Friday, March 28, 2008

Su Doan 18BB



LƯỢC SỬ...

Sư Đoàn 10 Bộ Binh chính thức được thành lập vào ngày 16.5.1965 tại Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh với cơ cấu được hình thành từ các Trung Đoàn 43, Trung Đoàn 48 và Trung Đoàn 52 Biệt Lập, cùng các đơn vị yểm trợ và tác chiến kỹ thuật. Sau đó, Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh cũng được gia nhập và trở nên thành phần cơ hữu của Sư Đoàn 10 Bộ Binh.

Phù hiệu SĐ10BB là màu xanh nhạt tượng trưng cho bầu trời xanh, có hình núi Chứa Chan màu xanh lá cây với mười (10) ngôi sao màu vàng hình vòng tròn chung quanh ngọn núi, phía dưới có hai lằn tượng trưng cho con sông La Ngà.

Vào ngày 1.1.1967, Sư Đoàn 10 Bộ Binh được cải danh thành Sư Đoàn 18 Bộ Binh, theo lời đề nghị của Chuẩn Tướng Đỗ Kế Giai, đương kim Tư lệnh Sư đoàn.

Phù hiệu SĐ18BB là màu xanh nhạt tượng trưng cho bầu trời xanh, màu xanh đậm tượng trưng cho màu đất, và cung tên dựa vào truyền thuyết "Nõ Thần" thời An Dương Vương trong lịch sử cổ đại của dân tộc Việt: một phát tên bắn ra có thể giết chết hàng vạn tên giặc.

Trong giai đoạn đầu từ năm 1965 đến năm 1969, Sư Đoàn 18 Bộ Binh chịu trách nhiệm Khu 33 Chiến Thuật, bao gồm những tỉnh Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Tuy và Đặc Khu Vũng Tầu.

Lực lượng cơ hữu của Sư Đoàn 18 Bộ Binh gồm có:

- Đại Đội 18 Trinh Sát trực tiếp dưới quyền điều động của Tư lệnh Sư đoàn.

- Trung Đoàn 43:

Trung Đoàn 43 là một trong những đơn vị kỳ cựu của QLVNCH, thoát thai từ Trung Đoàn 404 Bộ Binh của Sư Đoàn 15 Khinh chiến (cải danh từ Sư Đoàn 5 Khinh Chiến vào năm 1955), được thành lập tại Phan Thiết, đã tham dự các chiến dịch tại chiến trường Miền Nam, như dẹp loạn Bình Xuyên của Bảy Viễn, loạn Ba Cụt ở Miền Tây. Trước khi trở thành đơn vị cơ hữu của SĐ10BB (tiền thân của SĐ18BB), Trung Đoàn 43 Biệt lập thuộc Biệt Khu Bình Lâm, bản doanh đóng tại Quận Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Hoạt động hành quân trong lãnh thổ ba tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận và Bình Tuy.

Các vị sĩ quan ưu tú từng nắm giữ chức vụ chỉ huy Trung Đoàn như Lam Sơn, Võ Văn Cảnh, Quách Đăng, Lý Bá Phẩm, Đàm Văn Quý, Nguyễn Văn Điền, Lâm Quang Chính, Trần Đình Bích, Trần Văn Nhựt, Nguyễn Bá Mạnh Hùng, Hứa Yến Lến, và cuối cùng là Đại Tá Lê Xuân Hiếu.

Hậu cứ của Trung đoàn 43 đóng tại tỉnh Long Khánh.

Năm 1974, Tiểu đoàn 2/43 đã được Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tuyên dương công trạng trước Quân đội.

- Trung Đoàn 48:

Trung Đoàn 48 được đổi danh hiệu từ Trung Đoàn 32/Sư Đoàn 21 Bộ Binh để trở thành Trung Đoàn 48 Bộ Binh Biệt Lập vào ngày 16/03/1963, để cùng hai Trung đoàn 43 và 52 kết hợp thành SĐ10BB vào năm 1965.

Trung đoàn 48 đã hoạt động khắp lãnh thổ Miền Tây và Vùng III chiến thuật. Những địa danh đã đi qua như Thừa Đức, Bình Đại ở Bến tre, Năm Căn, Cái Nước, Biện Nhị, Sông Ông Đốc, Thới Bình, Huyện Sử, U Minh của Cà Mau thuộc Vùng IV Chiến Thuật, tận cùng đất nước của đồng bằng Sông Cửu Long; cho đến những địa danh ở Vùng III Chiến Thuật như: Mã Đà, Rang Rang, Đồng Tình Ra, Suối Chó Chết, Xóm Xình, Xóm Cạn, Bầu Cá Trê, Phú Giáo, Nước Vàng, Ngã Ba Ông Lình, Gióc Bà Nghĩa, Bình Cơ, Bình Mỹ, Xóm Bà Chủ, Khánh Vân, Đồng Xoài, Phước Long thuộc Chiến Khu Đ, mật khu Mây Tào, Mũi Kê Gà, cửa khẩu Bình Châu, Vỏ Xu, Mê Pu, Mật khu Ara Sa Lua, Bình Giả, tái chiếm Quận Đất Đỏ, Xà Bang, mật khu Hắc Dịch, Trảng Táo, Cây Gáo, Trảng Bàng, Đồng Ớt, mật khu Hố Bò, Bời Lời, hành quân vượt biên sang Krek, Mimot, Chúp, Chipu Campuchia... Tái chiếm Đồi Gió, Phi trường Quảng Lợi An Lộc, khai thông Quốc Lộ 13 khu vực Búng ở Lái Thiêu sau khi ngưng bắn đầu năm 1973, khai thông Quốc Lộ 15 ở Suối Cát, Quận Long Thành Tỉnh Biên Hòa, Tam Giác Sắt, tái chiếm An Điền, Căn cứ 82.

Các vị sĩ quan từng nắm giữ chức vụ chỉ huy Trung Đoàn như Trần Ngọc Nguyên, Trần Bá Thành. Đại Tá Trần Bá Thành nắm giữ chức vụ Trung đoàn trưởng cho đến tháng 1 năm 1975 thì được chỉ định đi làm Tỉnh Trưởng Bình Tuy. Vị Trung đoàn trưởng cuối cùng là Trung Tá Trần Minh Công.

Hậu cứ của Trung đoàn 48 đóng tại căn cứ Long Giao (căn cứ Black Horse củ), cách Chi khu Xuân Lộc 8 cây số về hướng Nam.

- Trung Đoàn 52:

Trung Đoàn 52 trước khi trở thành đơn vị cơ hữu của SĐ18BB là Trung đoàn 135 Địa Phương, đồn trú tại Sàigòn, hậu cứ Trung đoàn đặt tại Trại Lê Văn Duyệt mãi cho đến ngày tan hàng.

Khoảng năm 1965/66 tại xã Võ Xu-Võ Đắc thuộc tỉnh Bình Tuy, Tiểu đoàn 1/52 đã lập được chiến công rất lớn, đánh tan khoảng 2 Tiểu Đoàn VC, địch chết vài trăm mạng và thu được rất nhiều vũ khí. Trong trận này Tiểu đoàn đã nhận được huy chương của Tổng Thống Mỹ tại sân cờ Bộ Tư Lệnh SĐ18BB năm 1967. Tướng Westmoreland lúc đó là Tư Lệnh Quân Đội Mỹ tại VN đại diện Tổng Thống Mỹ trao tặng huy chương. Năm 1974, Tiểu đoàn 1/52 đã được Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tuyên dương công trạng trước Quân đội với thành tích bắt sống xe tăng địch tại An điền (Bến Cát). Hai chiếc xe tăng địch đã được kéo về trưng bày trong khuôn viên Dinh Độc Lập.

Trong trận đánh cuối cùng vào tháng 4.1975 tại mặt trận Xuân Lộc (Long Khánh), TĐ2/52 đã lập được chiến công tiêu diệt 1 đoàn xe vừa chở quân, vừa chở đồ tiếp tế và hơn 100 xác CSBV bỏ lại tại chiến trường; nhiều vũ khí kể cả đại liên phòng không gắn trên xe bị tịch thu gần Suối Tre. TĐ3/52 cũng vang danh trong trận đánh tại Đồi Móng Ngựa. Trung đoàn 52 có hậu cứ tại Đồi Phượng Vỹ, Núi Chứa Chan (ngã ba Ông Đồn). Vị Trung đoàn trưởng cuối cùng là Đại Tá Ngô Kỳ Dũng.

- Pháo binh của Sư đoàn gồm có Tiểu Đoàn 180 Pháo Binh trang bị các khẩu đội 155 ly, và các Tiểu Đoàn 181, 182, và 183 Pháo Binh trang bị các khẩu đội 105 ly. Các Tiểu đoàn pháo binh có hậu cứ đóng tại Long Bình.
Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh (Armory Cavalry 5 Regiment) có hậu cứ tại Long Bình gồm các chiến xa M41 và thiết vận xa M113.


Ngoài ra Sư đoàn 18 Bộ Binh còn có các đơn vị chuyên môn yểm trợ gồm có:

- Tiểu đoàn 18 Quân Y
- Tiểu Đoàn 18 Truyền Tin
- Tiểu Đoàn 18 Công Binh (18th Engineer Brigade)
- Tiểu Đoàn 18 Tiếp Vận
- Đại Đội 18 Vận Tải
- Đại Đội 18 Tổng Hành Dinh
- Đại Đội 18 Công Vụ
- Đại Đội 18 Quân Cảnh (18th Military Police Battalion)
- Biệt Đội Quân Báo (thuộc Trung Tâm Quân Báo)
- Biệt Đội Tác Chiến Điện Tử (thuộc Phòng 7/BTTM)
- Biệt Đội Kỷ Thuật (thuộc Phòng 7/BTTM)

TUYÊN DƯƠNG CÔNG TRẠNG:

Năm 1972, Quân kỳ của Sư Đoàn được tưởng thưởng "một Anh Dũng Bội TInh với Nhành Dương Liễu."
Năm 1974, SĐ18BB đã được tuyên dương là "Đơn Vị Xuất Sắc" của QLVNCH.
Năm 1975, Quân kỳ của Sư Đoàn được tưởng thưởng "Ba Anh Dũng Bội TInh với Nhành Dương Liễu."

Tổng cộng Quân kỳ của Sư Đoàn được tưởng thưởng bốn (4) lần “Anh Dũng Bội TInh với Nhành Dương Liễu" và được vinh dự mang "Giây Biểu Chương màu Quân Công Bội Tinh" (màu xanh).


NHỮNG VỊ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN:

Sư Đoàn 18 Bộ Binh được lần lượt đặt dưới quyền chỉ huy của những vị Tư Lệnh sau:

Đại Tá Nguyễn Văn Mạnh: 16/05/1965 (cấp bậc cuối cùng là Trung Tướng)
Chuẩn Tướng Lữ Lan: 10/08/1965 (khi rời Sư đoàn là Thiếu Tướng, cấp bậc cuối cùng là Trung Tướng)
Đại Tá Đỗ Kế Giai:15/09/1966 (khi rời Sư đoàn là Chuẩn Tướng, cấp bậc cuối cùng là Thiếu Tướng)
Chuẩn Tướng Lâm Quang Thơ: 20/08/1969 (cấp bậc cuối cùng là Thiếu Tướng)
Đại Tá Lê Minh Đảo: 04/04/1972 đến ngày 30.4.1975 là Thiếu Tướng

No comments:

Post a Comment