữu hiệu nhất của Quân Lực VNCH, tin tưởng rằng đơn vị ông có thể bảo vệ được Đà Nẵng.
Trong khu vực 9 quận của tỉnh Quảng Nam, quân đội kiểm soát khu vực đồng bằng xung quanh Đà Nẵng nhưng 5 quận lỵ vẫn nằm trong tầm bắn của đại pháo 130 ly của quân Bắc Việt, đáng lo ngại nhất là Thượng Đức và Đức Dục nằm xa nhất về hướng Tây và Tây-Nam Ở phía nam, Sư Đoàn 2 BB dưới sự chỉ huy của Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt đã phải gánh nhiệm một trọng trách nặng nề và khó khăn là bảo vệ 150 km của Quốc Lộ 1 với nhiều cầu cống qua hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi cùng khu vực đồng bằng duyên hải và các trung tâm dân cư dọc theo quốc lộ này, không kể vị trí chiến lược Sa Huỳnh tiếp giáp với Quân Khu 2.
Tướng Trưởng vì vậy thường tăng cường một hay hai liên đoàn Biệt Ðộng Quân trong khu vực hành quân của tướng Nhựt. Sau thắng lợi Sa Huỳnh, tướng Nhựt cho Sư Đoàn 2 BB và BĐQ yểm trợ cho các đơn vị Ðịa Phương Quân/Nghĩa Quân mở các cuộc hành quân giải tỏa ở phía tây Quốc Lộ 1để mở rộng khu vực an ninh hoạt động cũng như cắt đứt các đường tiếp tế của Bắc quân và cô lập họ với nguồn lương thực cũng như nhân lực cho công tác tuyển quân ở khu vực đồng bằng.
Trung Đoàn 4 được giao cho nhiệm vụ quan trọng bảo vệ Sa Huỳnh và quận Đức Phổ. Trung Đoàn 5 hoạt động trong khu vực Mộ Đức trong khi Liên Đoàn 11 BĐQ dưới quyền chỉ huy hành quân của tướng Nhựt hoạt động trong quận Sơn Tịnh phía bắc thị xã Quảng Ngãi. Trung Đoàn 6 chịu trách nhiệm từ bộ tư lệnh sư đoàn ở Chu Lai đến phía bắc Tam Kỳ. Ngoài các hoạt động quấy phá như giật sập cầu trên Quốc Lộ 1 hay tấn công các thôn xóm hẻo lánh vào ban đêm, Bắc quân tập trung nổ lực tái xây dựng lại lực lượng chiến đấu, các căn cứ tiếp vận cũng như con đường chiến lược mới Đông Trường Sơn nối liền từ thung lũng A Shau xuống Bến Giang trong tỉnh Quảng Nam để nối vào Quốc Lộ 14, chuẩn bị chờ thời cơ để tiến chiếm Miền Nam.
III. TỪ THẤT SƠN ÐẾN ÐỒNG THÁP ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG:
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, còn gọi là Miền Tây, là viên ngọc quí của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Những cánh đồng lúa bạt ngàn và những vườn cây ăn trái xum xuê do phù sa của hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang bồi đấp cùng một hệ thống 4,800 km (2,982 miles) sông, rạch, kinh đào chằng chịt là vựa lúa của VNCH, cung cấp gần 75% nhu cầu thực phẩm của cả nước. Hơn phân nửa dân số toàn quốc (khoảng 9 triệu người) sống đông đúc trong khu vực này, thuộc lãnh thổ Quân Khu 4, là nguồn nhân lực chính cho công tác tuyển quân. Khu vực này do đó có vai trò vô cùng trọng yếu về kinh tế và quân sự, ảnh hưởng đến sự sống còn của Miền Nam Việt Nam.
Giao thông bằng thủy lộ do đó có vai trò vô cùng quan trọng ở khu vực này và việc kiểm soát các thủy lộ này, chận đứng nổ lực tiếp tế liên lạc và vận chuyển lương thực của Cộng Sản là một trong những mục tiêu chính của chính phủ VNCH trong chiến trận ở Miền Tây. Quân Khu 4 cũng có một biên giới dài giáp với Cam Bốt, chạy dài từ Hà Tiên sát vịnh Thái Lan đến khu vực Mỏ Vẹt (Parrot’s Beak) giáp với tỉnh Hậu Nghĩa của Quân Khu 3. Từ Hà Tiên đến thị xã Châu Đốc có bảy ngọn núi nhỏ nhô lên khống chế khu vực đồng bằng xung quanh từ Tịnh Biên đến Tri Tôn, bao gồm núi Sam nổi tiếng gần thị xã Châu Đốc với Chùa Bà và ngày hội lớn hằng năm. Khu vực bảy ngọn núi này do đó còn có tên là Thất Sơn. Trong khu vực này Quân Lực VNCH cũng có Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Chi Lăng, đảm trách việc huấn luyện cho các đơn vị Quân Lực VNCH ở Quân Khu 4.
Sông nước Vĩnh Long, nơi đóng quân của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh VNCH
(HÌNH ẢNH: Daniel Guip)
Từ Tân Châu đến khu vực Mỏ Vẹt là khu vực Đồng Tháp bao la, đồng lầy ngập nước vào mùa mưa như một biển hồ, có nơi sâu đến 4, 5 mét khiến tàu bè là phương tiện di chuyển đi lại duy nhất. Khu vực biên giới này do đó đã được Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) xây dựng thành một khu vực căn cứ địa (nối liền với hệ thống căn cứ địa trên đất Cam Bốt và hệ thống đường vận chuyển tiếp tế Sihanouk từ cảng Sihanoukville hay Kompong Som) và hành lang xâm nhập và tiếp tế cho cả khu vực Tiền Giang (chủ yếu là Định Tường và Kiến Hòa) lẫn Hậu Giang (chủ yếu là Chương Thiện và U Minh). Quốc Lộ 4 huyết mạch chạy dài qua Miền Tây và hai con sông lớn Tiền Giang và Hậu Giang nối liền thủ đô Saigon và Cà Mau là mạch máu kinh tế của Miền Nam và là trọng điểm an ninh của VNCH ở Miền Tây.
Quân Khu 4 bao gồm 16 tỉnh: Định Tường, Gò Công, Kiến Hòa, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Sa Đéc, Kiến Phong, Kiến Tường, An Giang, Châu Đốc, Kiên Giang, Phong Dinh, Ba Xuyên, Chương Thiện, Bạc Liêu và An Xuyên. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4/Quân Khu 4 đặt ở Cần Thơ, thành phố lớn nhất Miền Tây bên bờ sông Hậu Giang, còn được biết với tên Tây Đô. Cần Thơ cũng có phi trường Trà Nóc, căn cứ không yểm chính của Miền Tây và là Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Không Quân. Ở Bình Thủy cũng có Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Sông Ngòi và căn cứ hải quân. Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn 4 từ mùa hè 1972, thay thế Trung Tướng Ngô Quang Trưởng ra chỉ huy Quân Đoàn 1 sau khi tỉnh Quảng Trị mất vào tay CSBV trong cuộc tổng tấn công Xuân Hè 1972.
Tướng Nghi, nguyên là tư lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh (BB), tiếp tục truyền thống của sư đoàn hoàng gia này, từng được chỉ huy bởi Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, thủ tướng chính phủ và Trung Tướng Đặng Văn Quang, cố vấn an ninh và quân sự cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tướng Nghi đã chứng tỏ tài chỉ huy cấp quân đoàn hiệu quả trong giai đoạn 1972-73 nhưng Sư Đoàn 21 BB từ vị trí sư đoàn thiện chiến nhất trong thập niên 1960 trở thành sư đoàn yếu kém nhất trong thập niên 1970 ở chiến trường Miền Tây.
NHỮNG CHIẾN SĨ SÌNH LẦY
Quân Đoàn 4, chỉ huy toàn bộ các đơn vị Quân Lực VNCH trên lãnh thổ Quân Khu 4, với Sư Đoàn 7, 9 và 21 BB cùng Liên Đoàn 4 Biệt Ðộng Quân (BĐQ) là đơn vị trừ bị chiến thuật, yểm trợ bởi 200,000 lính Ðịa Phương Quân (ĐPQ) và Nghĩa Quân (NQ). Do lính ĐPQ và NQ được tuyển mộ để phục vụ ở địa phương, với dân số gần phân nửa dân số toàn quốc, lực lượng ĐPQ/NQ của Quân Khu 4 chiếm gần phân nửa quân số của lực lượng ĐPQ/NQ toàn quốc và đông gấp 3 lần lực lượng ĐPQ/NQ ở Quân Khu 2 cũng như gấp đôi lực lượng này ở Quân Khu 1 và 3.
Tổ chức thành 144 tiểu đoàn và 125 đại đội độc lập trú đóng trong 3,400 cứ điểm, lực lượng này đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực bình định, giữ gìn an ninh cho các thôn xóm, đồng ruộng và vườn tược, hệ thống giao thông liên lạc rộng khắp cả trên bộ lẫn dưới nước, đặc biệt là hằng ngàn cây cầu lớn nhỏ bắt qua hệ thống sông rạch, kinh đào chằng chịt của Miền Tây. Sinh ra và lớn lên ở địa phương, người lính ĐPQ/NQ rất quen thuộc với địa hình phong thổ trong khu vực hoạt động cũng như chiến thuật du kích, mìn bẫy của cộng quân.
Tuy nhiên hầu hết các đơn vị đều bị thiếu hụt quân số, đặc biệt là sĩ quan chỉ huy do phải hành quân thường xuyên và nạn lính ma lính kiểng. Sau khi phải rút bỏ 97 cứ điểm và mất 193 cái khác sau các cuộc đột kích của cộng quân trong năm 1973 ở Quân Khu 4, Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM) Quân Lực VNCH và tướng Nghi, tư lệnh Quân Đoàn 4, cho rút bỏ các tiền đồn xa xôi, hẻo lánh, bị cô lập và khó tiếp tế cũng như gia tăng tính cơ động cho các tiểu đoàn ĐPQ để gia tăng hiệu quả chiến đãu và giảm thiệt hại. (Để biết rõ hơn về cuộc chiến đãu thầm lặng nhưng dai dẳng của những người lính ĐPQ/NQ ở Miền Tây, xin xem bài Viết Về Người Lính Địa Phương Quân của Nguyễn Hữu Nghĩa).
Trong thập niên 1960, ba tiểu đoàn BĐQ mang số 42,43 và 44 của Liên Đoàn 4 BĐQ và một số đơn vị của Sư Đoàn 21 BB đã tạo nhiều chiến công hiển hách ở Miền Tây, tạo nên huyền thoại về những chiến sĩ sình lầy và những cấp chỉ huy tài ba như Lưu Trọng Kiệt, Hồ Ngọc Cẩn, Lê Minh Đảo, Lê Văn Hưng. Riêng Tiểu Đoàn 42 BĐQ do Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt (nguyên là Đại Đội Trưởng Đại Đội 21 Trinh Sát) chỉ huy nổi tiếng dưới danh hiệu Cọp Ba Đầu Rằn, đã được hai lần tuyên dương công trạng của Tổng Thống Hoa Kỳ (Presidential Unit Citation) cũng như Tiểu Đoàn 44 BĐQ cũng được tuyên dương công trạng này một lần.
Đầu năm 1968, cũng để giảm bớt gánh nặng cho ba sư đoàn chủ lực của Quân Lực VNCH hoạt động ở Quân Khu 4, Biệt Khu 44 được hình thành để bảo vệ khu vực biên giới với Cam Bốt, kéo dài từ Hà Tiên trong tỉnh Kiên Giang đến khu vực Mỏ Vẹt ngay biên giới Kiến Tường-Long An, bao gồm các tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong, Châu Đốc, và khu vực biên giới của tỉnh Kiên Giang, với Bộ Tư Lệnh ở thị xã Cao Lãnh. Đơn vị chiến đãu chính của Biệt Khu 44 là Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh, sử dụng Liên Đoàn 4 BĐQ, 8 tiểu đoàn BĐQ Biên Phòng và 5 thiết đoàn kỵ binh của Quân Đoàn 4. Từ sau cuộc hành quân vượt biên sang Cam Bốt trong năm 1970 đến cuộc tổng tấn công Xuân-Hè 1972 của Cộng Sản Bắc Việt, Biệt Khu 44 duy trì hai căn cứ tiền phương trên đất Cam Bốt ở Neak Luong và Kompong Trach, do các đơn vị Biệt Ðộng Quân giữ để bảo vệ khu vực biên giới.
Lãnh thổ của Quân Khu 4 được phân chia trách nhiệm cho 3 sư đoàn chủ lực. Sư Đoàn 7 BB với bộ tư lệnh ở căn cứ Đồng Tâm gần thị xã Mỹ Tho, chịu trách nhiệm các tỉnh Định Tường, Gò Công và Kiến Hòa. Sư Đoàn 9 BB với bộ tư lệnh ở Sa Đéc, sau dời về Vĩnh Long, chịu trách nhiệm các tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Sa Đéc, An Giang và một phần tỉnh Kiên Giang, bao gồm thị xã Rạch Giá. Sư Đoàn 21 BB với bộ tư lệnh ở Bạc Liêu, chịu trách nhiệm các tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, và An Xuyên. Các thiết đoàn kỵ binh của binh chủng Thiết Giáp ở Miền Tây đều chỉ trang bị với thiết vận xa M-113 do chiến xa M-41 và M-48 không thích hợp với địa hình sình lầy ngập nước.
Sư Đoàn 4 Không Quân với hai phi trường lớn ở Trà Nóc (Cần Thơ) và Sóc Trăng cung cấp các hoạt động không yểm. Do địa thế bờ biển dài với hai đảo Phú Quốc và Côn Sơn cùng với hệ thống sông rạch và kinh đào đan kín cả Miền Tây, Hải Quân VNCH có sự hiện diện mạnh mẽ ở Quân Khu 4 với Vùng 4 và Vùng 5 Duyên Hải và Vùng 4 Sông Ngòi để bảo vệ các thủy lộ và khu vực bờ biển, ngăn chận các hoạt động liên lạc tiếp tế của cộng quân cũng như yểm trợ cho các đơn vị bạn trên bờ. Vùng 4 Sông Ngòi với Bộ Tư Lệnh ở Cần Thơ chỉ huy 7 giang đoàn xung phong trú đóng ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ và Long Xuyên cùng các đơn vị yểm trợ.
Ngoài ra còn có sự tăng cường của ba lực lượng đặc nhiệm (LLÐN) hải quân là Lực Lượng Đặc Nhiệm 211 (Thủy Bộ), Lực Lượng Đặc Nhiệm 212 (Tuần Thám) và Lực Lượng Đặc Nhiệm 214 (Trung Ương). Lực Lượng Đặc Nhiệm 212 (Tuần Thám) với Bộ Tư Lệnh ở Châu Đốc chỉ huy 14 giang đoàn tuần thám bảo vệ khu vực sông rạch dọc theo biên giới Việt Nam-Cam Bốt. Lực Lượng Đặc Nhiệm 214 (Trung Ương) với Bộ Tư Lệnh ở căn cứ Đồng Tâm chỉ huy các giang đoàn ngăn chận. Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ thường kết hợp các giang đoàn xung phong yểm trợ cho các đơn vị bộ chiến trong các cuộc hành quân truy lùng Cộng Sản trên các vùng sông rạch và kinh đào.
Đầu năm 1974 các lực lượng đặc nhiệm ở Quân Khu 4 được sát nhập lại thành Hạm Đội Đặc Nhiệm 21 do Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng chỉ huy tổng cộng 362 tàu đủ loại, hoạt động từ 17 căn cứ trên khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tướng Thăng cũng chỉ huy đơn vị Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi. Vùng 4 Duyên Hải với Bộ Tư Lệnh ở căn cứ An Thới trên đảo Phú Quốc chịu trách nhiệm từ biên giới lãnh hải với Cam Bốt đến mũi Cà Mau với 26 tàu tuần trên biển trong khi Vùng 5 Duyên Hải với Bộ Tư Lệnh ở Năm Căn (Cà Mau) chịu trách nhiệm dọc theo bờ biển từ mũi Cà Mau đến khu vực biển Gò Công và Cần Giờ (Long An) với 27 tàu tuần biển.
Theo tổ chức của quân đội Cộng Sản Bắc Việt, khu vực đồng bằng sông Cửu Long bao gồm luôn tỉnh Long An trực thuộc Mặt Trận Nam Bộ (hoặc Mặt Trận "B-2") với Quân Khu 8 trông coi khu vực Tiền Giang và Quân Khu 9 trông coi khu vực Hậu Giang. Sau khi được thăng vượt hai cấp cùng với Đồng Sỹ Nguyên trong kỳ thăng cấp cho các sĩ quan cao cấp toàn quân vào đầu năm 1974, Trung Tướng Lê Đức Anh giữ chức Tư Lệnh Quân Khu 9 kiêm Phó Tư Lệnh Mặt Trận B-2 trong khi Võ Văn Kiệt là Chính Ủy.
Ở Quân Khu 8, Thiếu Tướng Đồng Văn Cống là tư lệnh trong khi Thiếu Tướng Lê Văn Tưởng là Chính Ủy. Trừ khu vực núi Thất Sơn ở khu vực Hà Tiên-Châu Đốc và khu vực đầm lầy ngập nước U Minh (chạy dài từ Rạch Giá qua Chương Thiện xuống đến Cà Mau) và Đồng Tháp Mười giáp với biên giới Cam Bốt, toàn bộ lãnh thổ còn lại là khu vực đồng bằng phì nhiêu nối liền nhau bởi một hệ thống thủy lộ rộng khắp và dầy đặc với phong cảnh vẫn còn mang nét đồng quê, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến tranh du kích theo kiểu Cộng Sản.
Trừ các khu vực căn cứ địa đã được xây dựng trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất như U Minh và Đồng Tháp là nơi các trung đoàn chủ lực trú đóng, các đơn vị du kích Cộng Sản thường phân tán thành các đơn vị nhỏ cấp tiểu đoàn trở xuống để tiện việc cơ động cũng như phân tán khi bị rượt đánh. Quân đội Bắc Việt có 11 trung đoàn chủ lực hoạt động ở Miền Tây trước giai đoạn ngừng bắn. Trung Đoàn 18B, 95A, D1 và D2 hoạt động trong khu vực U Minh Thượng-Chương Thiện trong khi Trung Đoàn 24, 88, và Đồng Tháp 1 hoạt động trong khu vực Định Tường, Trung Đoàn 320 hoạt động trong tỉnh Long An và Trung Đoàn Z-15 và Z-18 hoạt động trong khu vực Kiến Tường.
Trung Đoàn D-3 hoạt động trong khu vực ranh giới hai tỉnh Vĩnh Long và Vĩnh Bình. Các đơn vị cộng quân thường được trang bị nhẹ và được yểm trợ chủ yếu bằng đại bác không giật (DKZ) và súng cối. Du kích Cộng Sản cũng sống lẫn vào dân, hoạt động tiếp cận với các viên chức chính quyền và người lính VNCH để dò la tin tức, tiếp tay cho các hoạt động đặc công, khủng bố, phá hoại. Đặc biệt là ở các vùng xôi đậu (vùng tranh chấp giữa hai bên VNCH và Cộng Sản) phe VNCH kiểm soát ban ngày nhưng phe CSBV kiểm soát vào ban đêm khiến người dân phải chịu nhiều áp lực từ cả hai phía.
Quân Khu 4 do đó trở thành trọng điểm cho nổ lực dành dân, tuyển quân và thu mua lương thực của CSBV và nổ lực bình định và tuyển quân của VNCH. Mặc dầu chiến lược của Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận B-2 cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long thay đổi thường xuyên, cuối năm 1969, Quân Ủy Trung Ương và Bộ Chính Trị Đảng CSVN xác định vai trò quan trọng chiến lược của khu vực này, cũng như chiến trường quan trọng ảnh hưởng đến kết thúc cuộc chiến. Sau đó Sư Đoàn 1 CSBV đang hoạt động ở khu vực Tây Nguyên đã di chuyển vào Nam và hoạt động dọc theo khu vực Hà Tiên-Thất Sơn từ khu vực căn cứ địa trên đất Cam Bốt.
Sư đoàn này cũng phân tán các đơn vị trực thuộc, xâm nhập vào các căn cứ địa ở Miền Tây để tiếp tay cho các trung đoàn và tiểu đoàn chủ lực địa phương. Về phía VNCH, khu vực đồng bằng sông Cửu Long trở thành trọng điểm của nổ lực bình định của liên quân VNCH và Hoa Kỳ sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Trước đó lực lượng bộ chiến Mỹ và các nước Đồng Minh tập trung hoạt động ở ba quân khu phía trên trong khi Quân Khu 4 do địa hình phong thổ và vấn đề xã hội-lịch sử, hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Việt Nam Cộng Hòa.
"Những Chiến Sĩ Sình Lầy" đang hành quân trên sông ngòi miền Nam
(HÌNH ẢNH: Fritz Degner)
Sư Đoàn 9 BB Hoa Kỳ với hai lữ đoàn di chuyển xuống hoạt động trong các tỉnh Long An, Định Tường và Kiến Hòa. Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn cũng di chuyển từ Long Thành xuống Đồng Tâm cùng lúc với sự hình thành Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy bộ (Mobile Riverine Force), cùng với các toán biệt kích SEAL của Hải Quân Mỹ hoạt động trong khu vực Rừng Sát phía nam thủ đô Saigon và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Ghi chú tác giả: Cựu thương nghị sĩ và thống đốc tiểu bang Nebraska ở Hoa Kỳ, ông Bob Kerrey từng là sĩ quan SEAL hoạt động trong khu vực này cũng như dọc theo duyên hải Việt Nam, từng bị chấn thương nặng ngoài khơi Nha Trang trong năm 1969, phải cưa chân và được ân thưởng huy chương cao quí nhất cho quân nhân Mỹ trong chiến đãu Congressional Medal of Honor.
Ông Kerrey cũng bị đề cập trong vụ tai tiếng về thảm sát thường dân ủng hộ Cộng Sản ở tỉnh Kiến Hòa trước đó cũng vào dịp đầu năm 1969). Một căn cứ quân sự lớn lao được xây dựng mới ở phía tây thị xã Mỹ Tho, nằm dọc theo sông Tiền Giang và Kinh Xáng nối ra Quốc Lộ 4, đặt tên là Đồng Tâm. Liên kết Lực Lượng Xung Kích Sông Ngòi (Riverine Assault Force) 117 của Hải Quân Hoa Kỳ và Lữ Đoàn 2 của Sư Đoàn 9 BB Hoa Kỳ, lực lượng này cơ động nhanh chóng trên hệ thống sông rạch, kinh đào chằng chịt ở Miền Tây từ một căn cứ nổi tự hành to lớn, phối hợp hoạt động với các đơn vị của Quân Lực VNCH như Sư Đoàn 7 và 21 BB, Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi và Lữ Đoàn B TQLC Việt Nam tăng phái từ BTTM Quân Lực VNCH. (Ghi chú tác giả: Thượng nghị sĩ John Kerry của tiểu bang Massachusetts, và cũng là đương kim ứng viên tổng thống năm 2004 của đảng Dân Chủ, từng chỉ huy duyên tốc đỉnh PCF hoạt động trong khu vực Năm Căn (Cà Mau) và An Thới (Phú Quốc) trước khi hồi hương và tham gia phong trào phản chiến). S
au khi quân đội Mỹ triệt thoái, để thay thế LLĐN Thủy Bộ Mỹ, Quân Lực VNCH cho thành lập Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ 211 bao gồm các giang đoàn xung phong của Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi và Lữ Đoàn B TQLC do Đại Tá Tôn Thất Soạn chỉ huy, hoạt động cho đến cuối năm 1970, bao gồm chiến dịch vượt biên sang Cam Bốt trong lãnh thổ Quân Khu 4. Tương tự như ở ba quân khu phía trên, Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ cũng thành lập một loạt các trại dân sự chiến đãu dọc theo biên giới Cam Bốt ở Quân Khu 4, từ Hà Tiên đến Đồng Tháp. Các căn cứ Tô Châu, Thạnh Trị, Tuyên Nhơn, Cái Cái, Bình Thành Thôn, Chi Lăng, Ba Xoài và Vinh Gia sau đó đã được chuyển giao lại cho Quân Lực VNCH, hình thành tám tiểu đoàn BĐQ Biên Phòng, dưới quyền chỉ huy của Biệt Khu 44.
THẤT SƠN
Khu vực Thất Sơn bao gồm bảy ngọn núi nhỏ với nhiều hang động nhô lên ngay biên giới Cam Bốt từ Tịnh Biên đến Tri Tôn, khống chế một khu vực đồng bằng rộng lớn của hai tỉnh Châu Đốc và Kiên Giang. Từ lâu Cộng Sản Bắc Việt đã xây dựng các căn cứ địa cùng kho tiếp vận trong các hang núi này. Sư Đoàn 1 CSBV từ khi di chuyển xuống đây từ khu vực Tây Nguyên vào cuối năm 1970 đã hoạt động trong khu vực này để yểm trợ cho hành lang tiếp tế và việc thu mua lương thực của CSBV từ khu vực căn cứ địa trên đất Cam Bốt qua các hệ thống thủy lộ trong tỉnh Châu Đốc và Kiên Giang xuống khu vực căn cứ địa của Quân Khu 9 Cộng Sản trong khu vực U Minh và tỉnh Chương Thiện.
Sau ngày ngưng bắn, Việt Nam Cộng Hòa cho thực hiện hoạt động phong tỏa việc tiếp tế thu mua lúa gạo ở khu vực biên giới. Cùng lúc đó quân Cộng Sản Khmer Đỏ cũng ngăn chận việc thu mua lương thực của CSBV trên đất Cam Bốt khiến cộng quân lâm vào tình trạng khủng hoảng về lương thực. Con số cán binh Cộng Sản về hồi chánh tăng vọt. Ngày 24 tháng 8/1973 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu xuống Cần Thơ để họp bàn về vấn đề kiểm soát và thu mua lúa gạo và phong tỏa nguồn lương thực tiếp tế cho Bắc quân. Đầu tháng Bảy năm 1973 Biệt Khu 44 mở cuộc hành quân tảo thanh khu vực Thất Sơn, loại bỏ mối đe dọa của Sư Đoàn 1 CSBV.
Lực lượng tham chiến gồm có Liên Đoàn 4 và 7 BĐQ và Lữ Đoàn 4 Thiết Kỵ với tổng cộng 10 tiểu đoàn BĐQ và BĐQ-Biên Phòng. Sư Đoàn 1 CSBV có Trung Đoàn 52 hoạt động ở phía bắc Hà Tiên trong khi Trung Đoàn 101D và Trung Đoàn 44 Đặc Công xâm nhập vào khu vực Núi Dài và núi Cô Tô trong tháng Chín, bắn hỏa tiển và súng cối vào các trung tâm dân cư. Đến đầu tháng 10 thì do kiệt sức vì tổn thất chiến trận và thiếu hụt lương thực trầm trọng, Quân Khu 9 Cộng Sản phải giải tán Sư Đoàn 1 CSBV. Trung Đoàn 52 và Trung Đoàn 44 Đặc Công được sát nhập qua Trung Đoàn 101D, lúc này chỉ còn 300 bộ đội để hình thành đơn vị mới cấp lữ đoàn. Đơn vị này sau đó phải rút sang Cam Bốt để dưỡng quân. Mối đe dọa cho khu vực biên giới từ Hà Tiên đến Châu Đốc đã bị loại bỏ.
HỒNG NGỰ
Đầu năm 1973 thủ đô Nam Vang (Phnom Penh) của chính phủ Lon Nol thân Mỹ bị quân Cộng Sản Khmer Đỏ phong tỏa khiến sông Tiền Giang trở thành đường tiếp tế huyết mạch chính về đạn dược, nhiên liệu và lương thực cho Nam Vang do phi trường Pochentong thường xuyên bị pháo kích. Các tàu biển và xà lan tiếp tế tập trung ở khu vực Vũng Tàu để được tàu kéo dần theo sông Tiền Giang lên đến Tân Châu (An Giang) trước khi vượt biên giới sang Cam Bốt. Thị trấn Hồng Ngự nằm dọc bờ sông Tiền Giang trong tỉnh Kiến Phong trở thành mục tiêu chiến lược quan trọng cho thủy lộ tiếp tế này.
Để đánh chiếm Hồng Ngự và cắt đứt thủy lộ tiếp tế cho Nam Vang, quân Bắc Việt sử dụng một lực lượng cấp sư đoàn gồm Trung Đoàn 207 độc lập, Trung Đoàn 174 của Sư Đoàn 5 và Trung Đoàn 272 của Sư Đoàn 9, được Trung Đoàn 75 Pháo yểm trợ tấn công vào quận Hồng Ngự vào tháng Ba năm 1973. Mặc dầu các đơn vị ĐPQ/NQ của chi khu Hồng Ngự đã chống trả quyết liệt và các phi vụ oanh tạc chiến lược của pháo đài bay B-52 trên hành lang dọc theo sông Cửu Long lên đến Nam Vang góp phần gây thiệt hại nặng cho cộng quân, áp lực Bắc quân vẫn đè nặng lên quận Hồng Ngự.
Giang Đoàn 26 Xung Phong ở Long Xuyên được lệnh tăng viện và đã yểm trợ hữu hiệu cho quân bạn cùng với Sư Đoàn 4 Không Quân cho đến tháng Tư khi Trung Đoàn 15 của Sư Đoàn 9 BB và một liên đoàn ĐPQ cơ động được Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh yểm trợ mở cuộc phản công, khai thông bờ đông của sông Tiền Giang từ Hồng Ngự lên đến biên giới Cam Bốt và gây thiệt hại nặng nề cho Bắc quân, bỏ lại 422 xác trong khi phía Việt Nam Cộng Hòa có 94 chết, 743 bị thương và 36 mất tích. Tuy nhiên tổn thất về mặt dân sự khá cao với 80 chết và 300 ngôi nhà bị phá hủy do các cuộc pháo kích bằng hỏa tiển của cộng quân mà cao điểm là 123 hỏa tiển pháo vào thị xã Hồng Ngự trong tuần lễ thứ nhì của tháng Tư (chi tiết của cuộc hành quân này đã được kể lại trong bài viết Những Dòng Sông Cũ của Trần Đỗ Cẩm).
ĐỒNG THÁP
Sau thất bại ở trận đánh An Lộc, Mặt Trận B-2 Cộng Sản di chuyển Sư Đoàn 5 CSBV sang khu vực căn cứ địa trên đất Cam Bốt trong tỉnh Svay Riêng để bổ sung quân số rồi di chuyển xuống khu vực Đồng Tháp, xâm nhập vào tỉnh Kiến Tường vào tháng Sáu năm 1972. Đồng Tháp là một vùng đồng lầy hoang vu rộng lớn, được vây quang bởi sông Vàm Cỏ Tây ở phía đông, sông Tiền Giang ở phía tây, biên giới Cam Bốt ở phía bắc và Quốc lộ 4 huyết mạch chạy qua tỉnh Định Tường ở phía nam. Khu vực này không có nhiều sông ngòi nên hằng năm vào khoảng tháng Sáu nước sông Tiền Giang dâng cao đổ vào theo rạch Sở Hạ và rạch Cái Cái biến khu vực này thành một biển hồ ngập nước.
Người ta có thể dùng ghe di chuyển từ biên giới Cam Bốt xuống tận thị xã Mỹ Tho. Khu vực sông Vàm Cỏ Tây có nhiều kinh rạch khiến sự lưu thông tương đối dễ dàng, dân cư sinh sống khá đông đúc bằng nghề ruộng rẩy. Khu vực trung tâm là vùng đồng lầy với nhiều cỏ lác không có bóng cây vào mùa khô và biến thành biển hồ mênh mông với nhiều đỉa, muổi, rắn. Chỉ có xuồng nhỏ là phương tiện di chuyển duy nhất. Khu vực giữa Hồng Ngự và Cao Lãnh gần sông Tiền Giang có nhiều kinh rạch, quan trọng là kinh Đồng Tiến nối liền hai sông Tiền Giang và Vàm Cỏ Tây, và việc đi lại trên bộ cũng thuận tiện trong mùa khô.
Thiếu Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh Quân Đoàn 4, cho di chuyển nhanh chóng Sư Đoàn 7 BB vào khu vực Kiến Tường, đồng thời sử dụng hoạt động không yểm , gồm cả pháo đài bay B-52 để đánh phá các khu vực tình nghi tập kết của Bắc quân. Chiến sự diễn ra ác liệt ở khu vực Chân Tượng (Elephant’s Foot). Bắc quân sử dụng cả hỏa tiễn SA-7 (loại hỏa tiễn chống phi-cơ) lần đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Dưới sự chỉ huy tài ba của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam và dùng yếu tố thần tốc, Sư Đoàn 7 BB hoàn toàn làm chủ khu vực Chân Tượng vào cuối tháng Sáu.
Tướng Nam sau đó đã để lại một trung đoàn để bảo vệ khu vực biên giới trong khi các thành phần còn lại rút về yểm trợ các đơn vị ĐPQ/NQ của tỉnh Định Tường đang phải đối phó với hai trung đoàn chủ lực Z-15 và ĐT-1 của Quân Khu 8 Cộng Sản đang gây rối trong khu vực Sầm Giang-Cai Lậy-Cái Bè. Để đối phó với áp lực gia tăng của Bắc quân trong tỉnh Định Tường, Quân Đoàn 4 tăng cường cho khu vực này Trung Đoàn 15 của Sư Đoàn 9 BB sau khi hoàn thành sứ mạng tăng cường cho Quân Khu 3 ở mặt trận An Lộc và hai liên đoàn BĐQ cùng Bộ Tư Lệnh BĐQ/Quân Khu 4.
Bộ Tư Lệnh tiền phương Quân Đoàn 4 cũng được thành lập ở căn cứ Đồng Tâm do Chuẩn Tướng Nguyễn Thanh Hoàng, Tư Lệnh Phó Hành Quân của Quân Đoàn 4 chỉ huy. Đầu tháng Tám đơn vị BĐQ tiêu diệt các đơn vị Bắc quân trong khu vực Hậu Mỹ (Cái Bè). Quân đội VNCH đã thiết lập một số cứ điểm phòng thủ dọc theo kinh Tháp Mười. Đầu tháng 11 các đơn vị của Sư Đoàn 7 BB đánh tan một tiểu đoàn của Trung Đoàn 207 thuộc Sư Đoàn 5 CSBV từ Cam Bốt xâm nhập vào tỉnh Kiến Phong, bắt sống 73 tù binh (con số tù binh đông nhất trong một trận đánh riêng biệt trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai), hầu hết đều còn rất trẻ, thiếu dinh dưỡng và cho biết bị cấp chỉ huy chạy trốn bỏ rơi khi đụng trận.
Sau khi mối đe dọa ở khu vực biên giới từ Hà Tiên đến Đồng Tháp bị loại bỏ vào cuối năm 1973, Biệt Khu 44 được giải tán. Trách nhiệm các tỉnh Kiến Tường, Vĩnh Long và Vĩnh Bình được chuyển giao cho Sư Đoàn 7 BB trong khi tỉnh Châu Đốc, Kiến Phong và bắc Kiên Giang thuộc về Sư Đoàn 9 BB. Cũng trong thời gian này, Chuẩn Tướng Huỳnh Văn Lạc thay thế Thiếu Tướng Trần Bá Di giữ chức tư lệnh Sư Đoàn 9 BB. Cuối năm 1973 khu binh chủng Biệt động Quân được tái tổ chức để đối phó với tình hình và nhu cầu chiến trường mới, các đơn vị BĐQ và BĐQ-Biên Phòng ở Quân Khu 4 bị giải tán, thuyên chuyển, sát nhập vào hệ thống tổ chức mới của binh chủng BĐQ ở ba quân khu phía bắc.
Riêng Liên Đoàn 4 BĐQ nay thuộc quyền điểu động của bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH. ĐỊNH TƯỜNG Định Tường là tỉnh quan trọng nhất, đông dân nhất và trù phú nhất của khu chiến thuật Tiền Giang với Quốc Lộ 4 huyết mạch chạy xuyên qua tỉnh nối liền các tỉnh còn lại của Miền Tây với tỉnh Long An của Quân Khu 3, nguồn cung cấp lương thực và thực phẩm chính cho thủ đô Saigon cũng như phân phối đi cho cả nước. Ngoài sông Tiền Giang ở phía nam, tỉnh Định Tường cũng có một hệ thống sông rạch, kinh đào chằng chịt nối liền với khu vực Đồng Tháp cũng như tỉnh Long An và khu vực Saigon-Gia Định, quan trọng là kinh Chợ Gạo. Ngoài vai trò quan trọng về kinh tế và quân sự (Căn Cứ Đồng Tâm gần tỉnh lỵ Mỹ Tho là Bộ Tư Lệnh của Sư Đoàn 7 BB và căn cứ Hải Quân lớn sau khi Sư Đoàn 9 BB Mỹ triệt thoái), Định Tường còn là quê hương của phu nhân Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và gia đình Bà Thiệu vẫn sinh sống ở tỉnh lỵ Mỹ Tho.
Một đơn vị VNCH chuẩn bị cho cuộc hành quân thủy-bộ tại Cần Thơ
(HÌNH ẢNH: Robert Payette)
Đối với Cộng Sản Bắc Việt, Định Tường cũng có vai trò quan trọng chiến lược trong việc cắt đứt Quốc Lộ 4 để cô lập thủ đô Saigon về cả kinh tế lẫn quân sự cho cuộc tổng tấn công kết thúc cuộc chiến. Quân Khu 8 của Mặt Trận B-2 Cộng Sản có lúc có đến 6 trung đoàn chủ lực hoạt động trong tỉnh Định Tường từ khu vực căn cứ địa ở Trị Pháp trong khu vực Đồng Tháp và khu vực biên giới hai tỉnh Định Tường-Gò Công. Đầu năm 1974 để chận đứng hoạt động xâm nhập vào khu vực Trị Pháp để chờ thời cơ tràn xuống uy hiếp Quốc Lộ 4 của Sư Đoàn 5 CSBV, Quân Đoàn 4 cho mở cuộc hành quân lớn vào khu vực này và sau đó phối hợp với Quân Đoàn 3 mở chiến dịch vượt biên sang Cam Bốt để tiêu diệt khu vực căn cứ địa của Sư Đoàn 5 CSBV nằm trong tỉnh Svay Riêng.
Cuộc hành quân này sẽ được nói đến trong bài viết Từ Trị Pháp đến Svay Riêng. Như đã nói ở trên, vai trò quan trọng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long về kinh tế (chủ yếu là lương thực và thực phẩm) và nhân lực (công tác tuyển quân) cho nổ lực chiến tranh từ hai phía khiến khu vực này trở thành chiến trường chính cho các hoạt động dành dân và thu mua lương thực về phía CSBV cũng như bình định, kiểm soát lương thực và nhân lực về phía Việt Nam Cộng Hòa.
TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ Ở QUÂN KHU 4 CUỐI NĂM 1974
Từ sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Việt Nam Cộng Hòa đã có nhiều thành công trong nổ lực bình định ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kiểm soát phần lớn đất đai và hầu hết dân chúng sinh sống trong khu vực này cũng như loại bỏ hạ tầng cơ sở Cộng Sản hoạt động nằm vùng. Phía Cộng Sản Bắc Việt chỉ còn tập trung hoạt động trong các khu vực căn cứ địa lâu đời trong khu vực U Minh, Đồng Tháp, Chương Thiện và Định Tường. Sau ngày ngưng bắn, với mối đe dọa dọc theo biên giới Cam Bốt bị loại bỏ, trọng tâm của Việt Nam Cộng Hòa là loại bỏ hay cô lập các khu vực "da beo" này, đó là các khu vực được Bắc quân sử dụng làm bàn đạp tấn công vào các khu vực đông dân trù phú khi có thời cơ.
Ở khu vực Đồng Tháp, Sư Đoàn 7 và 9 BB của Việt Nam Cộng Hòa đã thành công lớn trong việc loại bỏ khu vực căn cứ địa chính của cộng quân ở Trị Pháp. Trong khu vực U Minh Thượng trong tỉnh Kiên Giang, quân đội cũng chiếm đóng khu vực đông dân Gò Quao và Giồng Riềng do Bắc quân kiểm soát. Sau Nghị Quyết 21, Quân Khu 8 và 9 Cộng Sản bắt đầu gia tăng các hoạt động khũng bố, lấn chiếm các đồn bót ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Nhìn chung mực độ chiến trận tương đối thấp so với ba quân khu ở phía trên. Tuy nhiên do quân viện bị cắt giảm trầm trọng, đặc biệt là nhiên liệu và đạn dược, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 phải cho rút bỏ các căn cứ tiền đồn hẻo lánh.
Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi cũng cắt giảm 70% các hoạt động tuần tiểu trên sông và cho ngưng hoạt động gần 600 chiến đỉnh do thiếu cơ phận thay thế cũng như nhiên liệu và đạn dược để hoạt động. Tình hình an ninh trên sông rạch và các khu vực hẻo lánh do đó bắt đầu suy giảm. Để chuẩn bị đánh lớn trong cuộc tổng tiến công trong hai năm 1975-76, Mặt Trận B-2 Cộng Sản bắt đầu cho sát nhập các đơn vị chủ lực hoạt động độc lập để xây dựng các sư đoàn và trung đoàn chủ lực nhẹ. Ở Quân Khu 9 (Hậu Giang), Sư Đoàn 4 CSBV được thành lập từ các trung đoàn độc lập D1, 18B và 95. Ở Quân Khu 8 (Tiền Giang), Sư Đoàn 8 CSBV được thành lập từ các trung đoàn độc lập 24, ĐT-1 và 320.
Theo kế hoạch của Mặt Trận B-2, ở Miền Tây, trọng điểm của Cộng Sản là 3 tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Bình và Kiến Hòa trong nổ lực chia cắt Quân Khu 4 để tiêu diệt, không cho các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa co lại cố thủ. Nếu kiểm soát được Vĩnh Long, Bắc quân sẽ cắt đứt Quốc lộ 4 và kiểm soát hai bến bắc chiến lược qua sông Tiền Giang và Hậu Giang, cô lập khu vực Hậu Giang. Bắc quân cũng mở rộng khu vực kiểm soát trong tỉnh Chương Thiện để có thể uy hiếp Cần Thơ, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4/Quân Khu 4 và phi trường Trà Nóc, căn cứ Không Quân chính ở đồng bằng sông Cửu Long và nơi đặt Bộ Tư Lệnh của Sư Đoàn 4 Không Quân.
Ở khu vực Tiền Giang, trọng tâm của Bắc quân là sử dụng khu vực căn cứ địa Đồng Tháp để áp sát vào Quốc Lộ 4 và cắt đứt trục lộ huyết mạch này, không cho Sư Đoàn 7 và 9 BB rút về tăng cường phòng thủ Saigon. Đồng thời các trung đoàn độc lập của Quân Khu 8 trong tỉnh Định Tường cũng theo kinh Chợ Gạo tiến qua Long An để uy hiếp Saigon ở hướng đông nam từ khu vực Cần Đước, Cần Giuộc. Cùng lúc này các đơn vị chủ lực Bắc quân trong các tỉnh Vĩnh Long,Vĩnh Bình và Kiến Hòa cũng tiến về khu vực Cần Đước, Cần Giuột qua ngả Gò Công để hợp lực uy hiếp Saigon từ hướng nam.
Tháng 11 năm 1974 do áp lực của phong trào chống tham nhũng và tòa đại sứ Mỹ, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải thay thế Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh Quân Đoàn 4/Quân Khu 4 bằng Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, đang là Tư Lệnh Sư Đoàn 7 BB. Tương tự như vị chỉ huy tiền nhiệm ở cả hai chức vụ tư lệnh Sư Đoàn 7 BB và Quân Đoàn 4 là Thiếu Tướng Nguyễn Viết Thanh, tướng Nam có tiếng thanh liêm, sống đơn giản, đạm bạc, chăm lo nhiều cho binh sĩ dưới quyền và hết lòng phục vụ cho đất nước và quân đội theo đúng qui định về tổ quốc, danh dự và trách nhiệm. Xuất thân từ binh chủng Nhảy Dù và đã từng nắm chức chỉ huy cấp tiểu đoàn, chiến đoàn và lữ đoàn Dù, tướng Nam cũng có nhiều kinh nghiệm chiến trường cũng như khả năng chỉ huy tham mưu. Dưới quyền chỉ huy tài ba của tướng Thanh và Nam, Sư Đoàn 7 BB dần dần trở thành sư đoàn thiện chiến nhất của Quân Lực VNCH ở Miền Tây từ sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân.
----------
Subject: Vết xích chiến xa trên đất Kontum mùa Hè đỏ lửa 1972 Print to printer
Author: comay
Lê Quang Vinh, Chi Ðoàn 1/8
Mưa giăng phủ trên nền trời Kontum, hạt mưa nhẹ như sương mù, những hạt mưa chỉ mang lại ướt át, lầy lội, những hạt mưa không gây chết chóc ai. Nhưng giữa những cơn mưa vô tình đó là một vùng Komtum khói lửa. Ðịch pháo như mưa, pháo theo mưa liên tục trút xuống thành phố và các vị trí của quân ta mà Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn là mục tiêu mưa pháo của địch. Trong những cơn mưa pháo đó, mỗi khi đạn đạo của pháo thu ngắn lại do tầm điều chỉnh của Bắc quân, là vị trí của Chi Ðoàn bị ăn đạn. Lý do là vị trí phòng thủ của thiết giáp chỉ cách Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn chưa tới 500 mét. Gia đình kỵ binh các cấp đều ăn ngủ bên cạnh chiến xa, tất cả trong tình trạng sẳn sàng tác chiến, nhận lệnh, chỉ cần khoảng 2 phút là tất cả xích sắt chiến xa chuyển động. Cùng lúc, khả năng tác chiến của Chi Ðoàn được phục hồi sau khi được trực thăng tiếp tế cơ phận và sửa chữa các chiến xa bị hư. Chi Ðoàn có được 10 chiếc M41 trong tay sẳn sàng tham chiến.
Giữa tháng 5/1972, SÐ23BB và các đơn vị thống thuộc đã bẽ gẵy ít nhất là 2 cuộc tấn công của Bắc quân, song áp lực địch vẫn còn đè nặng trên thị trấn Cao Nguyên này. Quốc lộ 14 lại bị chốt cứng tại đèo Chu Pao. Phương tiện tiếp tế duy nhứt cho mặt trận Kontum là thả dù, mà địa điểm thả là bãi thả dù nằm phía Nam khu nghĩa địa. Nếu dù tiếp tế rơi bên này bờ suối thì lọt vào tay bạn, nếu gió đưa dù qua bên kia bờ suối thì địch có dịp ăn gạo xấy, thịt hộp của phe ta! Cả tháng trời chỉ có gạo xấy và thịt hộp, không có một miếng rau hay lương thực tươi, mà nếu từ trời bỗng rơi xuống mấy miếng thịt heo tươi anh em cũng chưa chắc dám ăn. Cái cảnh heo ăn thịt người làm anh em lợm giọng. Trước mắt chúng tôi, có mấy lần chứng kiến bầy heo đói sút chuồng chạy rong dọc đường Nguyễn Huệ, Phương Nghĩa phía Nam phi trường Kontum. Ðàn heo giành nhau gậm xé một cái chân người, kéo lê trên vệ đường với chiếc giép râu còn dính chặc ở bàn chân, y như trong một phim ma kinh dị...
Như mọi ngày, địch pháo ngày, pháo đêm, pháo trong cơn mưa, pháo khi trời nắng, pháo lúc sương mù... Nhưng đêm nay, địch bỗng ngưng pháo. Trực giác chiến trường cho biết có một cái gì bất thường, nghĩa là địch chuẩn bị giở trò. Các Chi Ðội báo động và tăng cường canh gác. Trời Kontum tối đen như mực, màn đêm lại rải xuống những cơn mưa phùn tê buốt thịt da, héo hắt lòng chinh nhân đang chong súng chờ giặc. Thời gian chầm chậm trôi như con kiến bò từ lổ chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi, những con mắt chong vào đêm tối. Vừa qua khỏi nửa khuya, khắp nơi, hàng loạt tiếng nổ vang rền như phá tung màn đêm. Ðịch bắt đầu đợt tấn công mới. Qua hệ thống truyền tin, Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn nhận các báo cáo:
- Ðịch vào tới phi trường!
- Ðịch tấn công Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 44BB trong thành Dak - Pha
- Ðịch tấn công hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh....
Nằm trong tầm quan sát của Thiết Kỵ, trong cái tĩnh lặng của màn đêm lạnh lẽo giăng giăng mưa lạnh, chợt mìn chiếu sáng và claymore đồng loạt nổ rực sáng về phía cánh Bravo, nơi bãi thả dù tiếp tế những ngày vừa qua. Bravo khai hỏa. Ðại bác và đại liên nổ rền một góc thành phố Kontum. Mìn chiếu sáng và hỏa châu rọi rõ khu vực giao tranh, soi rõ bước chuyển quân của địch khi địch bị hỏa lực khủng khiếp của chiến xa bắn giạt về phía Nam khu trường học, nhưng cuộc di quân trốn đạn của định vẫn bị hỏa lực cánh Bravo bám chặt và bị dồn ngược lại để sau cùng lui về bờ suối, vừa rút vừa bắn trả bằng đại liên, B40, 41 và cả AT3 nhưng không gây thiệt hại cho các chiến xa cánh Bravo, vì địch không nhìn ra vị trí các chiến xa. Hỏa lực địch dồn vào vách các căn nhà cháy phía sau lưng kháng tuyến của Bravo.
Hỏa châu đã thay mặt trời. Tiếng súng ngưng, chiến trường im lặng. Mặt trời lại từ từ bò lên thế hỏa châu. Tôi phóng ống dòm qua các vùng địch xâm nhập tấn công hồi đêm, xác địch nằm la liệt trên những gò đất, trên những bụi cây ngoài tuyến phòng thủ. Ðịnh bụng là sẽ xin lệnh Sư Ðoàn cho các đứa con bung ra truy kích và khai tác chiến quả, tôi chưa bốc máy thì bất ngờ Trung Tâm Hành Quân Sư Ðoàn gọi khẩn cấp:
- Toàn bộ gia đình Tài Lực rời vị trí, giao lại cho Bộ Binh. Chuẩn bị cải cách để giải tỏa áp lực địch trong thành Dak - Pha và tái chiếm lại phi trường Kontum!
- Tài Lực nhận rõ!
Lệnh ra, trong phút chốc, tất cả chiến xa lăn xích rời vị trí tiến ngược vào thành phố, rẽ trái tại đường Lê Lợi rồi đổi hướng Bắc để vào thành Dak-Pha. Tại khu nghĩa địa nhỏ trước cổng Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn, địch ẩn nấp trong các gò mả và giao tranh ác liệt với Trinh Sát Sư Ðoàn. Cách thành Dak - Pha khoảng 500m về phía Nam, có một khu vườn mít, tôi cho lệnh các chiến xa chui hết vào trong đó để ẩn nấp và quan sát mục tiêu.
Cổng thành Dak - Pha sập đổ nát nhưng bức tường thành phía Nam vẫn đứng nguyên sừng sững, phân chia trong và ngoài. Tôi nhìn đăm đăm vào tháp nước nơi khẩu 12 ly 8 của địch đặt trên nóc tháp tác xạ lên máy bay, tác xạ vào các cánh quân ta tiến vào trong thành. Không thể đi bằng cổng chính để làm mục tiêu cho địch tác xạ, tôi lệnh cho ba chiến xa dưới quyền:
- Chuẩn bị khoan tường để tiến vào thành!
- Nhận rõ!
Ngay tức khắc, ba chiếc M41 như ba con cua sắt dương càng húc vào tường. Rầm! Rầm Rầm! Tường vừa sập, chiến xa tràn vào, tác xạ liên tục vô cổng chính và các căn nhà sập gần tháp nước, nơi địch bắn ra. Vừa lọt vào bờ thành là các chiến xa đầu chạm địch dữ dội. Toàn bộ Chi Ðoàn vượt qua bức tường đổ. Ðịch có mặt khắp nơi, trong đống gạch vụn, sau bức vách đổ, sau nhưng ngôi nhà sụp, trong hầm, trong hố, sau gốc cây... Chỗ nào cũng có tiếng súng địch nhắm vào thiết giáp.
Bên cạnh, cuộc ác chiến từ hồi đêm còn đang diễn ra tại Bội Chỉ Huy Trung Ðoàn 44BB, nơi trước đó đã đặt Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn. Nhìn chung, địa thế rất khó điều động chiến xa. Tôi quyết định nhanh, chia gia đình ra từng phân đội, cứ hai chiến xa tiến theo một trục để yễm trợ và bảo vệ lẫn nhau. Trục tiến là đường đi giữa hai dãy nhà đổ nát, một chiếc chạy sát dãy bên phải, một chiếc chạy sát dãy bên trái, thận trọng tối đa khi tới ngả tư. Ðịch ẩn nấp trong những căn nhà đổ nát nên tất cả mọi loại vũ khí đều được đem ra sử dụng: Ðại bác phóng vào hầm địch, đại liên 50 và 30 dìm cứng địch trong vòng tử địa, lựu đạn được tung vào từng ô cửa sổ, từng góc nhà, từng lổ trống vách tường. Vũ khí chống chiến xa của địch bị vô hiệu vì khoảng cách hai bên quá gần. Trong trận quần thảo cận chiến sinh tử này, thế bám trận của địch bị vỡ và địch tháo chạy về hướng Bắc, để lại vô số cán binh bị chết và bị thương, một tổn thất nặng nề. Các đơn vị bộ binh của Trung Ðoàn 44 tức tốc tràn ra khỏi vị trí phòng thủ, và một trận phản công ác liệt diễn ra khắp nơi trong thành Dak- Pha.
Chi Ðoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Trong trận giải tỏa thành Dak – Pha, Chi Ðoàn bị hy sinh cũng không nhỏ, kể cả 5 sĩ quan và 3 chiến xa bị hư hại. Dù vết thương còn đang rướm máu, gia đình Tài Lực lại nhận tiếp lệnh của thượng cấp: Rời Dak – Pha, giao lại cho Bộ Binh, di chuyển gấp để giải tỏa phi trường. Xích sắt chiến xa lại nghiến đường bụi đỏ mà ào ào tiến lên, lại lao vào "gió cát" mà chừng như nghe đâu đó âm thanh của một thứ "hồn tử sĩ gió ù ù thổi" trong gió Kontum từ thành Dak – Pha thổi theo vết lăn của xích sắt...
* * *
Phi trường Kontum nằm về phía Ðông của thành phố và ở vị trí Ðông Nam thành Dak - Pha. Phi đạo chạy dài theo chiều Ðông - Tây. Phía Nam phi đạo, gần cổng ra vào có vài căn nhà dành cho hành khách Air Việt Nam và An Ninh Phi Trường. Phía Bắc phi đạo có một số ụ để máy bay. Cuối phi đạo và dọc theo hàng rào phi trường là những lô cốt bảo vệ phi trường. Phi trường là một trong những mục tiêu quan yếu mà Bắc quân phải tấn chiếm.
Tiếng khua động của xích sắt chiến xa không át được tiếng súng nổ vang mỗi lúc một rõ từ hướng hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh. Tôi mừng trong bụng là tiếng đại liên 50 vẫn còn nổ ròn rã, vì điều nay cho biết địch chưa chiếm được căn cứ Trung Ðoàn, dù có nhiều đám cháy trong doanh trại. Từ các ụ máy bay cuối phi đạo, địch đặt đại liên bắn vào Trung Ðoàn Thiết Giáp để yễm trợ cho bộ binh tấn công vào hậu cứ Thiết Giáp và khu vực Quân Tiếp Vụ gần thành Dak - Pha... Một vài lô cốt bị địch thổi sập, nhưng địch vẫn chưa lọt vào được.
Ðịch chưa vào được là hậu cứ Thiết Giáp chưa mất, lực lượng quân ta vẫn còn. Tôi lệnh cho phân đội chiến xa đầu bọc về phía Nam của hậu cứ Thiết Giáp, sau đó chuyển sang hướng Ðông rồi bố trí đợi lệnh. Tôi cần thời gian để quan sát, ước lượng ý đồ, khả năng và mục tiêu của địch... trước khi có kế hoạch tấn công. Ước lượng sai, hành động sai là tự sát. Ðịch đã ở trong vị thế đã dàn trận và tấn công. Tôi nghĩ đến cái câu của người xưa "biết mình biết địch, trăm trận trăm thắng." Thắng bại gì thì chưa biết, nhưng chỉ biết là yếu tố địch, khả năng địch, lực lượng địch, vũ khí địch... tôi chưa nắm hết, mà biết mình thì tôi biết khá rõ.
Mặc dù được bổ sung trên 10 sĩ quan sau trận ác chiến trong nghĩa địa và sửa chữa, bổ sung chiến xa, nhưng khi giải tỏa thành Dak - Pha, gia đình Tài Lực bị hy sinh nghiêm trọng một số sĩ quan ưu tú để bây giờ, đối chiến với Bắc quân đã chiếm phi trường và đang uy hiếp dữ dội hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh, Chi Ðoàn chỉ còn lại hai sĩ quan là Chi Ðoàn Trưởng và Thiếu úy Nguyễn Văn Tám. Các Chi Ðội, Phân Ðội chiến xa được trao quyền chỉ huy cho các Hạ Sĩ Quan Kỵ Binh kế quyền. Trong tình huống nguy khốn mà vết xích chiến xa chỉ có đường lăn tới, thầy trò chúng tôi đựa lưng nhau chiến đấu. Tôi gọi Tám:
- Nhiệm vụ của cậu là ở lại với 2 M113 và bảo vệ cho 3 chiến xa bị hư. Tất cả chiến xa còn lại và anh em Hạ Sĩ Quan gia đình Chi Ðoàn do tôi điều động. Nhiệm vụ phải hoàn thành trong bất cứ tình huống nào! Cậu nhận rõ?
- Rõ 5! Thẩm quyền!
Giọng Tám chắc và quyết liệt. Tôi họp tham mưu bỏ túi với tất cả anh em còn lại mà trong đó tôi là Chi Ðoàn trưởng, người sĩ quan duy nhất trong trận đánh sắp diễn ra. Tuy nhiên, tôi vô cùng tin tưởng những Hạ Sĩ Quan Thiết Kỵ can đảm và đầy kinh nghiệm của Chi Ðoàn. Theo lệnh tôi, tất cả chiến xa còn lại của Chi Ðoàn được chia làm 3 Phân Ðội:
- Phân đội 1 gồm 2 chiến xa, do Trung Sĩ Nhất Y – Ðê – Niê ( người Thượng) chỉ huy.
- Phân đội 2 gồm 2 chiến xa, do Thượng Sĩ Bảo chỉ huy.
- Phân đội chỉ huy gồm 3 chiến xa do tôi, Chi Ðoàn trưởng, trực tiếp chỉ huy.
Qua hệ thống âm thoại đặc biệt của gia đình Tài Lực, tôi gọi, 2 Phân Ðội và giao trách nhiệm:
- 1 tấn công địch ở ụ máy bay đầu. Phân Ðội Chỉ Huy trách nhiệm giữ cạnh sườn phải cho 1, sau khi 1 vào tới mục tiêu, Phân Ðội Chỉ Huy tấn công mục tiêu 2 ở ụ máy bay thứ hai. 2 bảo vệ phía Nam, và Ðông khi Phân Ðội Chỉ Huy chiếm mục tiêu thì 2 tức tốc tấn công mục tiêu 3 ở ụ máy bay thứ ba. Ngay sau đó, 1 rút ra bảo vệ cạnh sườn mặt Ðông cho 2. Tất cả 1,2 nhận rõ?
- 1, 2 nhận rõ 5! Thẩm quyền!
Xích sắt chiến xa bắt đầu lăn trên kế hoạch, sau lưng là bộ binh SÐ23 tùng thiết theo sát chiến xa. Bắc quân đang chỉa tất cả các loại vũ khí vào hậu cứ Trung Ðoàn Kỵ Binh, bất ngờ tiếng xích sắt vang sau lưng họ. Bắc quân ngỡ ngàng hoang mang trong tình huống này. Chỉ với 7 chiến xa mà Bắc quân đã chào đón vô cùng nồng nhiệt với pháo 130 ly, cối 120 ly, đại bác 75 ly không giật. Pháo địch bắn thành một hàng rào lửa cản chiến xa, lấy phi đạo làm ranh giới.
Ðể tránh bị ăn pháo, tôi lệnh cho phân đội 1 tác xạ và lao thẳng vào mục tiêu với tốc độâ nhanh tối đa, trong lúc đó, phân đội chỉ huy trải lưới lửa vào cạnh sườn địch từ từ ụ máy bay 1 đến ụ máy bay 2. Chiến xa phân đội 1 đã gặp sự chống trả mãnh liệt của địch với đại liên được đặt ngay trên bờ thành cùng với B40 và B41 tác xạ thẳng vào đội hình của phân đội, đồng thời pháo và đại bác 75 ly không giật của địch từ cuối phi đạo cũng đồng loạt trút đạn vào các chiến xa đang tấn công. Chiến xa vẫn tiến. Một trung đội bộ binh bám sát theo chiến xa. Mục tiêu địch càng lúc càng gần, và "Ầm! Ầm!" Ðại lên địch trên bờ thành ụ máy bay số 1 bị đại bác chiến xa bắn tung, chiến xa ủi mục tiêu và bộ binh tràn ngập liền sau đó. Tiếng hô "xung phong" muốn át cả tiếng đạn nổ vang trời.
Trận đánh càng lúc càng ác liệt và không kém phần hào hứng. Tinh thần chiến đấu tuyệt vời của Thiết Giáp và Bộ Binh SÐ23 thể hiện rõ ngay trên trận mạc máu lửa. Người trúng đạn nằm lại tại chỗ, còn khả năng bắn yễm trợ anh em cứ tiếp tục bắn. Người không bị đạn cứ tiếp tục xông vào phía trước. Chiến xa nào đứt xích thì nằm lại, tiếp tục tác xạ theo khả năng còn lại của mình, chiến xa nào còn nguyên cứ lăn xích xông tới. Cả 3 phân đội chiến xa và bộ binh quần thảo với địch đến xế chiều, từng ụ đại liên địch, từ ụ 75 ly không giật của địch... liên tục bị nổ tung và tràn ngập. Ðến chiều cùng ngày, Bắc quân bị đẩy sát hàng rào phía Ðông phi trường và sau đó bị quét sạch.
Súng im tiếng trên toàn phi trường và hậu cứ Trung Ðoàn Kỵ Binh. Khói từ những đám cháy còn phảng phất trong ánh chiều tà. Trận địa xơ xác, tiêu điều, những vị trí súng bị phá hủy, những thây người, những vết xích ngang dọc. Tôi cho chiến xa tiếp cận hàng rào phi trường về mặt Ðông, số tử thương của địch bỏ lại nơi này có hơn một tiểu đoàn.
Màn đêm kép sụp đến che kín dần những tang thương đổ nát của chiến trường. Công tác thu dọn chiến trường và tản thương xong, gia đình Tài Lực di chuyển về vị trí được chỉ định, và mắt vẫn chong vào bóng đêm vất vưởng âm hồn tử sỉ hai bên.
Lê Quang Vinh
Phụ chú liên hệ:
- Ngày 3/5/1972, TT Việt Nam Cộng Hòa bay lên Kontum, đáp trực thăng đến mặt trận thăm viếng và ủy lạo chiến sĩ. Mùi thuốc súng vẫn chưa tan trong thành phố. Cùng ngày, vị Tổng Tư Lệnh Quân Ðội đã gắn một sao lên cổ áo vị Ðại Tá Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Lý Tòng Bá, đồng thời cũng là tư lệnh chiến trường Kontum 1972. Cùng lúc, có quyết định thăng một cấp cho hầu hết các chiến binh tham dự mặt trận.
Chi Ðoàn Thiết Kỵ 1/8 đã là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng đóng góp cho chiến thắng giải tỏa và cứu Kontum, từ ngày nhổ chốt Chu Pao đến lúc chiếm lại phi trường Kontum. Chi Ðoàn đã hy sinh cho chiến thắng này:
- 68 kỵ binh mũ đen, trong đó có 18 sĩ quan.
- Trên 300 bị thương
- 2 chiến xa M41 bị phá hủy.
- 10 chiến xa bị hư hại nặng.
Ðổi lại về phía địch:
- Trên 10 chiến xa T54 bị bắn cháy.
- Bắt sống một T54 còn nguyên vẹn.
- Hơn một ngàn chết bỏ xác tại trận địa, số tử thương và bị thương được đồng đội mang theo không rõ.
Chi Ðoàn, với những tổn thất nặng nề như trên nhưng lúc nào cũng còn khả năng tác chiến và hoàn thành nhiệm vụ trong khói lửa, một phần nhờ lòng ưu ái của Ðại tá Nguyễn Xuân Hường, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8 Kỵ Binh Thiết Giáp. Gần như Ðại tá Hường đã vét cạn nhân lực của hai Chi Ðoàn 2/8 và 3/8 để bổ sung cho 1/8 sau những trận giao tranh nặng nề. Ðiều này được thể hiện rõ trong trận giải tỏa phi trường Kontum và hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh. Khi trực thăng còn đang đáp xuống sân vận động để di tản thương binh cũng là lúc những sĩ quan và binh sĩ Kỵ Binh Thiết Giáp đổ xuống từ trực thăng để tăng cường, bổ sung cho gia đình 1/8 kịp lúc cho những trận đánh kế tiếp. Chính vì thế, toàn thể Kỵ Binh Thiết Giáp, nhất là Chi Ðoàn 1/8, đã rất kính mến người anh cả Kỵ Binh Ðại tá Nguyễn Xuân Hường.
Sau khi Kontum được giải tỏa, Chi Ðoàn 1/8 vẫn lại là đơn vị Thiết Kỵ duy nhất ở lại Kontum chứ không được thay thế để dưỡng quân, để rồi vài tháng sau đó, 1/8 Thiết kỵ lại cùng Bộ Binh SÐ23 lại quần thảo với Bắc quân trong một trận dạ chiến ác liệt để tái chiếm căn cứ hỏa lực Non Nước gần Ngô Trang nằm về hướng Tây Bắc Kontum, đánh bật 2 tiểu đoàn địch ra khỏi vị trí đóng chốt, cứu nguy cho Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 53 và toán cố vấn Mỹ.
Khi căn cứ hỏa lực Non Nước lọt lại vào tay ta, Trung tá cố vấn trưởng Trung Ðoàn đã nói trước mọi người:
- Ðây là đơn vị chiến xa tuyệt vời mà lần đầu tiên trong đời binh nghiệp tôi mới chứng kiến trong trận đánh!
Cũng sau đó, chính ông đã đề nghị cấp huy chương "anh dũng bội tinh/silver star " của Hoa Kỳ cho Chi Ðoàn Truởng 1/8 Thiết Kỵ Lê Quang Vinh.
Thai Duong 530 Fighter Squadron, A-1 Skyraiders, Cu-Hanh-Pleiku Air Base, Vietnam
Hòa Bình Vang Tiếng Súng
Subject: Hoà bình vang tiếng súng
Author: comay
Tác giả: Mê Kông
Về mặt quân sự, lãnh thỗ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) được chia thành bốn vùng chiến thuật mang số từ 1 đến 4, đến năm 1971 thì được đổi tên lại là quân khu. Quân Khu 1 là khu vực cực Bắc của VNCH, tiếp giáp với Bắc Việt nên là khu vực thường xuyên bị áp lực nặng nề nhất dù là khu vực nhỏ nhất trong 4 quân khu về mặt lãnh thổ. lãnh thổ của Quân Khu 1 bao gồm 5 tỉnh:Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngải chạy dài từ Bắc xuống Nam với hai thành phố quan trọng là Huế và Đà Nẵng. Đà Nẵng trong tỉnh Quảng Nam là thành phố lớn thứ nhì của VNCH, sau thủ đô Saigon và là một trung tâm chính trị, kinh tế quan trọng nhất ở phía Bắc Saigon.
Được thiên nhiên ưu đải với một hải cảng tốt và bờ biển dài và đẹp, Đà Nẵng được chọn là nơi những người lính bộ chiến đầu tiên của Quân Đội Mỹ đặt chân lên đất Việt Nam vào năm 1965. Mỹ đã xây dựng Đà Nẵng thành một căn cứ quân sự lớn gồm có phi trường/căn cứ không quân, hải cảng/căn cứ hải quân và các trung tâm tiếp vận/yểm trợ lớn và hiện đại. Phía Việt Nam Cộng Hòa cũng có các căn cứ không/hải quân lớn ở đây cùng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1, chỉ huy toàn bộ các đơn vị cơ hữu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trên lãnh thổ Quân Khu 1. Huế trong tỉnh Thừa Thiên là cố đô của nước Việt Nam dưới triều đại phong kiến sau cùng của nhà Nguyễn với những di tích lịch sử và văn hóa quan trọng như các cung điện trong Hoàng Thành/Thành Nội và các ngôi chùa nổi tiếng trong thành phố và các lăng tẩm vua ở khu vực ngoại ô thành phố. Không có giá trị quan trọng về quân sự và kinh tế như Đà Nẵng, Huế lại có một giá trị vô cùng quan trọng về mặt chính trị, lịch sử và tâm lý cho chính phủ VNCH. Do đó Huế được coi trọng và phải bảo vệ đến cùng.
Hình chụp sau cuộc chiến trên một khúc đường đèo Hải Vân
(HÌNH ẢNH: Multipurpose).
Về phía Cộng Sản Bắc Việt (CSBV), hai tỉnh địa-đầu Quảng Trị và Thừa Thiên trực thuộc Quân Khu Trị Thiên, bí danh "B-4," và đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của Quân Ủy Trung Ương cùng Bộ Tổng Tư Lệnh ở Hà Nội. Hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam được ngăn cách bởi rặng núi Hải Vân đâm thẳng ra biển Nam Hải tại đèo Hải Vân đẹp nổi tiếng nhưng cũng đầy nguy hiểm. Sự phân chia về địa lý và thời tiết này đã tạo ra hai khu vực/mặt trận quân sự cách biệt ở Quân Khu 1 là Bắc Hải Vân --gồm hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-- và Nam Hải Vân (Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngải). Bài viết sẽ tập trung vào những hoạt động quân sự quan trọng trong khu vực Bắc Hải Vân từ đầu năm 1971 khi Quân Lực VNCH mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 sang Hạ Lào để tiêu diệt hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh cho đến khi thành phố Huế và hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên mất vào tay Cộng Sản trong cuộc tổng tấn công kết thúc cuộc chiến vào mùa xuân năm 1975. Phần đầu tiên sẽ nói về năm 1973, năm đầu tiên sau hiệp định Paris về ngưng bắn và tái lập hòa bình ở Miền Nam Việt Nam, cho đến khi chiến tranh kết thúc vào tháng 4 năm 1975.
TÌNH HÌNH QUÂN SỰ CUỐI NĂM 1972-TRƯỚC NGÀY NGỪNG BẮN
Vào tháng 12 năm 1972 những đàm phán giửa Hoa Kỳ và Bắc Việt tại hội nghị Paris về một giải pháp ngừng bắn và tái lập hòa bình ở Miền Nam Việt Nam đang bước vào giai đoạn căng thẳng quyết định thì trên chiến trường Miền Nam Việt Nam những nổ lực tổng tấn công xâm-lăng của Bắc Việt đã thất bại nặng nề, nhưng phía Quân Lực VNCH cũng thiệt hại không nhỏ. Mực độ chiến trận đã giảm nhiều nhưng vẫn còn những cuộc hành quân lấn chiếm đất đai và dân cư trước khi có cuộc ngưng bắn. Quân đội Bắc Việt mở màn cuộc tổng tấn công Xuân-Hè 1972 trong chiến dịch Nguyễn Huệ ở Quảng Trị thuộc lãnh thổ Quân Khu 1 với 3 sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn bộ đội độc lập, thiết giáp, pháo binh, phòng không và đặc công Việt Cộng tấn công vào thị xã Quảng Trị và thành phố Huế. Đến giai đoạn cuối của chiến dịch này, vào tháng 12 năm 1972, trên lãnh thổ Quân Khu 1, quân đội Bắc Việt có 8 sư đoàn cùng với 5 trung đoàn bộ binh độc lập, 3 trung đoàn thiết giáp, 6 hay 7 trung đoàn pháo binh, ít nhất 4 trung đoàn đặc công của quân chủ lực, yểm trợ bởi 33 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh, phòng không, trinh sát, đặc công thuộc quân địa phương.
Đối phó với một lực lượng hùng hậu dù đã bị tổn thất hết sức nặng nề của Bắc Quân, Quân Lực VNCH có 5 sư đoàn (ba sư đoàn bộ binh cơ hữu của Quân Đoàn 1, tăng cường với 2 sư đoàn tổng trừ bị cơ động chiến lược của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH) cùng với 1 liên đoàn Biệt Ðộng Quân (BĐQ) trừ bị chiến thuật cho quân đoàn và các tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân Biên Phòng và lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân. Theo tổ chức của quân đội Bắc Việt, các hoạt động quân sự phía Bắc đèo Hải Vân do Quân Khu Trị Thiên (Mặt Trận B-4) trông coi từ đèo Hải Vân đến khu vực thị xã Quảng Trị. Phía Bắc thị xã Quảng Trị ra đến vùng Phi Quân Sự và chạy dọc theo Quốc Lộ 9 đến biên giới Lào thuộc mặt trận B-5 trực thuộc Quân Khu 4 của Cộng Sản ở phía Bắc vùng Phi Quân Sự.
BẮC HẢI VÂN, XUÂN 1973
Từ tháng 11 năm 1972, quân đội Việt Nam Cộng Hòa dùng 2 lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) đánh vào khu vực tỉnh lộ 560 chạy song song bờ biển Nam Hải lên đến Cửa Việt nhưng gặp sự kháng cự mạnh mẽ của Bắc quân và mùa mưa khởi đầu vào tháng 12 nên không chiếm được mục tiêu quan trọng là Cửa Việt. Trải dài từ bờ biển Nam Hải dọc theo sông Thạch Hãn vào tận trong khu vực rừng núi phía Tây của Quốc Lộ 1 là các đơn vị của 4 sư đoàn Bắc Việt (304, 312, 320B, 325) cùng 2 trung đoàn độc lập của mặt trận B-5. Sư Đoàn 308 Bắc Việt sau tổn thất nặng nề đã trở về Miền Bắc để phục hồi và trở về vị trí tổng trừ bị chiến lược. Bắc Quân bố trí hai trung đoàn ở khu vực dọc theo bờ biển Nam Hải (Trung Đoàn 101 của Sư Ðoàn 325 và Trung Đoàn 48B của Sư Ðoàn 320B).
Giữa khu vực này và thị xã Quảng Trị là ba trung đoàn khác (Trung Đoàn 27 và 31 độc lập của B-5 và Trung Đoàn 18 của Sư Ðoàn 325). Và lực lượng này được yểm trợ bởi Trung Đoàn 164 Pháo Binh. Thị xã Quảng Trị được quân đội Việt Nam Cộng Hòa chiếm lại ngày 16 tháng 09/1972 sau một chiến dịch hành quân ác liệt. Sau đó thị xã này được trấn giữ bởi một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Ở hướng Tây và Tây-Nam thị xã Quảng Trị, về hướng tỉnh lộ 556 do sư đoàn Nhảy Dù VNCH đảm trách. Lực lượng Nhảy Dù đã lấy lại các căn cứ Anne và Barbara vào tháng 12 năm 1972. Đối diện với Nhảy Dù là các đơn vị Bắc Việt sau đây:
Trung Đoàn 95 của Sư Ðoàn 325, Trung Đoàn 165 và 209 của Sư Ðoàn 312 và Trung Đoàn 66 của Sư Ðoàn 304. Bảo vệ cố đô Huế và Quốc Lộ 1 ở phía Tây, Sư Đoàn 1 Bộ Binh (BB) dàn quân từ sông Bồ kéo dài qua khu vực Phú Bài, Phú Lộc xuống đến Lăng Cô và chân đèo Hải Vân. Trung Đoàn 3 đóng ở căn cứ T-Bone, bảo vệ tuyến sông Bồ.
Trung Đoàn 1 đóng ở các căn cứ Veghel và Bastogne, bảo vệ Huế ở hướng tỉnh lộ 547 phía Tây.
Trung Đoàn 51 đóng ở Phú Bài, bảo vệ an ninh cho Quốc Lộ cho đến chân đèo Hải Vân.
Trung Đoàn 54 đóng quân trên các ngọn đồi phía Tây và Tây-Nam khu vực Phú Bài-Phú Lộc. Đối diện với Sư Ðoàn 1 Bộ Binh của Việt Nam Cộng Hòa là Sư Ðoàn 324B CSBV với 3 trung đoàn (29, 803, và 812) cùng 2 trung đoàn độc lập (5 và 6) của Mặt Trận B-4. Để tiện việc chỉ huy các lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở khu vực Bắc Hải Vân, Trung Tướng Ngô Quan Trưởng cho thành lập bộ chỉ huy tiền phương Quân Đoàn 1 ở Huế, do Trung Tướng Lâm Quang Thi, tư Lệnh phó Quân Ðoàn 1 chỉ huy.
Phi Trường Phú Bài (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm)
Về phía Bắc Việt, trước ngày ký kết hiệp định được ít ngày cũng có những thay đổi quan trọng ở cấp chỉ huy. Thiếu Tướng Cộng Sản Lê Trọng Tấn làm tư lệnh Quân Khu Trị Thiên thay Trần Quí Hai, Trung Tướng Song Hào làm chính ủy. Các Đại Tá Cao Văn Khánh, Doãn Tuế và Hoàng Văn Thái vẩn giữ chức phó tư lệnh trong khi các Đại Tá Lê Tự Đồng và Hoàng Minh Thi là phó chính ủy. Các đơn vị Bắc Việt đều bị thiệt hại nặng, chỉ còn 20 đến 30 phần trăm quân số, chưa kịp bổ sung. Khi hiệp định ngừng bắn có hiệu lực thì Bắc Quân có Sư Đoàn 312 ở hướng Tây đang giằng co với Sư Đoàn Nhảy Dù ở khu vực Ðộng Ông Do Ở cánh Đông ra hướng biển Nam Hải, Bắc Việt bố trí các sư đoàn 304, 320B, 325 và Trung Đoàn 27 độc lập của Mặt Trận B-4.
TÌNH HÌNH SÁU THÁNG ÐẦU NĂM 1973 Ở QUÂN KHU 1
Khi hiệp định ngừng bắn và tái lập hòa bình ở Miền Nam Việt Nam được ký kết tại Paris vào cuối tháng Giêng năm 1973 thì trên phần đất Trị-Thiên, bộ đội Bắc Việt đã chiếm được khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị kéo dài từ vùng Phi Quân Sự xuống đến sông Thạch Hãn cũng như khu vực rừng núi phía Tây từ dãy núi Trường Sơn vào tận biên giới Việt-Lào. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát hoàn toàn khu vực đồng bằng nhỏ hẹp nhưng trù phú, đông dân chạy dài từ sông Thạch Hãn đến Lăng Cô ở chân đèo Hải Vân. Khu vực này bao gồm 13 quận (3 thuộc tỉnh Quảng Trị và 10 thuộc tỉnh Thừa Thiên) với 960 ngàn dân (trong đó 202 ngàn dân ở tỉnh Quảng Trị).
Bắc Việt đã chuẩn bị cho Sư Đoàn 320B tấn công vào khu vực Chợ Sãi để mở rộng vùng kiểm soát. Tuy nhiên khi nhận được tin tình báo cho biết quân đội Việt Nam Cộng Hòa sắp mở một cuộc hành quân tái chiếm khu vực Cửa Việt thì Mặt Trận B-4 liền hủy bỏ cuộc hành quân vào Chợ Sãi để chuẩn bị đối phó. TRẬN ÐÁNH CỬA VIỆT Sau khi tái chiếm lại thị xã Quảng Trị và Cổ Thành, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến lần lượt sử dụng Tiểu Đoàn 8, 9 và 4 TQLC đánh vào khu vực tỉnh lộ 560 chạy song song bờ biển Nam Hải lên đến Cửa Việt nhưng gặp sự kháng cự mạnh mẽ của Bắc quân dưới sự yểm trợ dữ dội của các giàn pháo binh 130 ly và mùa mưa khởi đầu vào tháng 12 nên không chiếm được mục tiêu quan trọng là Cửa Việt.
Trong một nỗ lực cuối cùng để chiếm mục tiêu chiến lược quan trọng là Cửa Việt, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến thành lập một lực lượng đặc nhiệm mang tên Tango. Lực lượng này do Đại Tá Nguyễn Thành Trí, tư lệnh phó sư đoàn, trực tiếp chỉ huy gồm có Tiểu Đoàn 2 và 4 TQLC, tăng cường một đại đội của Tiểu Đoàn 5 TQLC và 3 đại đội của Tiểu Đoàn 9 TQLC, Thiết Đoàn 20 Chiến Xa, Thiết Đoàn 17 và 18 Kỵ Binh và được ba tiểu đoàn pháo binh TQLC cùng pháo hạm của Hạm Đội 7 Mỹ yểm trợ đã đánh vào khu vực Long Quang, Bồ Xuyên và tiến dọc theo bờ biển về hướng Thanh Hội, Gia Đẳng, Cửa Việt. Mục tiêu chính của Việt Nam Cộng Hòa là tái chiếm lại căn cứ Hải Quân ở cửa sông Miếu Giang đổ ra biển Nam Hải, cách tuyến đầu của Thủy Quân Lục Chiến khoảng 12 km và cắm cờ VNCH ngay trước giờ ngưng bắn. Khác với chiến dịch tái chiếm tỉnh Quảng Trị và đặc biệt là Thành Cổ Quảng Trị đẫm máu và lâu dài, cuộc hành quân này được thiết kế áp dụng lối đánh thần tốc để chiếm mục tiêu trong vòng 25 giờ đồng hồ.
Khi ấy lực lượng Cộng Sản Bắc Việt ở cánh Đông gồm có Trung Đoàn 48 và 64 của Sư Đoàn 320B ở khu vực Long Quang, An Lộng, Bồ Liên,Văn Hoa, Trung Đoàn 101 của Sư Đoàn 325 ở khu vực Gia Đẳng. Lực lượng trừ bị ở phía sau gồm Trung Đoàn 88 và 102 của Sư Đoàn 308 và Trung Đoàn 52 của Sư Đoàn 320B. Bộ chỉ huy Mặt Trận B-4 cho tăng cường một đại đội chiến xa T-54, một tiểu đoàn pháo binh 85 ly chống chiến xa và một tiểu đoàn hỏa tiển chống chiến xa AT-3 Sagger. Khoảng 7 giờ sáng ngày 27 tháng 1, lúc thủy triều xuống, gió bấc mưa phùn và ồn ào sóng biển, cùng với sự yểm trợ hữu hiệu của pháo binh gồm 10 ngàn quả đạn, thêm 9 phi vụ B-52 và 5 ngàn đạn hải pháo của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ từ ngoài khơi bắn vào, quân đội Việt Nam Cộng Hòa tiến quân dọc theo bờ biển về hướng Cửa Việt.
Các chốt phòng thủ của Bắc Việt lần lượt bị nhổ, nhưng sức kháng cự của họ cũng còn mạnh. Đến khoảng 8 giờ tối ngày này thì quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã tiến được nửa đường, và một số đơn vị đã bị tổn thất khá nặng, khoảng trên dưới 20 chiến xa và thiết vận xa của bị hư hại. Đại Tá Trí cho hai lực lượng Cọp Biển và Thiết Giáp liên kết đánh nhanh theo hướng sát biển mà không cần yểm trợ bảo vệ ở cánh trái từ hướng đất liền. Do tập trung vào tuyến phòng thủ chánh phía trong đất liền, Bắc quân bị bất ngờ, vì đúng 7 giờ 58 phút sáng ngày 28 tháng 1, hai phút trước khi hiệp định ngừng bắn có hiệu lực thì mũi nhọn đột kích với khoảng 300 lính Cọp Biển được 3 chiến xa M-48 yểm trợ do Thiếu Tá Phạm Văn Tiền, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 4 TQLC, chỉ huy đã chọc thủng tuyến phòng ngự phía Đông và cắm cờ ngay cảng Cửa Việt, bắt loa kêu gọi ngừng bắn.
Các cấp chỉ huy Bắc Việt ở mặt trận (thuộc Sư Đoàn 320B CSBV) đã tỏ ra lúng túng, đánh thì sợ vi phạm hiệp định, không đánh thì bị mất đất, nên phải điện lên cấp trên xin chỉ thị giải quyết . Do vị trí quan trọng chiến lược trong việc chi viện cho chiến trường Trị Thiên của cảng Cửa Việt và Đông Hà, đã xảy ra những ngày căng thẳng ở bộ chỉ huy tối cao Cộng Sản ở Hà Nội khiến các cấp lãnh đạo không "yên tâm ăn Tết." Quân Ủy Trung Ương sau cùng phải cử Thiếu Tướng Lê Trọng Tấn, tổng tham mưu phó vào tận Quảng Trị ra lệnh cho Đại Tá Cao Văn Khánh, phó tư lệnh Mặt Trận Quảng Trị, xuống tận Cửa Việt với chỉ thị phải tấn công để lấy lại ngay. Đêm 28 tháng 1 các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến tập trung ở ba cứ điểm phòng thủ về phía Nam cảng Cửa Việt, Đông Bắc của Thanh Hội và Nam của Long Quảng. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa được lệnh chuẩn bị nhận tiếp tế, tải thương và canh phòng cẩn mật để chờ cho Ủy Ban Kiểm Soát Ngưng Bắn đến ghi nhận. Suốt ba đêm từ 28 đến 30 tháng 1, bộ chỉ huy quân Bắc Việt do Cao Văn Khánh chỉ huy điều động lực lượng và hoàn chỉnh đội hình để tấn công cảng Cửa Việt. Sáng ngày 31 tháng 1 Bắc quân dùng Trung Đoàn 48 của Sư Đoàn 320B và Trung Đoàn 101 của Sư Đoàn 325, tăng cường thêm Trung Đoàn 24 của Sư Đoàn 304 được chiến xa và pháo binh yểm trợ tấn công chiếm lại Cửa Việt. Cao Văn Khánh tổ chức ba hướng tấn công:
1. Hướng chận đầu do Trung Đoàn 48 của Sư Đoàn 320B và một bộ phận Hải Quân CSBV đang tiếp thu Cửa Việt bảo vệ không cho các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến VNCH mở rộng khu vực chiếm đóng.
2. Hướng khóa đuôi do Trung Đoàn 64 của Sư Đoàn 320B tăng cường 2 tiểu đoàn (một từ Trung Đoàn 24 và một từ Trung Đoàn 101) bố trí ở Vĩnh Hòa, vừa đánh các đơn vị Cọp Biển-Thiết Kỵ từ Thanh Hội lên tăng cường, vứa chận các đơn vị Cọp Biển-Thiết Kỵ từ Cửa Việt rút về.
3. Hướng tấn công do Trung Đoàn 101 của Sư Đoàn 325, Trung Đoàn 24 (thiếu 1 tiểu đoàn) của Sư Đoàn 304, tăng cường hai tiểu đoàn của mặt trận B-5 tấn công vào các cụm phòng thủ của liên quân Thủy Quân Lục Chiến-Thiết Giáp ở khu vực Cửa Việt.
Sau 30 phút bắn pháo mở màn từ 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng, Bắc quân ào ạt tấn công và đến trưa ngày này đã khôi phục lại vị trí phòng ngự khu vực Cửa Việt. Bị bao vây cả ba mặt trừ phía sau lưng trông ra biển, thiếu nước uống, đạn dược cũng như cần tải thương, không dám sử dụng hỏa lực yểm trợ của phi pháo do sợ vi phạm hiệp định, các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Giáp phải mở đường máu rút trở về vị trí xuất phát với đơn vị Thiết Giáp bị thiệt hại trên 2/3 số chiến xa tham chiến. Thường Vụ Quân Ủy Trung Ương thở phào nhẹ nhõm và gởi thơ khen ngợi việc chiếm lại cảng Cửa Việt, chấm dứt chiến dịch tấn công chiến lược 1972 ở hướng Quảng Trị. Phía Việt Nam Cộng Hòa, dù Lực Lượng Đặc Nhiệm Tango đã linh động khôn ngoan trong việc đột kích theo hướng sát bờ biển để cắm cờ trên căn cứ hải quân tại cửa biển chiến lược Cửa Việt ngay trước giờ ngưng bắn khiến Sư Đoàn 320B không kịp phản công, do sự thiếu sót trong công tác yểm trợ cũng như phán đoán sai lầm về thời gian có mặt lập tức của Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ngưng Bắn khiến Bắc quân có nhiều thời gian chuẩn bị phản công.
# Tuy nhiên phía Việt Nam Cộng Hòa sau đó đã có cơ hội phục hận ở Sa Huỳnh. Với thành tích trong trận đánh Cửa Việt, các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa tham chiến sau đây đã được tuyên dương công trạng với U.S. Valorous Unit Award của Hoa Kỳ: Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến
# Lực Lượng Đặc Nhiệm Tango (Sư Đoàn TQLC và Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh)
# Tiểu Đoàn 2,4 và 9 Thủy Quân Lục Chiến
# Bộ chỉ huy Thiết Đoàn 20 Chiến Xa, Chi Đoàn 1/20 và 3/20 Chiến Xa
# Chi Đoàn 1/17 và 2/17 Kỵ Binh
# Chi Đoàn 2/18 Kỵ Binh
Sau khi hiệp định ngừng bắn có hiệu lực được ít ngày, Bắc Việt cho sát nhập hai chiến trường B-4 và B-5 lại thành một, gọi là Quân Khu Trị-Thiên, bí danh B-4. Thiếu Tướng Cộng Sản Cao Văn Khánh trở thành tư lệnh Mặt Trận B-4, Đại Tá Lê Tự Đồng là chính ủy trong khi Đại Tá Hoàng Văn Thái là tư Lệnh phó và Đại Tá Nguyễn Hữu An là tư Lệnh phó kiêm tham mưu trưởng. Lực lượng chủ lực của Bắc Quân gồm Sư Đoàn 304, 324B và 325 bố trí ở khu vực Bắc Quảng Trị cùng với các trung đoàn độc lập 4, 5, 6, và 271 của Quân Khu Trị-Thiên bố trí ở phía Tây Huế ở hướng Đường 12 và các lực lượng yểm trợ như Lữ Đoàn 164 Pháo Binh, Lữ Đoàn 219 Công Binh, Lữ Đoàn 203 Thiết Giáp.
Các sư đoàn tổng trừ bị 308, 312, và 320B được đưa vào từ Lào và Miền Bắc để tham gia cuộc tổng tấn công đã được rút về Miền Bắc để dưỡng quân và hồi phục sau những tổn thất nặng nề. Phía quân đội Việt Nam Cộng Hòa có Sư Đoàn 1 BB và hai sư đoàn tổng trừ bị cơ động chiến lược Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến tăng viện từ Bộ Tổng Tham Mưu /Quân Lực VNCH cùng các đơn vị cơ hữu của Quân Ðoàn 1 như Biệt Động Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh, Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân, v.v. Phía Bắc Việt, chủ yếu là hoạt động cũng cố và bảo vệ các vùng đất đã chiếm được trong chiến dịch Nguyễn Huệ vào mùa hè 1972, đặc biệt là thị trấn Đông Hà trở thành một trung tâm tiếp vận lớn cùng với cảng Cửa Việt.
Bắc Việt cũng bắt đầu xây dựng con đường chiến lược mới Đông Trường Sơn chạy dài từ khu vực Khe Sanh xuống khu vực Tân Cảnh-Dakto nối vào Quốc Lộ 14 xuống tận Lộc Ninh cũng như những nhánh đường mòn tiếp-vận chạy dài từ khu vực rừng núi phía Tây các tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam ra hướng đồng bằng duyên hải để cắt đứt Quốc Lộ 1 và cô lập Huế và Đà Nẵng trong nổ lực tổng tấn công sắp đến. Phía quân đội Việt Nam Cộng Hòa chủ yếu là bảo vệ các vị trí quân sự quan trọng, khu vực đồng bằng duyên hải và các trung tâm đô thị, các khu vực tái định cư cho đồng bào Quảng Trị chạy nạn chiến tranh, và duy trì lưu thông liên lạc trên Quốc Lộ 1 huyết mạch chạy xuyên qua Quân Khu 1 dọc theo Biển Nam Hải.
NHẬN ÐỊNH TÌNH HÌNH SÁU THÁNG CUỐI NĂM 1973 Ở QUÂN KHU 1
Trong sáu tháng cuối năm 1973, Bắc Việt tập trung nổ lực tái xây dựng lực lượng chiến đấu và mở rộng đường vận chuyển cùng các kho tiếp vận. Mức độ chiến trận thấp do các đường vận chuyển và kho tiếp vận của Bắc Quân ở phía Tây không bị quân đội Việt Nam Cộng Hòa quấy rối. Quân Cộng Sản tiếp tục xây dựng các công cuộc tiếp-vận để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công mới mà không cần che đậy và tăng cường lực lượng phòng không để ngăn chận nổ lực trinh sát trên không trung của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân Ðoàn 1, cũng thay đổi kế hoạch phòng thủ với Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến bảo vệ hướng Bắc tiếp giáp với Miền Bắc ở tỉnh Quảng Trị. Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến được tăng cường Trung Đoàn 51 của Sư Đoàn 1 BB bảo vệ phía Tây Quốc Lộ 1 thay thế Sư Đoàn Nhảy Dù. Sư Đoàn Nhảy Dù bảo vệ khu vực trọng yếu Cổ Bi-cầu An Lỗ. Sư Đoàn 1 BB đảm nhiệm khu vực phía Tây và Nam Huế chạy dài đến đèo Hải Vân. Sư Đoàn 3 Bộ Binh bảo vệ tỉnh Quảng Nam bao gồm thành phố Đà Nẵng và phía Bắc tỉnh Quảng Tín tại khu vực thung lũng Quế Sơn trong khi Sư Đoàn 2 Bộ Binh trách nhiệm từ phía Nam thung lũng Quế Sơn đến biên giới tỉnh Bình Định thuộc Quân Khu 2.
Hình chụp từ trực thăng UH-1 nhìn xuống căn cứ Cửa Việt. Ngày 28 tháng 1 năm 1973, lúc 7 giờ 58 phút sáng một lực lượng gồm 300 lính Cọp Biển VNCH đã chọc thủng phòng tuyến đối phương và sau đó cắm cờ ngay cảng Cửa Việt. Nhưng sau đó, ngày 31 tháng 1, hai trung đoàn Bắc Việt có chiến xa và pháo binh yểm trợ đã mở cuộc tấn công và dành lại căn cứ này. (HÌNH ẢNH: Herman W. Hughes)
Khu vực trách nhiệm của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, nơi diễn ra trận đánh đẩm máu nhất trong chiến cuộc Việt Nam trong năm 1972, là khu vực yên tỉnh và ổn định nhất ở Quân Khu 1, nếu không nói là trên cả nước Việt Nam Cộng Hòa. Tiếng súng đã yên tỉnh từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1973 và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ngoài Trung Đoàn 51 của Sư Đoàn 1 BB còn kiểm soát 6 tiểu đoàn Địa Phương Quân và 12 đại đội Nghĩa Quân của tỉnh Quảng Trị, cùng Thiết Đoàn 18 Kỵ Binh và một chi đoàn chiến xa M-48.
ChuẩnTướng Bùi Thế Lân, tư lệnh Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến , cho đóng xen kẻ các đơn vị TQLC với các đơn vị Ðịa Phương Quân Quảng Trị trong các vị trí phòng thủ. Cuối năm 1973, Tướng Lân nhận Liên Đoàn 15 BĐQ ra thay cho Trung Đoàn 51 Bộ Binh trở về lại Sư Đoàn 1. Tình hình yên tĩnh trong khu vực trách nhiệm cho phép Tướng Lân giữ một lữ đoàn làm trừ bị sư đoàn và các tiểu đoàn thay phiên về khu vực hậu cứ ở Thủ Đức nghĩ hai tuần dưỡng quân và thăm viếng gia đình. Mặc dầu phải trú quân và liên tục đối diện với kẻ thù Cộng Sản ở Quảng Trị từ đầu năm 1971, tinh thần chiến đấu của Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến được Phòng Tùy Viên Quân Sự Mỹ ở Việt Nam (Defense Attache’s Office-DAO) đánh giá là cao nhất trong toàn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Khu vực trọng yếu nhất bảo vệ Huế là cầu An Lỗ bắc ngang qua sông Bồ, cách Huế 15 km về phía Bắc bởì nếu khu vực này bị Bắc quân chiếm, Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến sẽ bị cắt đứt ở Quảng Trị với lãnh thổ còn lại của miền Nam Việt Nam. Do đó sư đoàn Nhảy Dù được giao trách nhiệm phòng thủ khu vực này, tăng cường hai tiểu đoàn Địa Phương Quân, một chi đoàn chiến xa M-48 và một chi đoàn thiết vận xa M-113.
Từ tháng 5 năm 1972 khi toàn bộ Sư Đoàn Nhảy Dù được điều ra Quảng Trị để chuẩn bị phản công cho đến tháng Giêng năm 1974, sư đoàn đã bị thiệt hại 2 ngàn 900 chết, 12 ngàn bị thương và 300 mất tích. Với quân số khả dụng chỉ có 13 ngàn 500, có thể nói hầu hết các cấp chỉ huy tài ba cũng như những chiến binh dày dạn kinh nghiệm chiến trường đều đã chết hay bị thương. Các đơn vị Nhảy Dù vì vậy có nhiều tân binh hay sĩ quan chưa dầy dạn kinh nghiệm chiến trường. Đến cuối năm 1973, tinh thần chiến đấu cao cũng như truyền thống anh dũng của binh chủng này bị phần nào giảm bớt khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Miền Nam Việt Nam làm đời sống người lính và gia đình, vốn đã khốn khổ, càng thêm bi đát. Phẩm chất của lính và sĩ quan mới ngày càng suy giảm cũng như số lượng bổ sung không đủ trám vào những tổn thất chiến trận.
Tuy có khó khăn, Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, vẫn duy trì hai tiểu đoàn làm trừ bị sư đoàn. Khu vực trách nhiệm của Sư Đoàn 1 BB bị áp lực nặng và Trung Đoàn 3 phải rút bỏ hai cứ điểm vào cuối tháng 7 và bốn vị trí dọc sông Bồ vào cuối tháng 8. Một loạt các cứ điểm dọc theo Ngoc Ke Trai lọt vào tay quân Bắc Việt trong tháng 11 đã làm mệt mỏi tinh thần chiến đấu của lính cũng như yếu kém trong vấn đề chỉ huy ở Sư Đoàn 1 BB. Sư đoàn này rất lừng danh và đã từng được nhiều niềm ngưỡng mộ. Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, tư lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, phải cho tăng cường một tiểu đoàn củaTrung Đoàn 1 và một tiểu đoàn của Trung Đoàn 51 vào khu vực trách nhiệm của Trung Đoàn 3 ở tuyến sông Bồ.
Chỉ đến sau khi Trung Tướng Ngô Quang Trưởng thay Tướng Thân bằng Đại tá Nguyễn Văn Điềm vào ngày 31 tháng 10/1973 thì phòng tuyến mới ổn định. Tuy nhiên Đại tá Điềm cũng không cải thiện được nhiều về sự suy giảm về tinh thần của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, do vượt ngoài khả năng của ông mặc dầu ông đã phục vụ lâu dài ở đơn vị này. Sư Đoàn 1 BB phải bảo vệ một khu vực trải dài theo Quốc Lộ 1 luôn luôn bị áp lực nặng của Bắc quân cũng như thời tiết khắc nghiệt và ảnh hưởng của những cơn mưa bảo triền miên. Sự thiếu hụt về tiếp tế cho các vị trí tiền đồn trên miền rừng núi cộng với điều kiện sinh sống ngày càng khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế làm quyết tâm chiến đấu của người lính bị hao mòn dần.
Trung Đoàn 54 giữ khu vực núi Mõ Tàu và các vị trí quan trọng ở sông Tả Trạch, qua quận Phú Lộc đến tận chân đèo Hải Vân. Núi Bạch Mã với độ cao 1,448 mét ở Phú Lộc là một vị trí lý tưởng để khống chế Quốc Lộ 1 và cắt đứt hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên với lãnh thổ còn lại của miền Nam Việt Nam. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa duy trì một cứ điểm ở đỉnh núi do hai đại đội Địa Phương Quân trú đóng, tiếp tế bằng trực thăng nhưng khi bị sương mù hay mưa lớn thì phải tiếp tế khổ cực bằng chân. Tháng 9 năm 1973 Bắc Quân tấn công và chiếm cao điểm này.
-------
II. MẶT TRẬN NAM HẢI VÂN
Khu vực Nam Hải Vân ở Quân Khu 1 của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bao gồm ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng, nơi đặt bộ tư lệnh Quân Đoàn 1/Quân Khu 1 do Trung Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy từ mùa hè 1972. Đà Nẵng cũng có một căn cứ không quân, hải quân và tiếp vận/yểm trợ to lớn do Quân Đội Hoa Kỳ xây dựng và để lại cùng với bộ tư lệnh của Sư Đoàn 3 Bộ Binh (BB), Sư Đoàn 1 Không Quân (KQ) và Hải Quân (HQ) Vùng 1 Duyên Hải. Với dân số 600,000 người, Đà Nẵng là thành phố lớn thứ nhì của Việt Nam Cộng Hòa với tầm quan trọng chỉ kém thủ đô Sàigòn. Ngoài Đà Nẵng, Quân Đội Mỹ cũng xây dựng mới một căn cứ quân sự lớn nằm sát biển Nam Hải trong tỉnh Quảng Tín ở giữa Tam Kỳ và ranh giới với Quảng Ngãi đặt tên là Chu Lai.
Trước năm 1972, lực lượng đồng minh trấn đóng trong khu vực này gồm có Sư Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ, Sư Đoàn 23 BB Mỹ (Americal) và Lữ Đoàn 2 TQLC Đại Hàn (Thanh Long) trong khi Quân Lực VNCH có Trung Đoàn 51 biệt lập chịu trách nhiệm Biệt Khu Quảng Đà và Sư Đoàn 2 BB chịu trách nhiệm toàn bộ khu vực còn lạI với bộ chỉ huy sư đoàn ở căn cứ Chu Lai cùng vớI Thiết Đoàn 4 Kỵ Binh, Trung Đoàn 5 hoạt động gần HộI An (Quảng Nam), Trung Đoàn 6 tạI căn cứ Artillery Hill (Quảng Tín) và Trung Đoàn 4 tạI căn cứ Bronco (Quảng Ngãi). Do vùng trách nhiệm rộng lớn, Sư Đoàn 2 BB cũng được trợ lực bởi 6 tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân (BĐQ) Biên Phòng. Sau khi lực lượng đồng minh triệt thoái và Trung Đoàn 51 biệt lập tăng cường cho Sư Đoàn 1 BB bảo vệ phía tây Huế, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa ở phía nam đèo Hải Vân bị yếu đi, không kể Sư Đoàn 2 BB là một trong các sư đoàn chủ lực yếu kém của VNCH. Tuy nhiên quân đội vẫn duy trì một mức độ kiểm soát an ninh vừa phải, được yểm trợ bởi một số phi vụ oanh kích chiến lược B-52 liên tục đánh xuống một vài mục tiêu chọn lọc.
Đèo Hải Vân, tháng 10 năm 2005, với bảng giao thông trên đường (HÌNH ẢNH: Christina Kelsey).
Sau khi Sư Đoàn 3 BB tân lập bị tan hàng ở Quảng Trị trong mùa hè 1972, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 cho tái xây dựng lại ở Trung Tâm Huấn Luyện (TTHL) Hòa Cầm và giao cho trách nhiệm phòng giữ tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, dưới sự chỉ huy của vị tư lệnh mới là Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh, nguyên là tư lệnh Biệt Khu Quảng Đà và Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 1. Về phía Bắc Việt, khu vực Nam Hải Vân cùng với khu vực duyên hải Trung Phần của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn và Khánh Hòa thuộc quyền chỉ huy của Quân Khu 5 (bí danh B-1) với bộ chỉ huy thường nằm ở khu vực Hiệp Đức ở tận cùng của thung lũng Quế Sơn phân chia hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín.
Thiếu Tướng Chu Huy Mân là tư lệnh (Mân sau lên đại tướng và nắm chức Chính Ủy Toàn Quân), Võ Chí Công là chính ủy (Công sau làm chủ tịch nước Việt Nam Cộng Sản) và Đại Tá Đoàn Khuê là phó chính ủy (Khuê sau lên tướng giữ chức Tư Lệnh Quân Khu 5 rồi leo lên đến chức đại tướng và giữ chức Bộ Trưởng Quốc Phòng). Quân Khu 5 Cộng Sản có hai đại đơn vị chủ lực là Sư Đoàn 2 và 3 Bắc Việt. Sư Đoàn 2 hoạt động trong khu vực rừng núi phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, và Quảng Ngãi từ hậu cứ trong khu vực Hiệp Đức trong khi Sư Đoàn 3 (còn được gọi là sư đoàn "Sao Vàng") hoạt động ở phía nam Quảng Ngãi và Bình Định từ hậu cứ ở mật khu An Lão. Cuối năm 1971, để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Xuân-Hè 1972 (chiến dịch Nguyễn Huệ của Cộng Sản Bắc Việt), Quân Khu 5 Cộng sản cho thành lập Sư Đoàn 711 với 3 trung đoàn bộ binh gồm 31, 38 và 270 cùng Trung Đoàn 572 Pháo Binh-Thiết Giáp yểm trợ.
Trong cuộc tổng tấn công này, Sư Đoàn 2 Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) di chuyển vào khu vực Tam Biên (biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Cam Bốt) để hỗ trợ cho Mặt Trận Tây Nguyên (bí danh B-3) trong trận đánh Kontum. Bị thiệt hại nặng nề, đơn vị này rút về hậu cứ ở khu vực Hiệp Đức để dưỡng quân và tái xây dựng. Để trả công cho mặt trận B-1, mặt trận B-3 cũng gởi theo Trung Đoàn 52 của Sư Đoàn 320 về hoạt động trong tỉnh Quảng Ngãi. Sư Đoàn 3 CSBV, nổi tiếng với biệt danh Sao Vàng và hoạt động từ hậu cứ trong mật khu An Lão, tấn công và chiếm đóng ba quận Hoài Ân, Hoài Nhơn và Tam Quan ở phía bắc tỉnh Bình Định.
Sau khi tan hàng ở Tân Cảnh, Sư Đoàn 22 BB được tái xây dựng lại và sau đó đã cùng Biệt Ðộng Quân tái chiếm lại ba quận trên, gây thiệt hại nặng cho Sư Đoàn 3 Sao Vàng. Mặt Trận B-1 cũng cho Sư Đoàn 711 được Trung Đoàn 572 Pháo Binh-Thiết Giáp yểm trợ tiến chiếm các quận lỵ Quế Sơn, Tiên Phước và Ba Tơ và gây áp lực nặng lên khu vực Mộ Đức và Đức Phổ trong tỉnh Quảng Ngãi. Đơn vị này sau đó đã bị thiệt hại nặng khi Quân Đoàn 1 dùng Sư Đoàn 2 và 3 BB cùng Biệt Ðộng Quân tái chiếm lại các vùng đất bị mất ở khu vực Nam Hải Vân.
TÌNH HÌNH QUÂN SỰ CUỐI NĂM 1972
Phối hợp với các mặt trận khác trong cuộc tổng tấn công Xuân-Hè 1972, và để giảm bớt áp lực của Quân Lực VNCH trong nổ lực tái chiếm lại thị xã Quảng Trị trong khu vực Bắc Hải Vân, Quân Khu 5 Cộng Sản cho Sư Đoàn 711 với Trung Đoàn 572 Pháo Binh-Thiết Giáp yểm trợ mở nhiều cuộc tấn công mạnh mẽ vào thung lũng Quế Sơn, tiến chiếm các quận lỵ Hiệp Đức, Quế Sơn và Tiên Phước. Bị mất ba quận lỵ trong khu vực trách nhiệm của mình, Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp xin từ chức dù Sư Đoàn 2 BB sau đó đã tái chiếm lại quận lỵ Quế Sơn và “người hùng An Lộc” Đại Tá Trần Văn Nhựt ra nắm chức tư lệnh Sư Đoàn 2 BB vào ngày 28 tháng 8/1972 khiến khả năng chiến đấu của đơn vị này cải thiện nhiều so với lúc trước.
Khi này Trung Đoàn 5 và 6 của Sư Đoàn 2 BB bị thiệt hại nặng trong các trận đánh với Sư Đoàn 711 Bắc Việt (sau khi chiếm Quế Sơn đang lấn ra quận Duy Xuyên để uy hiếp Đà Nẵng), đang được bổ sung quân số bằng cách đôn quân từ lực lượng Ðịa Phương Quân/Nghĩa Quân trong hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi. Trung Đoàn 4 tăng cường cho Sư Đoàn Nhảy Dù ở mặt trận Quảng Trị vừa trở về. Đổi lại Sư Đoàn 2 BB được tăng cường với Trung Đoàn 2 của Sư Đoàn 3 BB để đảm nhiệm phần lãnh thổ trách nhiệm chạy dài 150 km theo Quốc Lộ 1 đến biên giới tỉnh Bình Định của Quân Khu 2.
Cuối tháng Chín, Trung Đoàn 5 vào tăng cường cho Tiểu Đoàn 77 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng nhưng vẫn không giữ được Tiên Phước. Đại Tá Nhựt cho mở các cuộc hành quân để lấy lại thế chủ động và giải tỏa áp lực địch trong khu vực trách nhiệm, tập trung vào tỉnh Quảng Ngãi nơi Sư Đoàn 2 CSBV và Trung Đoàn 52 của Sư Đoàn 320 vừa chuyển về từ mặt trận Kontum. Đầu tiên là hành quân tái chiếm Tiên Phước với Trung Đoàn 6 tăng cường Trung Đoàn 2 từ Sư Đoàn 3 BB. Sau đó Sư Đoàn 2 BB cho Trung Đoàn 4 và 5 BB tăng cường Liên Đoàn 2 BĐQ và Tiểu Đoàn 78 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng, được Thiết Đoàn 4 Kỵ Binh yểm trợ mở cuộc hành quân giải tỏa Mộ Đức và Đức Phổ đang bị áp lực của Trung Đoàn 52 và Sư Đoàn 3 Sao Vàng.
Sau thắng lợi Tiên Phước, Trung Đoàn 6 và Liên Đoàn 1 BĐQ mở cuộc hành quân giải tỏa khu vực bán đảo Ba Làng An với ngôi làng Mỹ Lai nổi tiếng. Trung Đoàn 5 cố gắng trái chiếm lại Ba Tơ do Trung Đoàn 52 CSBV giữ nhưng không thành công. Sau khi Sư Đoàn 3 BB tân lập bị tan hàng ở Quảng Trị trong mùa hè 1972, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 cho tái xây dựng lại ở Trung Tâm Huấn Luyện Hòa Cầm và giao cho trách nhiệm phòng giữ tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là ở hướng tây nam qua ngã thung lũng Quế Sơn và quận Đức Dục nơi mà Sư Đoàn 711 Bắc Việt đã cố chiếm được các mục tiêu quan trọng đặt phi trường và thành phố Đà Nẵng trong tầm pháo.
Sư Đoàn 3 BB dùng Trung Đoàn 2 tăng cường Trung Đoàn 6 của Sư Đoàn 2 BB sau đó đã tái chiếm lại Tiên Phước, lấy lại tinh thần và niềm tin sau cuộc triệt thoái cay đắng khỏi Quảng Trị. Sư Đoàn 3 BB cũng tiến dần vào khu vực Hiệp Đức với căn cứ Ross là vị trí tiền đồn sâu nhất trong thung lũng Quế Sơn. Do thành quả này, Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh là tư lệnh sư đoàn duy nhất của Quân Lực VNCH được thăng cấp Thiếu Tướng trong năm 1973 và Sư Đoàn 3 BB được Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH đánh giá là một trong những sư đoàn khá nhất của quân đội..
Từ hậu cứ ở Hiệp Đức, Sư Đoàn 711 Bắc Việt dàn quân trên các sườn núi hai bên thung lũng để chờ cơ hội tiến ra khu vực đồng bằng duyên hải. Cuối năm 1972 Sư Đoàn 3 BB mở cuộc hành quân tấn công vào khu vực căn cứ địa của Quân Khu 5 Cộng Sản ở Hiệp Đức và tiến khá sâu nên Trung Tướng Ngô Quang Trưởng khai thác thuận lợi này, cho tăng cường Trung Đoàn 51 từ Sư Đoàn 1 BB vào ngày 03 tháng 1/1973. Chuẩn Tướng Hinh dùng Trung Đoàn 51 để tấn công vào khu vực căn cứ West ở đồi 1460 bảo vệ Hiệp Đức từ phía đông trong khi Trung Đoàn 2 kiểm soát tỉnh lộ 534 dẫn vào Hiệp Đức.
Tuy nhiên đến cuối tháng Giêng năm 1973, Sư Đoàn 3 BB phải hủy bỏ cuộc hành quân này để rút về yểm trợ cho các đơn vị Ðịa Phương Quân/Nghĩa Quân giải tỏa các cuộc hành quân “dành dân lấn đất” trước ngày ngưng bắn trong các khu vực phía tây và tây nam Đà Nẵng trong các quận Hiếu Đức, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đức Dục và Quế Sơn. Mặc dầu chỉ có hai sư đoàn bộ binh tương đối yếu cùng các đơn vị BĐQ Biên Phòng và Ðịa Phương Quân/Nghĩa Quân, Quân Lực VNCH vẫn có thể bảo vệ các trung tâm dân cư chính cũng như Quốc Lộ 1 huyết mạch chạy dọc theo bờ biển Nam Hải do các đơn vị Bắc quân không hùng hậu như ở phía bắc đèo Hải Vân và cả hai đơn vị chủ lực chính, Sư Đoàn 2 và 711, đều bị thiệt hại nặng nề.
TÌNH HÌNH QUÂN SỰ SAU NGÀY NGƯNG BẮN
Trong chiến dịch “dành dân, lấn đất,” quân Bắc Việt cho các đơn vị địa phương tấn công vào các quận lỵ, thôn xóm cũng như cắt đứt các trục giao thông liên lạc trên khắp khu vực Nam Hải Vân và pháo kích hỏa tiển vào Đà Nẵng. Tuy nhiên Quân Lực VNCH sau đó đã kịp thời mở các cuộc hành quân giải tỏa lấy lại được hầu hết các khu vực bị tạm chiếm cũng như gây thiệt hại nặng cho các đơn vị Bắc quân. Lúc ấy, ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra một trận đánh quan trọng trong giai đoạn ngừng bắn.
TRẬN ĐÁNH SA HUỲNH
Sa Huỳnh là một làng chài lưới và làm muối biển với 3,000 cư dân nằm ở phía nam quận Đức Phổ trên Quốc Lộ 1 tiếp giáp với tỉnh Bình Định thuộc lãnh thổ Quân Khu 2 do một tiểu đoàn Ðịa Phương Quân của tỉnh Quảng Ngãi bảo vệ. Do đây là một cửa khẩu quan trọng trên Quốc Lộ 1 huyết mạch nối liền hai quân khu cực bắc của Việt Nam Cộng Hòa nên Quân Khu 5 Cộng Sản đã chuẩn bị đánh chiếm để gây bất lợi về cả quân sự lẩn chính trị cho chính phủ VNCH. Mặt Trận B-1 sử dụng Trung Đoàn 141 tăng cường một tiểu đoàn của Trung Đoàn 1 từ Sư Đoàn 2 CSBV tấn công Sa Huỳnh từ hướng bắc trong khi hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 12 từ Sư Đoàn 3 Sao Vàng trong tỉnh Bình Định tấn công từ phía nam vào ngày 27 tháng 1/1973.
Bị sáu tiểu đoàn Bắc quân tràn ngập, đơn vị Ðịa Phương Quân rút về cố thủ trong một cứ điểm cuối cùng trước khi thất thủ vào ngày hôm sau. Quốc Lộ 1 bị cắt đứt từ phía nam quận Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi trong lãnh thổ Quân Khu 1 đến phía bắc quận Tam Quan của tỉnh Bình Định trong lãnh thổ Quân Khu 2. Do vị trí chiến lược quan trọng của Sa Huỳnh và để trả đủa hành vi xâm phạm hiệp định ngưng bắn ở Cửa Việt ở khu vực Bắc Hải Vân, Sư Đoàn 2 BB cho mở cuộc hành quân tái chiếm lại Sa Huỳnh.
Một ngôi làng gần cửa biển Sa Huỳnh (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm).
Trung Đoàn 5 BB từ Quảng Tín vào đánh giải tỏa nhưng không thành công. Quân Khu 5 Cộng Sản cho tăng cường một tiểu đoàn phòng không và một đại đội hỏa tiển AT-3 (hỏa tiển chống chiến xa) yểm trợ cho sáu tiểu đoàn Bắc quân “đóng chốt” trên sườn núi và giữa Quốc Lộ 1 và bờ biển. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng phải cho tăng cường Liên Đoàn 1 BĐQ từ mặt trận Quảng Trị di chuyển vào Mộ Đức rồi tiến về Sa Huỳnh theo Quốc Lộ 1, thanh toán các mục tiêu dọc theo bờ biển trong khi Trung Đoàn 5 tiến chiếm các mục tiêu trên sườn núi. Quân Lực VNCH tiến rất chậm do địa thế hiểm trở trong khi Bắc quân “đóng chốt” trong các công sự phòng thủ kiên cố. Các đơn vị VNCH phải áp dụng chiến thuật đánh chốt ban đêm cũng như chặn đường liên lạc, tiếp tế và tải thương của Bắc quân ở phía sau.
Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt cũng cho thi hành các hoạt động nghi binh như cho Trung Đoàn 4 BB ra vẻ chuẩn bị tái chiếm Ba Tơ để cầm chân Trung Đoàn 52 CSBV, không cho tăng viện cho Sa Huỳnh đồng thời cho quân vận hạm của Hải Quân VNCH chở binh sĩ với thiết vận xa M-113 chạy sát bờ biển và cho bắn phá vào khu vực này như sắp mở cuộc hành quân đổ bộ để thu hút Bắc quân ra hướng bờ biển. Tướng Nhựt cũng gởi các toán viễn thám vào sâu phía sau để báo cáo các hoạt động tăng viện cho Sa Huỳnh từ hướng mật khu An Lão trong tỉnh Bình Định của Sư Đoàn 3 Sao Vàng để cho quân đội VNCH dùng hỏa lực phi pháo tiêu diệt. Ngày 16 tháng 2 tướng Nhựt cho Trung Đoàn 4 BB được Thiết Đoàn 4 Kỵ Binh yểm trợ đánh thẳng vào dứt điểm Sa Huỳnh. Bắc quân cố chống trả nhưng cuối cùng phải rút bỏ để lại trên 600 xác.
TÌNH HÌNH MẶT TRẬN NAM HẢI VÂN SAU NGÀY NGỪNG BẮN
Khi hiệp định ngừng bắn Paris có hiệu lực thì tương tự như khu vực Bắc Hải Vân, phía CSBV kiểm soát được khu vực rừng núi thưa dân ở phía tây bao gồm quận lỵ Ba Tơ trong tỉnh Quảng Ngãi trong khi phía Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát khu vực đồng bằng duyên hải nhỏ hẹp đông dân chạy dài từ đèo Hải Vân đến biên giới tỉnh Bình Định thuộc Quân Khu 2 bao gồm khu vực đồng bằng lớn nhất Miền Trung xung quanh thành phố Đà Nẵng. Quân Lực VNCH cũng duy trì các tiền đồn nằm sâu trong các khu vực rừng núi ở phía tây do Bắc quân kiểm soát như Thượng Đức, Đức Dục (Quảng Nam), Tiên Phước, Hậu Đức (Quảng Tín), Gia Vực, Minh Long (Quảng Ngãi). Sau trận đánh Sa Huỳnh, tình hình quân sự tương đối yên tỉnh so với ba quân khu khác và an ninh ở miền quê ổn định đến mức dân cư chạy nạn chiến tranh trong mùa hè 1972 đã trở về xây dựng lại cuộc sống mớI dưới sự bảo vệ của Quân Lực VNCH.
Giữa năm 1973 do bị thiệt hại nặng nề, Quân Khu 5 Cộng Sản cho giải tán Sư Đoàn 711 và Trung Đoàn 270 của sư đoàn này. Trung Đoàn 31 và 38 sát nhập qua Sư Đoàn 2 CSBV trong khi các đơn vị còn lại được sát nhập vào Trung Đoàn 52 để hình thành Lữ Đoàn 52, hoạt động trong khu vực Quảng Ngãi. Được bổ sung chiến xa, đại pháo và súng phòng không từ Miền Bắc trong nổ lực tái xây dựng lực lượng chiến đấu trong Miền Nam bị thiệt hại nặng nề sau cuộc tổng tấn công Xuân-Hè 1972 và vi phạm trắng trợn hiệp định ngừng bắn, Quân Khu 5 cho thành lập Trung Đoàn 571 Thiết Giáp, Trung Đoàn 572 Pháo Binh và Trung Đoàn 573 Phòng Không là lực lượng yểm trợ chiến đấu chính của quân khu từ Trung Đoàn 572 Thiết Giáp-Phòng Không cũ.
Hình chụp vào mùa hè năm 1973 tại một ngôi làng nằm gần và về hướng tây Saigon. Vài người lính VNCH cùng một ông lão trong làng đang xem bản tin trên nhật báo nói về Hiệp Ðịnh Paris, một hiệp định đình chiến được ký kết giữa ba quốc gia để mang "hòa bình" đến trên toàn lãnh thổ Việt Nam. (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm).
Sư Đoàn 3 BB do Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh chỉ huy chịu trách nhiệm tỉnh Quảng Nam bao gồm thành phố Đà Nẵng cho đến thung lũng Quế Sơn ngay ranh giới Quảng Tín. Tình hình ổn định cho phép tướng Hinh giữ toàn bộ Trung Đoàn 2 làm trừ bị sư đoàn trong khi Trung Đoàn 56 đóng ở phía nam quận Đại Lộc và phía bắc quận Đức Dục và Trung Đoàn 57đóng ở thung lũng Quế Sơn, mỗi trung đoàn giữ một tiểu đoàn là trừ bị trung đoàn. Tướng Hinh, một trong các tư lệnh sư đoàn hữu hiệu nhất của Quân Lực VNCH, tin tưởng rằng đơn vị ông có thể bảo vệ được Đà Nẵng.
Trong khu vực 9 quận của tỉnh Quảng Nam, quân đội kiểm soát khu vực đồng bằng xung quanh Đà Nẵng nhưng 5 quận lỵ vẫn nằm trong tầm bắn của đại pháo 130 ly của quân Bắc Việt, đáng lo ngại nhất là Thượng Đức và Đức Dục nằm xa nhất về hướng Tây và Tây-Nam Ở phía nam, Sư Đoàn 2 BB dưới sự chỉ huy của Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt đã phải gánh nhiệm một trọng trách nặng nề và khó khăn là bảo vệ 150 km của Quốc Lộ 1 với nhiều cầu cống qua hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi cùng khu vực đồng bằng duyên hải và các trung tâm dân cư dọc theo quốc lộ này, không kể vị trí chiến lược Sa Huỳnh tiếp giáp với Quân Khu 2.
Tướng Trưởng vì vậy thường tăng cường một hay hai liên đoàn Biệt Ðộng Quân trong khu vực hành quân của tướng Nhựt. Sau thắng lợi Sa Huỳnh, tướng Nhựt cho Sư Đoàn 2 BB và BĐQ yểm trợ cho các đơn vị Ðịa Phương Quân/Nghĩa Quân mở các cuộc hành quân giải tỏa ở phía tây Quốc Lộ 1để mở rộng khu vực an ninh hoạt động cũng như cắt đứt các đường tiếp tế của Bắc quân và cô lập họ với nguồn lương thực cũng như nhân lực cho công tác tuyển quân ở khu vực đồng bằng.
Trung Đoàn 4 được giao cho nhiệm vụ quan trọng bảo vệ Sa Huỳnh và quận Đức Phổ. Trung Đoàn 5 hoạt động trong khu vực Mộ Đức trong khi Liên Đoàn 11 BĐQ dưới quyền chỉ huy hành quân của tướng Nhựt hoạt động trong quận Sơn Tịnh phía bắc thị xã Quảng Ngãi. Trung Đoàn 6 chịu trách nhiệm từ bộ tư lệnh sư đoàn ở Chu Lai đến phía bắc Tam Kỳ. Ngoài các hoạt động quấy phá như giật sập cầu trên Quốc Lộ 1 hay tấn công các thôn xóm hẻo lánh vào ban đêm, Bắc quân tập trung nổ lực tái xây dựng lại lực lượng chiến đấu, các căn cứ tiếp vận cũng như con đường chiến lược mới Đông Trường Sơn nối liền từ thung lũng A Shau xuống Bến Giang trong tỉnh Quảng Nam để nối vào Quốc Lộ 14, chuẩn bị chờ thời cơ để tiến chiếm Miền Nam.
III. TỪ THẤT SƠN ÐẾN ÐỒNG THÁP ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG:
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, còn gọi là Miền Tây, là viên ngọc quí của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Những cánh đồng lúa bạt ngàn và những vườn cây ăn trái xum xuê do phù sa của hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang bồi đấp cùng một hệ thống 4,800 km (2,982 miles) sông, rạch, kinh đào chằng chịt là vựa lúa của VNCH, cung cấp gần 75% nhu cầu thực phẩm của cả nước. Hơn phân nửa dân số toàn quốc (khoảng 9 triệu người) sống đông đúc trong khu vực này, thuộc lãnh thổ Quân Khu 4, là nguồn nhân lực chính cho công tác tuyển quân. Khu vực này do đó có vai trò vô cùng trọng yếu về kinh tế và quân sự, ảnh hưởng đến sự sống còn của Miền Nam Việt Nam.
Giao thông bằng thủy lộ do đó có vai trò vô cùng quan trọng ở khu vực này và việc kiểm soát các thủy lộ này, chận đứng nổ lực tiếp tế liên lạc và vận chuyển lương thực của Cộng Sản là một trong những mục tiêu chính của chính phủ VNCH trong chiến trận ở Miền Tây. Quân Khu 4 cũng có một biên giới dài giáp với Cam Bốt, chạy dài từ Hà Tiên sát vịnh Thái Lan đến khu vực Mỏ Vẹt (Parrot’s Beak) giáp với tỉnh Hậu Nghĩa của Quân Khu 3. Từ Hà Tiên đến thị xã Châu Đốc có bảy ngọn núi nhỏ nhô lên khống chế khu vực đồng bằng xung quanh từ Tịnh Biên đến Tri Tôn, bao gồm núi Sam nổi tiếng gần thị xã Châu Đốc với Chùa Bà và ngày hội lớn hằng năm. Khu vực bảy ngọn núi này do đó còn có tên là Thất Sơn. Trong khu vực này Quân Lực VNCH cũng có Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Chi Lăng, đảm trách việc huấn luyện cho các đơn vị Quân Lực VNCH ở Quân Khu 4.
Sông nước Vĩnh Long, nơi đóng quân của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh VNCH
(HÌNH ẢNH: Daniel Guip)
Từ Tân Châu đến khu vực Mỏ Vẹt là khu vực Đồng Tháp bao la, đồng lầy ngập nước vào mùa mưa như một biển hồ, có nơi sâu đến 4, 5 mét khiến tàu bè là phương tiện di chuyển đi lại duy nhất. Khu vực biên giới này do đó đã được Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) xây dựng thành một khu vực căn cứ địa (nối liền với hệ thống căn cứ địa trên đất Cam Bốt và hệ thống đường vận chuyển tiếp tế Sihanouk từ cảng Sihanoukville hay Kompong Som) và hành lang xâm nhập và tiếp tế cho cả khu vực Tiền Giang (chủ yếu là Định Tường và Kiến Hòa) lẫn Hậu Giang (chủ yếu là Chương Thiện và U Minh). Quốc Lộ 4 huyết mạch chạy dài qua Miền Tây và hai con sông lớn Tiền Giang và Hậu Giang nối liền thủ đô Saigon và Cà Mau là mạch máu kinh tế của Miền Nam và là trọng điểm an ninh của VNCH ở Miền Tây.
Quân Khu 4 bao gồm 16 tỉnh: Định Tường, Gò Công, Kiến Hòa, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Sa Đéc, Kiến Phong, Kiến Tường, An Giang, Châu Đốc, Kiên Giang, Phong Dinh, Ba Xuyên, Chương Thiện, Bạc Liêu và An Xuyên. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4/Quân Khu 4 đặt ở Cần Thơ, thành phố lớn nhất Miền Tây bên bờ sông Hậu Giang, còn được biết với tên Tây Đô. Cần Thơ cũng có phi trường Trà Nóc, căn cứ không yểm chính của Miền Tây và là Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Không Quân. Ở Bình Thủy cũng có Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Sông Ngòi và căn cứ hải quân. Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn 4 từ mùa hè 1972, thay thế Trung Tướng Ngô Quang Trưởng ra chỉ huy Quân Đoàn 1 sau khi tỉnh Quảng Trị mất vào tay CSBV trong cuộc tổng tấn công Xuân Hè 1972.
Tướng Nghi, nguyên là tư lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh (BB), tiếp tục truyền thống của sư đoàn hoàng gia này, từng được chỉ huy bởi Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, thủ tướng chính phủ và Trung Tướng Đặng Văn Quang, cố vấn an ninh và quân sự cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tướng Nghi đã chứng tỏ tài chỉ huy cấp quân đoàn hiệu quả trong giai đoạn 1972-73 nhưng Sư Đoàn 21 BB từ vị trí sư đoàn thiện chiến nhất trong thập niên 1960 trở thành sư đoàn yếu kém nhất trong thập niên 1970 ở chiến trường Miền Tây.
NHỮNG CHIẾN SĨ SÌNH LẦY
Quân Đoàn 4, chỉ huy toàn bộ các đơn vị Quân Lực VNCH trên lãnh thổ Quân Khu 4, với Sư Đoàn 7, 9 và 21 BB cùng Liên Đoàn 4 Biệt Ðộng Quân (BĐQ) là đơn vị trừ bị chiến thuật, yểm trợ bởi 200,000 lính Ðịa Phương Quân (ĐPQ) và Nghĩa Quân (NQ). Do lính ĐPQ và NQ được tuyển mộ để phục vụ ở địa phương, với dân số gần phân nửa dân số toàn quốc, lực lượng ĐPQ/NQ của Quân Khu 4 chiếm gần phân nửa quân số của lực lượng ĐPQ/NQ toàn quốc và đông gấp 3 lần lực lượng ĐPQ/NQ ở Quân Khu 2 cũng như gấp đôi lực lượng này ở Quân Khu 1 và 3.
Tổ chức thành 144 tiểu đoàn và 125 đại đội độc lập trú đóng trong 3,400 cứ điểm, lực lượng này đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực bình định, giữ gìn an ninh cho các thôn xóm, đồng ruộng và vườn tược, hệ thống giao thông liên lạc rộng khắp cả trên bộ lẫn dưới nước, đặc biệt là hằng ngàn cây cầu lớn nhỏ bắt qua hệ thống sông rạch, kinh đào chằng chịt của Miền Tây. Sinh ra và lớn lên ở địa phương, người lính ĐPQ/NQ rất quen thuộc với địa hình phong thổ trong khu vực hoạt động cũng như chiến thuật du kích, mìn bẫy của cộng quân.
Tuy nhiên hầu hết các đơn vị đều bị thiếu hụt quân số, đặc biệt là sĩ quan chỉ huy do phải hành quân thường xuyên và nạn lính ma lính kiểng. Sau khi phải rút bỏ 97 cứ điểm và mất 193 cái khác sau các cuộc đột kích của cộng quân trong năm 1973 ở Quân Khu 4, Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM) Quân Lực VNCH và tướng Nghi, tư lệnh Quân Đoàn 4, cho rút bỏ các tiền đồn xa xôi, hẻo lánh, bị cô lập và khó tiếp tế cũng như gia tăng tính cơ động cho các tiểu đoàn ĐPQ để gia tăng hiệu quả chiến đãu và giảm thiệt hại. (Để biết rõ hơn về cuộc chiến đãu thầm lặng nhưng dai dẳng của những người lính ĐPQ/NQ ở Miền Tây, xin xem bài Viết Về Người Lính Địa Phương Quân của Nguyễn Hữu Nghĩa).
Trong thập niên 1960, ba tiểu đoàn BĐQ mang số 42,43 và 44 của Liên Đoàn 4 BĐQ và một số đơn vị của Sư Đoàn 21 BB đã tạo nhiều chiến công hiển hách ở Miền Tây, tạo nên huyền thoại về những chiến sĩ sình lầy và những cấp chỉ huy tài ba như Lưu Trọng Kiệt, Hồ Ngọc Cẩn, Lê Minh Đảo, Lê Văn Hưng. Riêng Tiểu Đoàn 42 BĐQ do Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt (nguyên là Đại Đội Trưởng Đại Đội 21 Trinh Sát) chỉ huy nổi tiếng dưới danh hiệu Cọp Ba Đầu Rằn, đã được hai lần tuyên dương công trạng của Tổng Thống Hoa Kỳ (Presidential Unit Citation) cũng như Tiểu Đoàn 44 BĐQ cũng được tuyên dương công trạng này một lần.
Đầu năm 1968, cũng để giảm bớt gánh nặng cho ba sư đoàn chủ lực của Quân Lực VNCH hoạt động ở Quân Khu 4, Biệt Khu 44 được hình thành để bảo vệ khu vực biên giới với Cam Bốt, kéo dài từ Hà Tiên trong tỉnh Kiên Giang đến khu vực Mỏ Vẹt ngay biên giới Kiến Tường-Long An, bao gồm các tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong, Châu Đốc, và khu vực biên giới của tỉnh Kiên Giang, với Bộ Tư Lệnh ở thị xã Cao Lãnh. Đơn vị chiến đãu chính của Biệt Khu 44 là Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh, sử dụng Liên Đoàn 4 BĐQ, 8 tiểu đoàn BĐQ Biên Phòng và 5 thiết đoàn kỵ binh của Quân Đoàn 4. Từ sau cuộc hành quân vượt biên sang Cam Bốt trong năm 1970 đến cuộc tổng tấn công Xuân-Hè 1972 của Cộng Sản Bắc Việt, Biệt Khu 44 duy trì hai căn cứ tiền phương trên đất Cam Bốt ở Neak Luong và Kompong Trach, do các đơn vị Biệt Ðộng Quân giữ để bảo vệ khu vực biên giới.
Lãnh thổ của Quân Khu 4 được phân chia trách nhiệm cho 3 sư đoàn chủ lực. Sư Đoàn 7 BB với bộ tư lệnh ở căn cứ Đồng Tâm gần thị xã Mỹ Tho, chịu trách nhiệm các tỉnh Định Tường, Gò Công và Kiến Hòa. Sư Đoàn 9 BB với bộ tư lệnh ở Sa Đéc, sau dời về Vĩnh Long, chịu trách nhiệm các tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Sa Đéc, An Giang và một phần tỉnh Kiên Giang, bao gồm thị xã Rạch Giá. Sư Đoàn 21 BB với bộ tư lệnh ở Bạc Liêu, chịu trách nhiệm các tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, và An Xuyên. Các thiết đoàn kỵ binh của binh chủng Thiết Giáp ở Miền Tây đều chỉ trang bị với thiết vận xa M-113 do chiến xa M-41 và M-48 không thích hợp với địa hình sình lầy ngập nước.
Sư Đoàn 4 Không Quân với hai phi trường lớn ở Trà Nóc (Cần Thơ) và Sóc Trăng cung cấp các hoạt động không yểm. Do địa thế bờ biển dài với hai đảo Phú Quốc và Côn Sơn cùng với hệ thống sông rạch và kinh đào đan kín cả Miền Tây, Hải Quân VNCH có sự hiện diện mạnh mẽ ở Quân Khu 4 với Vùng 4 và Vùng 5 Duyên Hải và Vùng 4 Sông Ngòi để bảo vệ các thủy lộ và khu vực bờ biển, ngăn chận các hoạt động liên lạc tiếp tế của cộng quân cũng như yểm trợ cho các đơn vị bạn trên bờ. Vùng 4 Sông Ngòi với Bộ Tư Lệnh ở Cần Thơ chỉ huy 7 giang đoàn xung phong trú đóng ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ và Long Xuyên cùng các đơn vị yểm trợ.
Ngoài ra còn có sự tăng cường của ba lực lượng đặc nhiệm (LLÐN) hải quân là Lực Lượng Đặc Nhiệm 211 (Thủy Bộ), Lực Lượng Đặc Nhiệm 212 (Tuần Thám) và Lực Lượng Đặc Nhiệm 214 (Trung Ương). Lực Lượng Đặc Nhiệm 212 (Tuần Thám) với Bộ Tư Lệnh ở Châu Đốc chỉ huy 14 giang đoàn tuần thám bảo vệ khu vực sông rạch dọc theo biên giới Việt Nam-Cam Bốt. Lực Lượng Đặc Nhiệm 214 (Trung Ương) với Bộ Tư Lệnh ở căn cứ Đồng Tâm chỉ huy các giang đoàn ngăn chận. Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ thường kết hợp các giang đoàn xung phong yểm trợ cho các đơn vị bộ chiến trong các cuộc hành quân truy lùng Cộng Sản trên các vùng sông rạch và kinh đào.
Đầu năm 1974 các lực lượng đặc nhiệm ở Quân Khu 4 được sát nhập lại thành Hạm Đội Đặc Nhiệm 21 do Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng chỉ huy tổng cộng 362 tàu đủ loại, hoạt động từ 17 căn cứ trên khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tướng Thăng cũng chỉ huy đơn vị Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi. Vùng 4 Duyên Hải với Bộ Tư Lệnh ở căn cứ An Thới trên đảo Phú Quốc chịu trách nhiệm từ biên giới lãnh hải với Cam Bốt đến mũi Cà Mau với 26 tàu tuần trên biển trong khi Vùng 5 Duyên Hải với Bộ Tư Lệnh ở Năm Căn (Cà Mau) chịu trách nhiệm dọc theo bờ biển từ mũi Cà Mau đến khu vực biển Gò Công và Cần Giờ (Long An) với 27 tàu tuần biển.
Theo tổ chức của quân đội Cộng Sản Bắc Việt, khu vực đồng bằng sông Cửu Long bao gồm luôn tỉnh Long An trực thuộc Mặt Trận Nam Bộ (hoặc Mặt Trận "B-2") với Quân Khu 8 trông coi khu vực Tiền Giang và Quân Khu 9 trông coi khu vực Hậu Giang. Sau khi được thăng vượt hai cấp cùng với Đồng Sỹ Nguyên trong kỳ thăng cấp cho các sĩ quan cao cấp toàn quân vào đầu năm 1974, Trung Tướng Lê Đức Anh giữ chức Tư Lệnh Quân Khu 9 kiêm Phó Tư Lệnh Mặt Trận B-2 trong khi Võ Văn Kiệt là Chính Ủy.
Ở Quân Khu 8, Thiếu Tướng Đồng Văn Cống là tư lệnh trong khi Thiếu Tướng Lê Văn Tưởng là Chính Ủy. Trừ khu vực núi Thất Sơn ở khu vực Hà Tiên-Châu Đốc và khu vực đầm lầy ngập nước U Minh (chạy dài từ Rạch Giá qua Chương Thiện xuống đến Cà Mau) và Đồng Tháp Mười giáp với biên giới Cam Bốt, toàn bộ lãnh thổ còn lại là khu vực đồng bằng phì nhiêu nối liền nhau bởi một hệ thống thủy lộ rộng khắp và dầy đặc với phong cảnh vẫn còn mang nét đồng quê, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến tranh du kích theo kiểu Cộng Sản.
Trừ các khu vực căn cứ địa đã được xây dựng trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất như U Minh và Đồng Tháp là nơi các trung đoàn chủ lực trú đóng, các đơn vị du kích Cộng Sản thường phân tán thành các đơn vị nhỏ cấp tiểu đoàn trở xuống để tiện việc cơ động cũng như phân tán khi bị rượt đánh. Quân đội Bắc Việt có 11 trung đoàn chủ lực hoạt động ở Miền Tây trước giai đoạn ngừng bắn. Trung Đoàn 18B, 95A, D1 và D2 hoạt động trong khu vực U Minh Thượng-Chương Thiện trong khi Trung Đoàn 24, 88, và Đồng Tháp 1 hoạt động trong khu vực Định Tường, Trung Đoàn 320 hoạt động trong tỉnh Long An và Trung Đoàn Z-15 và Z-18 hoạt động trong khu vực Kiến Tường.
Trung Đoàn D-3 hoạt động trong khu vực ranh giới hai tỉnh Vĩnh Long và Vĩnh Bình. Các đơn vị cộng quân thường được trang bị nhẹ và được yểm trợ chủ yếu bằng đại bác không giật (DKZ) và súng cối. Du kích Cộng Sản cũng sống lẫn vào dân, hoạt động tiếp cận với các viên chức chính quyền và người lính VNCH để dò la tin tức, tiếp tay cho các hoạt động đặc công, khủng bố, phá hoại. Đặc biệt là ở các vùng xôi đậu (vùng tranh chấp giữa hai bên VNCH và Cộng Sản) phe VNCH kiểm soát ban ngày nhưng phe CSBV kiểm soát vào ban đêm khiến người dân phải chịu nhiều áp lực từ cả hai phía.
Quân Khu 4 do đó trở thành trọng điểm cho nổ lực dành dân, tuyển quân và thu mua lương thực của CSBV và nổ lực bình định và tuyển quân của VNCH. Mặc dầu chiến lược của Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận B-2 cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long thay đổi thường xuyên, cuối năm 1969, Quân Ủy Trung Ương và Bộ Chính Trị Đảng CSVN xác định vai trò quan trọng chiến lược của khu vực này, cũng như chiến trường quan trọng ảnh hưởng đến kết thúc cuộc chiến. Sau đó Sư Đoàn 1 CSBV đang hoạt động ở khu vực Tây Nguyên đã di chuyển vào Nam và hoạt động dọc theo khu vực Hà Tiên-Thất Sơn từ khu vực căn cứ địa trên đất Cam Bốt.
Sư đoàn này cũng phân tán các đơn vị trực thuộc, xâm nhập vào các căn cứ địa ở Miền Tây để tiếp tay cho các trung đoàn và tiểu đoàn chủ lực địa phương. Về phía VNCH, khu vực đồng bằng sông Cửu Long trở thành trọng điểm của nổ lực bình định của liên quân VNCH và Hoa Kỳ sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Trước đó lực lượng bộ chiến Mỹ và các nước Đồng Minh tập trung hoạt động ở ba quân khu phía trên trong khi Quân Khu 4 do địa hình phong thổ và vấn đề xã hội-lịch sử, hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Việt Nam Cộng Hòa.
"Những Chiến Sĩ Sình Lầy" đang hành quân trên sông ngòi miền Nam
(HÌNH ẢNH: Fritz Degner)
Sư Đoàn 9 BB Hoa Kỳ với hai lữ đoàn di chuyển xuống hoạt động trong các tỉnh Long An, Định Tường và Kiến Hòa. Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn cũng di chuyển từ Long Thành xuống Đồng Tâm cùng lúc với sự hình thành Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy bộ (Mobile Riverine Force), cùng với các toán biệt kích SEAL của Hải Quân Mỹ hoạt động trong khu vực Rừng Sát phía nam thủ đô Saigon và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Ghi chú tác giả: Cựu thương nghị sĩ và thống đốc tiểu bang Nebraska ở Hoa Kỳ, ông Bob Kerrey từng là sĩ quan SEAL hoạt động trong khu vực này cũng như dọc theo duyên hải Việt Nam, từng bị chấn thương nặng ngoài khơi Nha Trang trong năm 1969, phải cưa chân và được ân thưởng huy chương cao quí nhất cho quân nhân Mỹ trong chiến đãu Congressional Medal of Honor.
Ông Kerrey cũng bị đề cập trong vụ tai tiếng về thảm sát thường dân ủng hộ Cộng Sản ở tỉnh Kiến Hòa trước đó cũng vào dịp đầu năm 1969). Một căn cứ quân sự lớn lao được xây dựng mới ở phía tây thị xã Mỹ Tho, nằm dọc theo sông Tiền Giang và Kinh Xáng nối ra Quốc Lộ 4, đặt tên là Đồng Tâm. Liên kết Lực Lượng Xung Kích Sông Ngòi (Riverine Assault Force) 117 của Hải Quân Hoa Kỳ và Lữ Đoàn 2 của Sư Đoàn 9 BB Hoa Kỳ, lực lượng này cơ động nhanh chóng trên hệ thống sông rạch, kinh đào chằng chịt ở Miền Tây từ một căn cứ nổi tự hành to lớn, phối hợp hoạt động với các đơn vị của Quân Lực VNCH như Sư Đoàn 7 và 21 BB, Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi và Lữ Đoàn B TQLC Việt Nam tăng phái từ BTTM Quân Lực VNCH. (Ghi chú tác giả: Thượng nghị sĩ John Kerry của tiểu bang Massachusetts, và cũng là đương kim ứng viên tổng thống năm 2004 của đảng Dân Chủ, từng chỉ huy duyên tốc đỉnh PCF hoạt động trong khu vực Năm Căn (Cà Mau) và An Thới (Phú Quốc) trước khi hồi hương và tham gia phong trào phản chiến). S
au khi quân đội Mỹ triệt thoái, để thay thế LLĐN Thủy Bộ Mỹ, Quân Lực VNCH cho thành lập Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ 211 bao gồm các giang đoàn xung phong của Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi và Lữ Đoàn B TQLC do Đại Tá Tôn Thất Soạn chỉ huy, hoạt động cho đến cuối năm 1970, bao gồm chiến dịch vượt biên sang Cam Bốt trong lãnh thổ Quân Khu 4. Tương tự như ở ba quân khu phía trên, Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ cũng thành lập một loạt các trại dân sự chiến đãu dọc theo biên giới Cam Bốt ở Quân Khu 4, từ Hà Tiên đến Đồng Tháp. Các căn cứ Tô Châu, Thạnh Trị, Tuyên Nhơn, Cái Cái, Bình Thành Thôn, Chi Lăng, Ba Xoài và Vinh Gia sau đó đã được chuyển giao lại cho Quân Lực VNCH, hình thành tám tiểu đoàn BĐQ Biên Phòng, dưới quyền chỉ huy của Biệt Khu 44.
THẤT SƠN
Khu vực Thất Sơn bao gồm bảy ngọn núi nhỏ với nhiều hang động nhô lên ngay biên giới Cam Bốt từ Tịnh Biên đến Tri Tôn, khống chế một khu vực đồng bằng rộng lớn của hai tỉnh Châu Đốc và Kiên Giang. Từ lâu Cộng Sản Bắc Việt đã xây dựng các căn cứ địa cùng kho tiếp vận trong các hang núi này. Sư Đoàn 1 CSBV từ khi di chuyển xuống đây từ khu vực Tây Nguyên vào cuối năm 1970 đã hoạt động trong khu vực này để yểm trợ cho hành lang tiếp tế và việc thu mua lương thực của CSBV từ khu vực căn cứ địa trên đất Cam Bốt qua các hệ thống thủy lộ trong tỉnh Châu Đốc và Kiên Giang xuống khu vực căn cứ địa của Quân Khu 9 Cộng Sản trong khu vực U Minh và tỉnh Chương Thiện.
Sau ngày ngưng bắn, Việt Nam Cộng Hòa cho thực hiện hoạt động phong tỏa việc tiếp tế thu mua lúa gạo ở khu vực biên giới. Cùng lúc đó quân Cộng Sản Khmer Đỏ cũng ngăn chận việc thu mua lương thực của CSBV trên đất Cam Bốt khiến cộng quân lâm vào tình trạng khủng hoảng về lương thực. Con số cán binh Cộng Sản về hồi chánh tăng vọt. Ngày 24 tháng 8/1973 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu xuống Cần Thơ để họp bàn về vấn đề kiểm soát và thu mua lúa gạo và phong tỏa nguồn lương thực tiếp tế cho Bắc quân. Đầu tháng Bảy năm 1973 Biệt Khu 44 mở cuộc hành quân tảo thanh khu vực Thất Sơn, loại bỏ mối đe dọa của Sư Đoàn 1 CSBV.
Lực lượng tham chiến gồm có Liên Đoàn 4 và 7 BĐQ và Lữ Đoàn 4 Thiết Kỵ với tổng cộng 10 tiểu đoàn BĐQ và BĐQ-Biên Phòng. Sư Đoàn 1 CSBV có Trung Đoàn 52 hoạt động ở phía bắc Hà Tiên trong khi Trung Đoàn 101D và Trung Đoàn 44 Đặc Công xâm nhập vào khu vực Núi Dài và núi Cô Tô trong tháng Chín, bắn hỏa tiển và súng cối vào các trung tâm dân cư. Đến đầu tháng 10 thì do kiệt sức vì tổn thất chiến trận và thiếu hụt lương thực trầm trọng, Quân Khu 9 Cộng Sản phải giải tán Sư Đoàn 1 CSBV. Trung Đoàn 52 và Trung Đoàn 44 Đặc Công được sát nhập qua Trung Đoàn 101D, lúc này chỉ còn 300 bộ đội để hình thành đơn vị mới cấp lữ đoàn. Đơn vị này sau đó phải rút sang Cam Bốt để dưỡng quân. Mối đe dọa cho khu vực biên giới từ Hà Tiên đến Châu Đốc đã bị loại bỏ.
HỒNG NGỰ
Đầu năm 1973 thủ đô Nam Vang (Phnom Penh) của chính phủ Lon Nol thân Mỹ bị quân Cộng Sản Khmer Đỏ phong tỏa khiến sông Tiền Giang trở thành đường tiếp tế huyết mạch chính về đạn dược, nhiên liệu và lương thực cho Nam Vang do phi trường Pochentong thường xuyên bị pháo kích. Các tàu biển và xà lan tiếp tế tập trung ở khu vực Vũng Tàu để được tàu kéo dần theo sông Tiền Giang lên đến Tân Châu (An Giang) trước khi vượt biên giới sang Cam Bốt. Thị trấn Hồng Ngự nằm dọc bờ sông Tiền Giang trong tỉnh Kiến Phong trở thành mục tiêu chiến lược quan trọng cho thủy lộ tiếp tế này.
Để đánh chiếm Hồng Ngự và cắt đứt thủy lộ tiếp tế cho Nam Vang, quân Bắc Việt sử dụng một lực lượng cấp sư đoàn gồm Trung Đoàn 207 độc lập, Trung Đoàn 174 của Sư Đoàn 5 và Trung Đoàn 272 của Sư Đoàn 9, được Trung Đoàn 75 Pháo yểm trợ tấn công vào quận Hồng Ngự vào tháng Ba năm 1973. Mặc dầu các đơn vị ĐPQ/NQ của chi khu Hồng Ngự đã chống trả quyết liệt và các phi vụ oanh tạc chiến lược của pháo đài bay B-52 trên hành lang dọc theo sông Cửu Long lên đến Nam Vang góp phần gây thiệt hại nặng cho cộng quân, áp lực Bắc quân vẫn đè nặng lên quận Hồng Ngự.
Giang Đoàn 26 Xung Phong ở Long Xuyên được lệnh tăng viện và đã yểm trợ hữu hiệu cho quân bạn cùng với Sư Đoàn 4 Không Quân cho đến tháng Tư khi Trung Đoàn 15 của Sư Đoàn 9 BB và một liên đoàn ĐPQ cơ động được Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh yểm trợ mở cuộc phản công, khai thông bờ đông của sông Tiền Giang từ Hồng Ngự lên đến biên giới Cam Bốt và gây thiệt hại nặng nề cho Bắc quân, bỏ lại 422 xác trong khi phía Việt Nam Cộng Hòa có 94 chết, 743 bị thương và 36 mất tích. Tuy nhiên tổn thất về mặt dân sự khá cao với 80 chết và 300 ngôi nhà bị phá hủy do các cuộc pháo kích bằng hỏa tiển của cộng quân mà cao điểm là 123 hỏa tiển pháo vào thị xã Hồng Ngự trong tuần lễ thứ nhì của tháng Tư (chi tiết của cuộc hành quân này đã được kể lại trong bài viết Những Dòng Sông Cũ của Trần Đỗ Cẩm).
ĐỒNG THÁP
Sau thất bại ở trận đánh An Lộc, Mặt Trận B-2 Cộng Sản di chuyển Sư Đoàn 5 CSBV sang khu vực căn cứ địa trên đất Cam Bốt trong tỉnh Svay Riêng để bổ sung quân số rồi di chuyển xuống khu vực Đồng Tháp, xâm nhập vào tỉnh Kiến Tường vào tháng Sáu năm 1972. Đồng Tháp là một vùng đồng lầy hoang vu rộng lớn, được vây quang bởi sông Vàm Cỏ Tây ở phía đông, sông Tiền Giang ở phía tây, biên giới Cam Bốt ở phía bắc và Quốc lộ 4 huyết mạch chạy qua tỉnh Định Tường ở phía nam. Khu vực này không có nhiều sông ngòi nên hằng năm vào khoảng tháng Sáu nước sông Tiền Giang dâng cao đổ vào theo rạch Sở Hạ và rạch Cái Cái biến khu vực này thành một biển hồ ngập nước.
Người ta có thể dùng ghe di chuyển từ biên giới Cam Bốt xuống tận thị xã Mỹ Tho. Khu vực sông Vàm Cỏ Tây có nhiều kinh rạch khiến sự lưu thông tương đối dễ dàng, dân cư sinh sống khá đông đúc bằng nghề ruộng rẩy. Khu vực trung tâm là vùng đồng lầy với nhiều cỏ lác không có bóng cây vào mùa khô và biến thành biển hồ mênh mông với nhiều đỉa, muổi, rắn. Chỉ có xuồng nhỏ là phương tiện di chuyển duy nhất. Khu vực giữa Hồng Ngự và Cao Lãnh gần sông Tiền Giang có nhiều kinh rạch, quan trọng là kinh Đồng Tiến nối liền hai sông Tiền Giang và Vàm Cỏ Tây, và việc đi lại trên bộ cũng thuận tiện trong mùa khô.
Thiếu Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh Quân Đoàn 4, cho di chuyển nhanh chóng Sư Đoàn 7 BB vào khu vực Kiến Tường, đồng thời sử dụng hoạt động không yểm , gồm cả pháo đài bay B-52 để đánh phá các khu vực tình nghi tập kết của Bắc quân. Chiến sự diễn ra ác liệt ở khu vực Chân Tượng (Elephant’s Foot). Bắc quân sử dụng cả hỏa tiễn SA-7 (loại hỏa tiễn chống phi-cơ) lần đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Dưới sự chỉ huy tài ba của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam và dùng yếu tố thần tốc, Sư Đoàn 7 BB hoàn toàn làm chủ khu vực Chân Tượng vào cuối tháng Sáu.
Tướng Nam sau đó đã để lại một trung đoàn để bảo vệ khu vực biên giới trong khi các thành phần còn lại rút về yểm trợ các đơn vị ĐPQ/NQ của tỉnh Định Tường đang phải đối phó với hai trung đoàn chủ lực Z-15 và ĐT-1 của Quân Khu 8 Cộng Sản đang gây rối trong khu vực Sầm Giang-Cai Lậy-Cái Bè. Để đối phó với áp lực gia tăng của Bắc quân trong tỉnh Định Tường, Quân Đoàn 4 tăng cường cho khu vực này Trung Đoàn 15 của Sư Đoàn 9 BB sau khi hoàn thành sứ mạng tăng cường cho Quân Khu 3 ở mặt trận An Lộc và hai liên đoàn BĐQ cùng Bộ Tư Lệnh BĐQ/Quân Khu 4.
Bộ Tư Lệnh tiền phương Quân Đoàn 4 cũng được thành lập ở căn cứ Đồng Tâm do Chuẩn Tướng Nguyễn Thanh Hoàng, Tư Lệnh Phó Hành Quân của Quân Đoàn 4 chỉ huy. Đầu tháng Tám đơn vị BĐQ tiêu diệt các đơn vị Bắc quân trong khu vực Hậu Mỹ (Cái Bè). Quân đội VNCH đã thiết lập một số cứ điểm phòng thủ dọc theo kinh Tháp Mười. Đầu tháng 11 các đơn vị của Sư Đoàn 7 BB đánh tan một tiểu đoàn của Trung Đoàn 207 thuộc Sư Đoàn 5 CSBV từ Cam Bốt xâm nhập vào tỉnh Kiến Phong, bắt sống 73 tù binh (con số tù binh đông nhất trong một trận đánh riêng biệt trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai), hầu hết đều còn rất trẻ, thiếu dinh dưỡng và cho biết bị cấp chỉ huy chạy trốn bỏ rơi khi đụng trận.
Sau khi mối đe dọa ở khu vực biên giới từ Hà Tiên đến Đồng Tháp bị loại bỏ vào cuối năm 1973, Biệt Khu 44 được giải tán. Trách nhiệm các tỉnh Kiến Tường, Vĩnh Long và Vĩnh Bình được chuyển giao cho Sư Đoàn 7 BB trong khi tỉnh Châu Đốc, Kiến Phong và bắc Kiên Giang thuộc về Sư Đoàn 9 BB. Cũng trong thời gian này, Chuẩn Tướng Huỳnh Văn Lạc thay thế Thiếu Tướng Trần Bá Di giữ chức tư lệnh Sư Đoàn 9 BB. Cuối năm 1973 khu binh chủng Biệt động Quân được tái tổ chức để đối phó với tình hình và nhu cầu chiến trường mới, các đơn vị BĐQ và BĐQ-Biên Phòng ở Quân Khu 4 bị giải tán, thuyên chuyển, sát nhập vào hệ thống tổ chức mới của binh chủng BĐQ ở ba quân khu phía bắc.
Riêng Liên Đoàn 4 BĐQ nay thuộc quyền điểu động của bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH. ĐỊNH TƯỜNG Định Tường là tỉnh quan trọng nhất, đông dân nhất và trù phú nhất của khu chiến thuật Tiền Giang với Quốc Lộ 4 huyết mạch chạy xuyên qua tỉnh nối liền các tỉnh còn lại của Miền Tây với tỉnh Long An của Quân Khu 3, nguồn cung cấp lương thực và thực phẩm chính cho thủ đô Saigon cũng như phân phối đi cho cả nước. Ngoài sông Tiền Giang ở phía nam, tỉnh Định Tường cũng có một hệ thống sông rạch, kinh đào chằng chịt nối liền với khu vực Đồng Tháp cũng như tỉnh Long An và khu vực Saigon-Gia Định, quan trọng là kinh Chợ Gạo. Ngoài vai trò quan trọng về kinh tế và quân sự (Căn Cứ Đồng Tâm gần tỉnh lỵ Mỹ Tho là Bộ Tư Lệnh của Sư Đoàn 7 BB và căn cứ Hải Quân lớn sau khi Sư Đoàn 9 BB Mỹ triệt thoái), Định Tường còn là quê hương của phu nhân Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và gia đình Bà Thiệu vẫn sinh sống ở tỉnh lỵ Mỹ Tho.
Một đơn vị VNCH chuẩn bị cho cuộc hành quân thủy-bộ tại Cần Thơ
(HÌNH ẢNH: Robert Payette)
Đối với Cộng Sản Bắc Việt, Định Tường cũng có vai trò quan trọng chiến lược trong việc cắt đứt Quốc Lộ 4 để cô lập thủ đô Saigon về cả kinh tế lẫn quân sự cho cuộc tổng tấn công kết thúc cuộc chiến. Quân Khu 8 của Mặt Trận B-2 Cộng Sản có lúc có đến 6 trung đoàn chủ lực hoạt động trong tỉnh Định Tường từ khu vực căn cứ địa ở Trị Pháp trong khu vực Đồng Tháp và khu vực biên giới hai tỉnh Định Tường-Gò Công. Đầu năm 1974 để chận đứng hoạt động xâm nhập vào khu vực Trị Pháp để chờ thời cơ tràn xuống uy hiếp Quốc Lộ 4 của Sư Đoàn 5 CSBV, Quân Đoàn 4 cho mở cuộc hành quân lớn vào khu vực này và sau đó phối hợp với Quân Đoàn 3 mở chiến dịch vượt biên sang Cam Bốt để tiêu diệt khu vực căn cứ địa của Sư Đoàn 5 CSBV nằm trong tỉnh Svay Riêng.
Cuộc hành quân này sẽ được nói đến trong bài viết Từ Trị Pháp đến Svay Riêng. Như đã nói ở trên, vai trò quan trọng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long về kinh tế (chủ yếu là lương thực và thực phẩm) và nhân lực (công tác tuyển quân) cho nổ lực chiến tranh từ hai phía khiến khu vực này trở thành chiến trường chính cho các hoạt động dành dân và thu mua lương thực về phía CSBV cũng như bình định, kiểm soát lương thực và nhân lực về phía Việt Nam Cộng Hòa.
TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ Ở QUÂN KHU 4 CUỐI NĂM 1974
Từ sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Việt Nam Cộng Hòa đã có nhiều thành công trong nổ lực bình định ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kiểm soát phần lớn đất đai và hầu hết dân chúng sinh sống trong khu vực này cũng như loại bỏ hạ tầng cơ sở Cộng Sản hoạt động nằm vùng. Phía Cộng Sản Bắc Việt chỉ còn tập trung hoạt động trong các khu vực căn cứ địa lâu đời trong khu vực U Minh, Đồng Tháp, Chương Thiện và Định Tường. Sau ngày ngưng bắn, với mối đe dọa dọc theo biên giới Cam Bốt bị loại bỏ, trọng tâm của Việt Nam Cộng Hòa là loại bỏ hay cô lập các khu vực "da beo" này, đó là các khu vực được Bắc quân sử dụng làm bàn đạp tấn công vào các khu vực đông dân trù phú khi có thời cơ.
Ở khu vực Đồng Tháp, Sư Đoàn 7 và 9 BB của Việt Nam Cộng Hòa đã thành công lớn trong việc loại bỏ khu vực căn cứ địa chính của cộng quân ở Trị Pháp. Trong khu vực U Minh Thượng trong tỉnh Kiên Giang, quân đội cũng chiếm đóng khu vực đông dân Gò Quao và Giồng Riềng do Bắc quân kiểm soát. Sau Nghị Quyết 21, Quân Khu 8 và 9 Cộng Sản bắt đầu gia tăng các hoạt động khũng bố, lấn chiếm các đồn bót ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Nhìn chung mực độ chiến trận tương đối thấp so với ba quân khu ở phía trên. Tuy nhiên do quân viện bị cắt giảm trầm trọng, đặc biệt là nhiên liệu và đạn dược, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 phải cho rút bỏ các căn cứ tiền đồn hẻo lánh.
Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi cũng cắt giảm 70% các hoạt động tuần tiểu trên sông và cho ngưng hoạt động gần 600 chiến đỉnh do thiếu cơ phận thay thế cũng như nhiên liệu và đạn dược để hoạt động. Tình hình an ninh trên sông rạch và các khu vực hẻo lánh do đó bắt đầu suy giảm. Để chuẩn bị đánh lớn trong cuộc tổng tiến công trong hai năm 1975-76, Mặt Trận B-2 Cộng Sản bắt đầu cho sát nhập các đơn vị chủ lực hoạt động độc lập để xây dựng các sư đoàn và trung đoàn chủ lực nhẹ. Ở Quân Khu 9 (Hậu Giang), Sư Đoàn 4 CSBV được thành lập từ các trung đoàn độc lập D1, 18B và 95. Ở Quân Khu 8 (Tiền Giang), Sư Đoàn 8 CSBV được thành lập từ các trung đoàn độc lập 24, ĐT-1 và 320.
Theo kế hoạch của Mặt Trận B-2, ở Miền Tây, trọng điểm của Cộng Sản là 3 tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Bình và Kiến Hòa trong nổ lực chia cắt Quân Khu 4 để tiêu diệt, không cho các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa co lại cố thủ. Nếu kiểm soát được Vĩnh Long, Bắc quân sẽ cắt đứt Quốc lộ 4 và kiểm soát hai bến bắc chiến lược qua sông Tiền Giang và Hậu Giang, cô lập khu vực Hậu Giang. Bắc quân cũng mở rộng khu vực kiểm soát trong tỉnh Chương Thiện để có thể uy hiếp Cần Thơ, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4/Quân Khu 4 và phi trường Trà Nóc, căn cứ Không Quân chính ở đồng bằng sông Cửu Long và nơi đặt Bộ Tư Lệnh của Sư Đoàn 4 Không Quân.
Ở khu vực Tiền Giang, trọng tâm của Bắc quân là sử dụng khu vực căn cứ địa Đồng Tháp để áp sát vào Quốc Lộ 4 và cắt đứt trục lộ huyết mạch này, không cho Sư Đoàn 7 và 9 BB rút về tăng cường phòng thủ Saigon. Đồng thời các trung đoàn độc lập của Quân Khu 8 trong tỉnh Định Tường cũng theo kinh Chợ Gạo tiến qua Long An để uy hiếp Saigon ở hướng đông nam từ khu vực Cần Đước, Cần Giuộc. Cùng lúc này các đơn vị chủ lực Bắc quân trong các tỉnh Vĩnh Long,Vĩnh Bình và Kiến Hòa cũng tiến về khu vực Cần Đước, Cần Giuột qua ngả Gò Công để hợp lực uy hiếp Saigon từ hướng nam.
Tháng 11 năm 1974 do áp lực của phong trào chống tham nhũng và tòa đại sứ Mỹ, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải thay thế Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh Quân Đoàn 4/Quân Khu 4 bằng Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, đang là Tư Lệnh Sư Đoàn 7 BB. Tương tự như vị chỉ huy tiền nhiệm ở cả hai chức vụ tư lệnh Sư Đoàn 7 BB và Quân Đoàn 4 là Thiếu Tướng Nguyễn Viết Thanh, tướng Nam có tiếng thanh liêm, sống đơn giản, đạm bạc, chăm lo nhiều cho binh sĩ dưới quyền và hết lòng phục vụ cho đất nước và quân đội theo đúng qui định về tổ quốc, danh dự và trách nhiệm. Xuất thân từ binh chủng Nhảy Dù và đã từng nắm chức chỉ huy cấp tiểu đoàn, chiến đoàn và lữ đoàn Dù, tướng Nam cũng có nhiều kinh nghiệm chiến trường cũng như khả năng chỉ huy tham mưu. Dưới quyền chỉ huy tài ba của tướng Thanh và Nam, Sư Đoàn 7 BB dần dần trở thành sư đoàn thiện chiến nhất của Quân Lực VNCH ở Miền Tây từ sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân.
----------
Subject: Vết xích chiến xa trên đất Kontum mùa Hè đỏ lửa 1972 Print to printer
Author: comay
Lê Quang Vinh, Chi Ðoàn 1/8
Mưa giăng phủ trên nền trời Kontum, hạt mưa nhẹ như sương mù, những hạt mưa chỉ mang lại ướt át, lầy lội, những hạt mưa không gây chết chóc ai. Nhưng giữa những cơn mưa vô tình đó là một vùng Komtum khói lửa. Ðịch pháo như mưa, pháo theo mưa liên tục trút xuống thành phố và các vị trí của quân ta mà Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn là mục tiêu mưa pháo của địch. Trong những cơn mưa pháo đó, mỗi khi đạn đạo của pháo thu ngắn lại do tầm điều chỉnh của Bắc quân, là vị trí của Chi Ðoàn bị ăn đạn. Lý do là vị trí phòng thủ của thiết giáp chỉ cách Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn chưa tới 500 mét. Gia đình kỵ binh các cấp đều ăn ngủ bên cạnh chiến xa, tất cả trong tình trạng sẳn sàng tác chiến, nhận lệnh, chỉ cần khoảng 2 phút là tất cả xích sắt chiến xa chuyển động. Cùng lúc, khả năng tác chiến của Chi Ðoàn được phục hồi sau khi được trực thăng tiếp tế cơ phận và sửa chữa các chiến xa bị hư. Chi Ðoàn có được 10 chiếc M41 trong tay sẳn sàng tham chiến.
Giữa tháng 5/1972, SÐ23BB và các đơn vị thống thuộc đã bẽ gẵy ít nhất là 2 cuộc tấn công của Bắc quân, song áp lực địch vẫn còn đè nặng trên thị trấn Cao Nguyên này. Quốc lộ 14 lại bị chốt cứng tại đèo Chu Pao. Phương tiện tiếp tế duy nhứt cho mặt trận Kontum là thả dù, mà địa điểm thả là bãi thả dù nằm phía Nam khu nghĩa địa. Nếu dù tiếp tế rơi bên này bờ suối thì lọt vào tay bạn, nếu gió đưa dù qua bên kia bờ suối thì địch có dịp ăn gạo xấy, thịt hộp của phe ta! Cả tháng trời chỉ có gạo xấy và thịt hộp, không có một miếng rau hay lương thực tươi, mà nếu từ trời bỗng rơi xuống mấy miếng thịt heo tươi anh em cũng chưa chắc dám ăn. Cái cảnh heo ăn thịt người làm anh em lợm giọng. Trước mắt chúng tôi, có mấy lần chứng kiến bầy heo đói sút chuồng chạy rong dọc đường Nguyễn Huệ, Phương Nghĩa phía Nam phi trường Kontum. Ðàn heo giành nhau gậm xé một cái chân người, kéo lê trên vệ đường với chiếc giép râu còn dính chặc ở bàn chân, y như trong một phim ma kinh dị...
Như mọi ngày, địch pháo ngày, pháo đêm, pháo trong cơn mưa, pháo khi trời nắng, pháo lúc sương mù... Nhưng đêm nay, địch bỗng ngưng pháo. Trực giác chiến trường cho biết có một cái gì bất thường, nghĩa là địch chuẩn bị giở trò. Các Chi Ðội báo động và tăng cường canh gác. Trời Kontum tối đen như mực, màn đêm lại rải xuống những cơn mưa phùn tê buốt thịt da, héo hắt lòng chinh nhân đang chong súng chờ giặc. Thời gian chầm chậm trôi như con kiến bò từ lổ chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi, những con mắt chong vào đêm tối. Vừa qua khỏi nửa khuya, khắp nơi, hàng loạt tiếng nổ vang rền như phá tung màn đêm. Ðịch bắt đầu đợt tấn công mới. Qua hệ thống truyền tin, Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn nhận các báo cáo:
- Ðịch vào tới phi trường!
- Ðịch tấn công Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 44BB trong thành Dak - Pha
- Ðịch tấn công hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh....
Nằm trong tầm quan sát của Thiết Kỵ, trong cái tĩnh lặng của màn đêm lạnh lẽo giăng giăng mưa lạnh, chợt mìn chiếu sáng và claymore đồng loạt nổ rực sáng về phía cánh Bravo, nơi bãi thả dù tiếp tế những ngày vừa qua. Bravo khai hỏa. Ðại bác và đại liên nổ rền một góc thành phố Kontum. Mìn chiếu sáng và hỏa châu rọi rõ khu vực giao tranh, soi rõ bước chuyển quân của địch khi địch bị hỏa lực khủng khiếp của chiến xa bắn giạt về phía Nam khu trường học, nhưng cuộc di quân trốn đạn của định vẫn bị hỏa lực cánh Bravo bám chặt và bị dồn ngược lại để sau cùng lui về bờ suối, vừa rút vừa bắn trả bằng đại liên, B40, 41 và cả AT3 nhưng không gây thiệt hại cho các chiến xa cánh Bravo, vì địch không nhìn ra vị trí các chiến xa. Hỏa lực địch dồn vào vách các căn nhà cháy phía sau lưng kháng tuyến của Bravo.
Hỏa châu đã thay mặt trời. Tiếng súng ngưng, chiến trường im lặng. Mặt trời lại từ từ bò lên thế hỏa châu. Tôi phóng ống dòm qua các vùng địch xâm nhập tấn công hồi đêm, xác địch nằm la liệt trên những gò đất, trên những bụi cây ngoài tuyến phòng thủ. Ðịnh bụng là sẽ xin lệnh Sư Ðoàn cho các đứa con bung ra truy kích và khai tác chiến quả, tôi chưa bốc máy thì bất ngờ Trung Tâm Hành Quân Sư Ðoàn gọi khẩn cấp:
- Toàn bộ gia đình Tài Lực rời vị trí, giao lại cho Bộ Binh. Chuẩn bị cải cách để giải tỏa áp lực địch trong thành Dak - Pha và tái chiếm lại phi trường Kontum!
- Tài Lực nhận rõ!
Lệnh ra, trong phút chốc, tất cả chiến xa lăn xích rời vị trí tiến ngược vào thành phố, rẽ trái tại đường Lê Lợi rồi đổi hướng Bắc để vào thành Dak-Pha. Tại khu nghĩa địa nhỏ trước cổng Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn, địch ẩn nấp trong các gò mả và giao tranh ác liệt với Trinh Sát Sư Ðoàn. Cách thành Dak - Pha khoảng 500m về phía Nam, có một khu vườn mít, tôi cho lệnh các chiến xa chui hết vào trong đó để ẩn nấp và quan sát mục tiêu.
Cổng thành Dak - Pha sập đổ nát nhưng bức tường thành phía Nam vẫn đứng nguyên sừng sững, phân chia trong và ngoài. Tôi nhìn đăm đăm vào tháp nước nơi khẩu 12 ly 8 của địch đặt trên nóc tháp tác xạ lên máy bay, tác xạ vào các cánh quân ta tiến vào trong thành. Không thể đi bằng cổng chính để làm mục tiêu cho địch tác xạ, tôi lệnh cho ba chiến xa dưới quyền:
- Chuẩn bị khoan tường để tiến vào thành!
- Nhận rõ!
Ngay tức khắc, ba chiếc M41 như ba con cua sắt dương càng húc vào tường. Rầm! Rầm Rầm! Tường vừa sập, chiến xa tràn vào, tác xạ liên tục vô cổng chính và các căn nhà sập gần tháp nước, nơi địch bắn ra. Vừa lọt vào bờ thành là các chiến xa đầu chạm địch dữ dội. Toàn bộ Chi Ðoàn vượt qua bức tường đổ. Ðịch có mặt khắp nơi, trong đống gạch vụn, sau bức vách đổ, sau nhưng ngôi nhà sụp, trong hầm, trong hố, sau gốc cây... Chỗ nào cũng có tiếng súng địch nhắm vào thiết giáp.
Bên cạnh, cuộc ác chiến từ hồi đêm còn đang diễn ra tại Bội Chỉ Huy Trung Ðoàn 44BB, nơi trước đó đã đặt Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn. Nhìn chung, địa thế rất khó điều động chiến xa. Tôi quyết định nhanh, chia gia đình ra từng phân đội, cứ hai chiến xa tiến theo một trục để yễm trợ và bảo vệ lẫn nhau. Trục tiến là đường đi giữa hai dãy nhà đổ nát, một chiếc chạy sát dãy bên phải, một chiếc chạy sát dãy bên trái, thận trọng tối đa khi tới ngả tư. Ðịch ẩn nấp trong những căn nhà đổ nát nên tất cả mọi loại vũ khí đều được đem ra sử dụng: Ðại bác phóng vào hầm địch, đại liên 50 và 30 dìm cứng địch trong vòng tử địa, lựu đạn được tung vào từng ô cửa sổ, từng góc nhà, từng lổ trống vách tường. Vũ khí chống chiến xa của địch bị vô hiệu vì khoảng cách hai bên quá gần. Trong trận quần thảo cận chiến sinh tử này, thế bám trận của địch bị vỡ và địch tháo chạy về hướng Bắc, để lại vô số cán binh bị chết và bị thương, một tổn thất nặng nề. Các đơn vị bộ binh của Trung Ðoàn 44 tức tốc tràn ra khỏi vị trí phòng thủ, và một trận phản công ác liệt diễn ra khắp nơi trong thành Dak- Pha.
Chi Ðoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Trong trận giải tỏa thành Dak – Pha, Chi Ðoàn bị hy sinh cũng không nhỏ, kể cả 5 sĩ quan và 3 chiến xa bị hư hại. Dù vết thương còn đang rướm máu, gia đình Tài Lực lại nhận tiếp lệnh của thượng cấp: Rời Dak – Pha, giao lại cho Bộ Binh, di chuyển gấp để giải tỏa phi trường. Xích sắt chiến xa lại nghiến đường bụi đỏ mà ào ào tiến lên, lại lao vào "gió cát" mà chừng như nghe đâu đó âm thanh của một thứ "hồn tử sĩ gió ù ù thổi" trong gió Kontum từ thành Dak – Pha thổi theo vết lăn của xích sắt...
* * *
Phi trường Kontum nằm về phía Ðông của thành phố và ở vị trí Ðông Nam thành Dak - Pha. Phi đạo chạy dài theo chiều Ðông - Tây. Phía Nam phi đạo, gần cổng ra vào có vài căn nhà dành cho hành khách Air Việt Nam và An Ninh Phi Trường. Phía Bắc phi đạo có một số ụ để máy bay. Cuối phi đạo và dọc theo hàng rào phi trường là những lô cốt bảo vệ phi trường. Phi trường là một trong những mục tiêu quan yếu mà Bắc quân phải tấn chiếm.
Tiếng khua động của xích sắt chiến xa không át được tiếng súng nổ vang mỗi lúc một rõ từ hướng hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh. Tôi mừng trong bụng là tiếng đại liên 50 vẫn còn nổ ròn rã, vì điều nay cho biết địch chưa chiếm được căn cứ Trung Ðoàn, dù có nhiều đám cháy trong doanh trại. Từ các ụ máy bay cuối phi đạo, địch đặt đại liên bắn vào Trung Ðoàn Thiết Giáp để yễm trợ cho bộ binh tấn công vào hậu cứ Thiết Giáp và khu vực Quân Tiếp Vụ gần thành Dak - Pha... Một vài lô cốt bị địch thổi sập, nhưng địch vẫn chưa lọt vào được.
Ðịch chưa vào được là hậu cứ Thiết Giáp chưa mất, lực lượng quân ta vẫn còn. Tôi lệnh cho phân đội chiến xa đầu bọc về phía Nam của hậu cứ Thiết Giáp, sau đó chuyển sang hướng Ðông rồi bố trí đợi lệnh. Tôi cần thời gian để quan sát, ước lượng ý đồ, khả năng và mục tiêu của địch... trước khi có kế hoạch tấn công. Ước lượng sai, hành động sai là tự sát. Ðịch đã ở trong vị thế đã dàn trận và tấn công. Tôi nghĩ đến cái câu của người xưa "biết mình biết địch, trăm trận trăm thắng." Thắng bại gì thì chưa biết, nhưng chỉ biết là yếu tố địch, khả năng địch, lực lượng địch, vũ khí địch... tôi chưa nắm hết, mà biết mình thì tôi biết khá rõ.
Mặc dù được bổ sung trên 10 sĩ quan sau trận ác chiến trong nghĩa địa và sửa chữa, bổ sung chiến xa, nhưng khi giải tỏa thành Dak - Pha, gia đình Tài Lực bị hy sinh nghiêm trọng một số sĩ quan ưu tú để bây giờ, đối chiến với Bắc quân đã chiếm phi trường và đang uy hiếp dữ dội hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh, Chi Ðoàn chỉ còn lại hai sĩ quan là Chi Ðoàn Trưởng và Thiếu úy Nguyễn Văn Tám. Các Chi Ðội, Phân Ðội chiến xa được trao quyền chỉ huy cho các Hạ Sĩ Quan Kỵ Binh kế quyền. Trong tình huống nguy khốn mà vết xích chiến xa chỉ có đường lăn tới, thầy trò chúng tôi đựa lưng nhau chiến đấu. Tôi gọi Tám:
- Nhiệm vụ của cậu là ở lại với 2 M113 và bảo vệ cho 3 chiến xa bị hư. Tất cả chiến xa còn lại và anh em Hạ Sĩ Quan gia đình Chi Ðoàn do tôi điều động. Nhiệm vụ phải hoàn thành trong bất cứ tình huống nào! Cậu nhận rõ?
- Rõ 5! Thẩm quyền!
Giọng Tám chắc và quyết liệt. Tôi họp tham mưu bỏ túi với tất cả anh em còn lại mà trong đó tôi là Chi Ðoàn trưởng, người sĩ quan duy nhất trong trận đánh sắp diễn ra. Tuy nhiên, tôi vô cùng tin tưởng những Hạ Sĩ Quan Thiết Kỵ can đảm và đầy kinh nghiệm của Chi Ðoàn. Theo lệnh tôi, tất cả chiến xa còn lại của Chi Ðoàn được chia làm 3 Phân Ðội:
- Phân đội 1 gồm 2 chiến xa, do Trung Sĩ Nhất Y – Ðê – Niê ( người Thượng) chỉ huy.
- Phân đội 2 gồm 2 chiến xa, do Thượng Sĩ Bảo chỉ huy.
- Phân đội chỉ huy gồm 3 chiến xa do tôi, Chi Ðoàn trưởng, trực tiếp chỉ huy.
Qua hệ thống âm thoại đặc biệt của gia đình Tài Lực, tôi gọi, 2 Phân Ðội và giao trách nhiệm:
- 1 tấn công địch ở ụ máy bay đầu. Phân Ðội Chỉ Huy trách nhiệm giữ cạnh sườn phải cho 1, sau khi 1 vào tới mục tiêu, Phân Ðội Chỉ Huy tấn công mục tiêu 2 ở ụ máy bay thứ hai. 2 bảo vệ phía Nam, và Ðông khi Phân Ðội Chỉ Huy chiếm mục tiêu thì 2 tức tốc tấn công mục tiêu 3 ở ụ máy bay thứ ba. Ngay sau đó, 1 rút ra bảo vệ cạnh sườn mặt Ðông cho 2. Tất cả 1,2 nhận rõ?
- 1, 2 nhận rõ 5! Thẩm quyền!
Xích sắt chiến xa bắt đầu lăn trên kế hoạch, sau lưng là bộ binh SÐ23 tùng thiết theo sát chiến xa. Bắc quân đang chỉa tất cả các loại vũ khí vào hậu cứ Trung Ðoàn Kỵ Binh, bất ngờ tiếng xích sắt vang sau lưng họ. Bắc quân ngỡ ngàng hoang mang trong tình huống này. Chỉ với 7 chiến xa mà Bắc quân đã chào đón vô cùng nồng nhiệt với pháo 130 ly, cối 120 ly, đại bác 75 ly không giật. Pháo địch bắn thành một hàng rào lửa cản chiến xa, lấy phi đạo làm ranh giới.
Ðể tránh bị ăn pháo, tôi lệnh cho phân đội 1 tác xạ và lao thẳng vào mục tiêu với tốc độâ nhanh tối đa, trong lúc đó, phân đội chỉ huy trải lưới lửa vào cạnh sườn địch từ từ ụ máy bay 1 đến ụ máy bay 2. Chiến xa phân đội 1 đã gặp sự chống trả mãnh liệt của địch với đại liên được đặt ngay trên bờ thành cùng với B40 và B41 tác xạ thẳng vào đội hình của phân đội, đồng thời pháo và đại bác 75 ly không giật của địch từ cuối phi đạo cũng đồng loạt trút đạn vào các chiến xa đang tấn công. Chiến xa vẫn tiến. Một trung đội bộ binh bám sát theo chiến xa. Mục tiêu địch càng lúc càng gần, và "Ầm! Ầm!" Ðại lên địch trên bờ thành ụ máy bay số 1 bị đại bác chiến xa bắn tung, chiến xa ủi mục tiêu và bộ binh tràn ngập liền sau đó. Tiếng hô "xung phong" muốn át cả tiếng đạn nổ vang trời.
Trận đánh càng lúc càng ác liệt và không kém phần hào hứng. Tinh thần chiến đấu tuyệt vời của Thiết Giáp và Bộ Binh SÐ23 thể hiện rõ ngay trên trận mạc máu lửa. Người trúng đạn nằm lại tại chỗ, còn khả năng bắn yễm trợ anh em cứ tiếp tục bắn. Người không bị đạn cứ tiếp tục xông vào phía trước. Chiến xa nào đứt xích thì nằm lại, tiếp tục tác xạ theo khả năng còn lại của mình, chiến xa nào còn nguyên cứ lăn xích xông tới. Cả 3 phân đội chiến xa và bộ binh quần thảo với địch đến xế chiều, từng ụ đại liên địch, từ ụ 75 ly không giật của địch... liên tục bị nổ tung và tràn ngập. Ðến chiều cùng ngày, Bắc quân bị đẩy sát hàng rào phía Ðông phi trường và sau đó bị quét sạch.
Súng im tiếng trên toàn phi trường và hậu cứ Trung Ðoàn Kỵ Binh. Khói từ những đám cháy còn phảng phất trong ánh chiều tà. Trận địa xơ xác, tiêu điều, những vị trí súng bị phá hủy, những thây người, những vết xích ngang dọc. Tôi cho chiến xa tiếp cận hàng rào phi trường về mặt Ðông, số tử thương của địch bỏ lại nơi này có hơn một tiểu đoàn.
Màn đêm kép sụp đến che kín dần những tang thương đổ nát của chiến trường. Công tác thu dọn chiến trường và tản thương xong, gia đình Tài Lực di chuyển về vị trí được chỉ định, và mắt vẫn chong vào bóng đêm vất vưởng âm hồn tử sỉ hai bên.
Lê Quang Vinh
Phụ chú liên hệ:
- Ngày 3/5/1972, TT Việt Nam Cộng Hòa bay lên Kontum, đáp trực thăng đến mặt trận thăm viếng và ủy lạo chiến sĩ. Mùi thuốc súng vẫn chưa tan trong thành phố. Cùng ngày, vị Tổng Tư Lệnh Quân Ðội đã gắn một sao lên cổ áo vị Ðại Tá Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Lý Tòng Bá, đồng thời cũng là tư lệnh chiến trường Kontum 1972. Cùng lúc, có quyết định thăng một cấp cho hầu hết các chiến binh tham dự mặt trận.
Chi Ðoàn Thiết Kỵ 1/8 đã là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng đóng góp cho chiến thắng giải tỏa và cứu Kontum, từ ngày nhổ chốt Chu Pao đến lúc chiếm lại phi trường Kontum. Chi Ðoàn đã hy sinh cho chiến thắng này:
- 68 kỵ binh mũ đen, trong đó có 18 sĩ quan.
- Trên 300 bị thương
- 2 chiến xa M41 bị phá hủy.
- 10 chiến xa bị hư hại nặng.
Ðổi lại về phía địch:
- Trên 10 chiến xa T54 bị bắn cháy.
- Bắt sống một T54 còn nguyên vẹn.
- Hơn một ngàn chết bỏ xác tại trận địa, số tử thương và bị thương được đồng đội mang theo không rõ.
Chi Ðoàn, với những tổn thất nặng nề như trên nhưng lúc nào cũng còn khả năng tác chiến và hoàn thành nhiệm vụ trong khói lửa, một phần nhờ lòng ưu ái của Ðại tá Nguyễn Xuân Hường, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8 Kỵ Binh Thiết Giáp. Gần như Ðại tá Hường đã vét cạn nhân lực của hai Chi Ðoàn 2/8 và 3/8 để bổ sung cho 1/8 sau những trận giao tranh nặng nề. Ðiều này được thể hiện rõ trong trận giải tỏa phi trường Kontum và hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh. Khi trực thăng còn đang đáp xuống sân vận động để di tản thương binh cũng là lúc những sĩ quan và binh sĩ Kỵ Binh Thiết Giáp đổ xuống từ trực thăng để tăng cường, bổ sung cho gia đình 1/8 kịp lúc cho những trận đánh kế tiếp. Chính vì thế, toàn thể Kỵ Binh Thiết Giáp, nhất là Chi Ðoàn 1/8, đã rất kính mến người anh cả Kỵ Binh Ðại tá Nguyễn Xuân Hường.
Sau khi Kontum được giải tỏa, Chi Ðoàn 1/8 vẫn lại là đơn vị Thiết Kỵ duy nhất ở lại Kontum chứ không được thay thế để dưỡng quân, để rồi vài tháng sau đó, 1/8 Thiết kỵ lại cùng Bộ Binh SÐ23 lại quần thảo với Bắc quân trong một trận dạ chiến ác liệt để tái chiếm căn cứ hỏa lực Non Nước gần Ngô Trang nằm về hướng Tây Bắc Kontum, đánh bật 2 tiểu đoàn địch ra khỏi vị trí đóng chốt, cứu nguy cho Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 53 và toán cố vấn Mỹ.
Khi căn cứ hỏa lực Non Nước lọt lại vào tay ta, Trung tá cố vấn trưởng Trung Ðoàn đã nói trước mọi người:
- Ðây là đơn vị chiến xa tuyệt vời mà lần đầu tiên trong đời binh nghiệp tôi mới chứng kiến trong trận đánh!
Cũng sau đó, chính ông đã đề nghị cấp huy chương "anh dũng bội tinh/silver star " của Hoa Kỳ cho Chi Ðoàn Truởng 1/8 Thiết Kỵ Lê Quang Vinh.
Thai Duong 530 Fighter Squadron, A-1 Skyraiders, Cu-Hanh-Pleiku Air Base, Vietnam
Hòa Bình Vang Tiếng Súng
Subject: Hoà bình vang tiếng súng
Author: comay
Tác giả: Mê Kông
Subscribe to:
Posts (Atom)